Bãi rác khổng lồ: 10 năm chính quyền không bắt được vụ vi phạm nào!
Nằm ngủ phải bịt khẩu trang
Tiếp tục phản ảnh những hậu quả do bãi rác gây ra, chị Dung tiếp lời: “Chăn nuôi đã vậy đến cuộc sống hàng ngày chúng tôi cũng không được để yên. Do bãi rác ở trên cao nên có bao nhiêu thứ độc hại đều đổ hết xuống đây. Mùa mưa là nước thải, mùa nắng là bụi, còn khói thì quanh năm suốt tháng, nhiều khi bất đắc dĩ phải lội xuống vùng nước sủi bọt, tới ngày mai là mụn nổi đầy bắp chân”.
Nguồn nước ô nhiễm khiến những hộ dân nuôi cá tại đây bị ảnh hương nghiêm trọng |
Cũng theo lời chị Dung, nhiều đêm mọi người phải đóng cửa thật kín và đeo khẩu trang ngay cả trong lúc ngủ để giảm bớt thứ khói khét lẹt đến ngạt thở của nhựa, cao su cháy. “Khổ nhất là khi trời mưa ẩm, khói không bốc lên cao được mà cứ bay là là mặt đất như sương mù, lúc đó chúng tôi chỉ còn biết cầu mong cho ông trời nổi gió…" - Chị Dung nói. Dù khốn khổ như vậy nhưng đây là mảnh đất chị đã sinh sống hàng chục năm, tiền bạc cơm cháo đều trông cả vào đây nên mọi người phải cắn răng chịu đựng mà sống tiếp.
Khi PV hỏi mọi người đã bao giờ phản ánh lên chính quyền chưa? chị Dung cũng cho biết, đã có một lần người dân cùng nhau là đơn gửi lên cơ quan chức năng nhưng không hề nhận được phản hồi. Trong khi đó thì vợ chồng anh Thành chị Dung tỏ vẻ chán nản khi “không tin việc này sẽ được giải quyết, bởi đã có lần có người xuống kiểm tra nhưng sau đó chẳng hề có bất cứ một chuyển biến nào.”
Một trong số những bãi rác nhìn từ xa |
Vùng giáp ranh, không địa phương nào chịu trách nhiệm!
Ngày 20/9 PV Infonet đến xã Bắc Sơn và có cuộc gặp với ông Trương Tấn Sỹ - Chủ tịch UBND xã. Trong cuộc trao đuổi này ông Sỹ cho biết bãi rác nêu trên hoàn toàn thuộc địa phận xã Tân An huyện Vĩnh Cửu, không liên quan gì đến phía xã Bắc Sơn huyện Trảng Bom. Tuy vậy con đường các xe chở rác đi vào lại vào địa phận xã Bắc Sơn, nên ông cũng đã từng tổ chức mai phục để bắt. Thế nhưng bao nhiêu năm qua chưa bắt được chiếc xe nào. Và cũng vì vậy, ông cũng không biết doanh nghiệp nào, chiếc ô tô nào vào đây đổ rác.
Khác với ông Sỹ, Phó Chủ tịch xã Tân An huyện Vĩnh Cửu là ông Huỳnh Văn Thiệt, cho rằng bãi rác trên có nhiều khu, trong đó có một khu thuộc địa phận xã Bắc Sơn còn lại thuộc xã Tân An. Cũng theo ông Thiệp thì thời gian trước đây lực lượng Cảnh sát môi trường (CSMT) đã từng phối hợp với công an xã, huyện bắt được một xe đổ trộm.
Ông Thiệt gọi ông Lê Nguyễn Lộc, Phó công an xã Tân An – người tham gia vào vụ bắt giữ nói trên, đến. Thế nhưng trớt quớt, ông Lộc cũng không cung cấp được gì về danh tính kẻ đổ trộm. Ông Lộc nói rằng sự việc xảy đã xảy ra từ năm 2012. Ông chỉ được cảnh sát môi trường tỉnh Đồng Nai gọi điện thông báo sau khi vụ bắt giữ xảy ra. Ông Lộc cho rằng cơ quan và chính quyền xác định vụ đổ trộm đó trên khu đất thuộc địa bàn xã Bác Sơn. Khi ông đến nơi cảnh sát đã lập xong biên bản nên ông cũng không biết doanh nghiệp nào đổ trộm, chiếc xe nào đã chở rác đến đổ!
Ông Lộc nói đầu năm 2013 cảnh sát môi trường có bắt một vụ đổ trộm nữa nhưng ông đi học nên "không phối hợp được".
Trong khi các cơ quan chức năng đùn đẩy qua lại thì bãi rác vẫn cháy suốt ngày đêm |
Qua những thông tin được cung cấp bởi lãnh đạo hai xã, có thể thấy dường như các bên không hề có động thái phối hợp để giải quyết tình trạng ô nhiễm tại đây, bởi cho dù bãi rác có nằm ở xã Bắc Sơn, hay Tân An thì người dân hai xã này vẫn là những người phải hứng chịu hậu quả như nhau. Cách đùn đẩy qua lại như vậy của các lãnh đạo xã liệu có giải quyết dứt điểm được tình trạng đổ rác hay chỉ là để chối bỏ trách nhiệm của mình?
Trong khi đó ông Chủ tịch xã Bắc Sơn cũng cho biết dù đã “mai phục” nhiều lần nhưng vẫn chưa bắt được, vậy sự “mai phục” của cơ quan chức năng kín đáo tới đâu? Bởi chiếc xe chở rác không phải là thứ có thể ngụy trang dễ dàng, và con đường vào đây cũng gần như độc đạo.
Một bãi rác cháy suốt ngày đêm trong gần 10 năm qua, dù chính quyền biết rõ nhưng gần như bất lực, trong khi đó cuộc sống của hàng ngàn hộ dân quanh vùng mỗi ngày một khổ sở. Không thiếu những điều chứng minh cho sự tồn tại một cách vô lý của bãi rác này, cái còn thiếu chỉ có thể là sự quyết liệt và trách nhiệm của chính quyền khi xử lý.
Chúng tôi đến Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Trảng Bom, được nhân viên tại đây báo lại rằng Phó phòng vừa ra ngoài, còn Trưởng phòng đang đi công tác tại cơ sở. Đến UBND huyện Trảng Bom, được nhân viên Phòng tiếp dân cho biết hiện Chánh văn phòng đã đi vắng nên không có người phát ngôn, và đề nghị sẽ sắp xếp lịch hẹn sau.