Bãi rác khổng lồ tồn tại 10 năm: Người dân ngắc ngoải sống
Bãi rác khổng lồ sau rặng cây xanh
Từ ngã ba Trị An (nằm trên Quốc lộ 1A) đi vào khoảng 5km, sau đó tiếp tục men theo con đường đất đỏ chừng 1km sẽ tới một khu vực giáp ranh giữa hai xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, và Tân An, huyện Vĩnh Cửu cùng thuộc tỉnh Đồng Nai. Nơi đây gần chục năm qua người dân vô cùng khốn khổ bởi một bãi rác khổng lồ, rải rác trải rộng trên một phạm vi đến vài héc-ta.
Đứng từ ngoài xa nhìn vào không ai có thể hình dung được phía sau rặng xà cừ xanh ngắt lại là những cụm rác, mỗi cụm có đến hàng ngàn mét vuông đang âm ỉ tỏa khói suốt ngày đêm.
![]() |
Một trong số những bãi rác tại đây. |
Theo chỉ dẫn của những người dân vùng này chúng tôi bắt đầu đi sâu vào phía trong cùng lời dặn “bịt khẩu trang kín vào”. Quả thật khi còn cách bãi rác khoảng 200 mét thì mùi khét đến ngạt thở của nhựa, cao su, vải bông… bắt đầu xộc tới. Không khí đặc lại như xắt ra được từng lát. Cả vùng như một lò nung khổng lồ.
Tuy vậy “quy mô” của bãi rác này chỉ được thấy hết khi bước vào phía trong.
Bãi rác này không tập trung một chỗ mà được chia thành 3 nơi với diện tích lên tới vài ngàn mét vuông mỗi bãi, ngoài ra còn nhiều nơi đổ nhỏ lẻ nằm rải rác khác, tất cả tập trung trong một khu vực rộng khoảng 3km2. Trong số này có mọt bãi đổ ngay dưới đường dây 500KV. Người dân khu vực này cho biết, có lúc đốt cháy, ngọn lửa gần như liếm vào đường dây điện.
Bên cạnh những bãi rác này có một vài khu lán trại dựng lên để sơ chế những thứ còn tận dụng được, phía trong lác đác một vài người đang cào bới phế liệu. Khu vực này như một thung lũng và được bao bọc gần như hoàn toàn bởi các cánh rừng tràm do đó từ phía ngoài nhìn vào cũng khó nhìn thấy được các cột khói bốc lên.
Một thanh niên trong căn chòi sát cạnh bãi rác thấy chúng tôi, chạy ra. Anh ta nhìn bằng đôi mắt dò xét và hỏi: "Làm gì đây các anh?". Chúng tôi chỉ lên đường dây 500KV đang chạy bên trên bãi rác đang bốc khói nghi ngút bên dưới: "Khảo sát đường dây". Anh ta trở về chòi nhưng mắt vẫn theo dõi suốt quá trình chúng tôi đứng tại bãi rác.
Sau một lúc đi quanh chúng tôi nhận thấy rác được tập kết tại đây bao gồm rất nhiều loại như cao su, nhựa, ni lon, thủy tinh, nguyên phụ liệu may mặc… được đổ tràn lan ngay trên mặt đất mà không có bất cứ một dấu hiệu nào cho thấy số rác này được phân loại, xử lý, thậm chí là không có cả những hố chôn.
Ngoài những nơi đang bốc cháy, chúng tôi cũng nhận ra rất nhiều khu đất tại đây trước kia đã từng là bãi rác, bởi dù ngày nay cây cối bắt đầu mọc trở lại nhưng lẫn trong đất vẫn còn vô số những mảng màu đen là sản phẩm của những thứ nêu trên qua nhiều lần đốt cháy, có nơi vẫn còn chất thành đống cao đến hàng mét.
Khói lửa cháy quanh năm suốt tháng
Theo những người dân tại đây, bãi rác này đã được hình thành từ khoảng 10 năm trước, ban đầu chỉ là một điểm đổ nhỏ, nhưng cùng với thời gian nơi đây mỗi lúc một phình to, và cho đến thời điểm hiện tại đã trải dài hàng cây số.
![]() |
Bãi rác được đốt cháy ngày đêm ngay dưới đường dây 500KV đi ngang qua. |
Những người dân sống tại đây cho biết, không rõ số rác này được đưa từ đâu đến, nhưng các xe tới đổ rác lén lút tại đây bất kể giờ giấc, nhưng thường vào khoảng 10h sáng, chiều tối và đêm khuya. Loại xe chuyên dùng thường là các xe tải nhỏ, thậm chí có lần người dân đã thấy cả xe bồn mang biển số Bình Dương, Đồng Nai chạy vào trong này.
Thời gian trước, khi còn đi chăn bò khu vực này, K, một người sinh sống tại đây gần 10 năm cho biết anh đã từng thấy có người phun dầu thải vào buổi chiều tối và sau đó châm lửa đốt. Cứ như thế ngọn lửa cháy liên tục suốt ngày đêm và tỏa ra thứ khói nồng nặc đến ngạt thở. K. cũng cho biết, thời gian trước ngày nào cũng có xe đến đổ rác, nhưng gần đây đã chuyển sang kín đáo hơn, và có cả những người đứng “cảnh giới”.
Cá chết, heo bò ghẻ lở, gà vịt sụt trứng
Vùng đất xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu là nơi được bao phủ một màu xanh mát mắt của rừng tràm, và những trảng cỏ tươi tốt, các ao nuôi cá xen kẽ càng làm cho không khí trở lên trong lành, dễ chịu. Tuy vậy hàng chục hộ dân sinh sống tại đây đang phải sống cùng bao nỗi khổ trong môi trường tưởng như “bức tranh” đẹp đẽ kia.
![]() |
Dù thiếu nước trầm trọng nhưng người dân không dám lấy từ bên ngoài vì sợ cá chết. |
Vợ chồng anh Thành, chị Dung – những người đã tới đây lập nghiệp được hơn 30 năm cho biết: Hiện nay gia đình anh chị đang thả hai hồ cá với diện tích lên tới hàng ngàn mét vuông, do đó nguồn nước đối với anh mang tính chất sống còn. Tuy vậy vào mùa khô, dù thiếu trầm trọng nhưng do nước ở con suối và các hồ tự nhiên ở đây đã bị ô nhiễm nên không thể bơm vào hồ.
Bởi vậy mỗi lần bắt cá anh chị phải bơm nước từ hồ này sang hồ kia để tích trữ, sau đó bơm trả lại. "Nói nghe buồn cười nhưng tôi còn mong có mưa bão, vì khi đó hồ mới có được dòng nước sạch. Trước đây chúng tôi cũng đã đánh liều bơm nước vào nhưng chỉ qua một đêm cá chết nổi hết nên sau đó dừng hẳn. Giờ đây ao của chúng tôi không khác gì ao tù”, anh Thành lắc đầu ngán ngẩm.
N, một người thả vịt chạy đồng, đang chăn ở khu vực cầu đập Bến Súc, than thở: "Trâu bò, heo chó bị ghẻ lở, còn gà vịt lớp chết lớp đẻ trứng non, lớp mất đẻ, trứng sụt giảm hết".
Tương tự, ông D, một chủ trang trại nuôi hàng trăm con heo ở đây, cho biết heo thường xuyên bị bệnh, gầy còm, lâu lâu còn bị chết. "Chắc phải tìm chỗ khác. Ở đây nuôi heo heo chết, nuôi bò bò bịnh, càng nuôi càng lỗ", ông D. nói.
Cùng một nỗi bức xúc về nguồn nước nuôi cá, ông Hùng, chủ một trang trại tại đây cũng cho biết, vào đầu mùa khô các hộ dân tại đây không bao giờ dám lấy nước vào ao, mà phải chờ cho những cơn mưa thật lớn “pha loãng” đi phần nào chất độc, và sau đó phải chờ hôm thấy thật sạch thì mới dám bơm vào một chút kèm nỗi lo thường trực sau đó.
Phải sống trong một môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng nhưng những người dân tại đây chỉ còn biết “kêu” trời…. Bởi cán bộ hai chính quyền nơi địa bàn giáp ranh cho rằng bãi rác không thuộc địa phận của mình nên gần như không hề lo nghĩ.
Bài 2: Bắc Sơn đẩy sang, Tân An đẩy lại