Bài 4: Miễn giấy phép xây dựng: Bộ Xây dựng nói gì?
PV Infonet đã có cuộc phỏng vấn bà Tống Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Xây dựng)
Được biết Bộ Xây dựng đang quyết liệt gỡ bỏ những thủ tục không cần thiết liên quan đến cấp giấy phép xây dựng (GPXD) nhằm tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp. Xin bà cho biết thông tin cụ thể về việc “tháo gỡ” này?
Luật Xây dựng 2014 đã có những bước tiến quan trọng trong việc cải cách thủ tục hành chính về cấp GPXD theo cơ chế một cửa, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Theo đó, doanh nghiệp và người dân chỉ phải nộp hồ sơ xin cấp phép xây dựng và đến nhận kết quả tại cơ quan cấp phép.
Việc xin ý kiến các cơ quan quản lý nhà nước về những lĩnh vực liên quan đến công trình xây dựng và cấp phép xây dựng do cơ quan cấp phép thực hiện.
Hồ sơ cấp giấy phép xây dựng được quy định cho từng loại công trình theo hướng đơn giản và dễ thực hiện. Luật Xây dựng 2014 quy định phân cấp mạnh cho cấp huyện, Ban quản lý Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao thực hiện cấp giấy phép xây dựng.
Các công trình quy mô lớn thì có thể đề nghị cấp giấy phép theo giai đoạn, có thể thực hiện cấp giấy phép cho nhiều công trình hoặc tất cả công trình của dự án trong một giấy phép.
Bộ Xây dựng cho biết đã báo cáo Chính phủ để đề xuất sẽ miễn GPXD đối với một số đối tượng, trong đó có công trình thuộc dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở đã có quy hoạch chi tiết 1/500. Ảnh: Nguyễn Lê |
Thực hiện Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày 06/6/2014 của Chính phủ về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh, để đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong công tác cấp giấy phép xây dựng, Luật Xây dựng 2014 (tại Điều 89) đã bổ sung 06 trường hợp miễn giấy phép xây dựng so với Luật Xây dựng 2003, Nghị định số 64/2012/NĐ-CP, cụ thể: Công trình xây dựng thuộc dự án khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đã có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và được thẩm định thiết kế xây dựng; Nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện diện sàn dưới 500m2 có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Công trình sửa chữa, cải tạo làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc; Công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa.
Ngoài ra, vừa qua, Bộ Xây dựng đã đề xuất bổ sung thêm một số đối tượng công trình được miễn GPXD vào dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, cụ thể: Công trình xây dựng thuộc dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở đã có quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt và đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế kỹ thuật/ thiết kế bản vẽ thi công; Công trình xây dựng thuộc dự án được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quyết định đầu tư.
Có ý kiến cho rằng các điều kiện để được cấp GPXD hiện nay là “lặp lại” những quy định trong các văn bản pháp luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy chữa cháy… nên bãi bỏ GPXD với những dự án trong các khu vực đã có quy hoạch 1/500. Bà có ý kiến thế nào về vấn đề này?
Về ý kiến cho rằng các điều kiện để được cấp giấy phép xây dựng hiện nay là “lặp lại” những quy định trong các văn bản pháp luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy chữa cháy … thì theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 25 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cấp có thẩm quyền thực hiện việc cấp, điều chỉnh GPXD đối với công trình thuộc đối tượng phải có GPXD.
Theo quy định tại khoản 7 Điều 15 của Nghị định số 79/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy thì kết quả thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy là một trong những căn cứ để xem xét cấp GPXD.
Do vậy, để bảo đảm các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường... được thực hiện nghiêm túc trên thực tế thì việc quy định điều kiện cấp GPXD trong Luật Xây dựng là hết sức cần thiết.
Mục đích của việc quy định điều kiện cấp GPXD về bản chất chỉ là để cơ quan có thẩm quyền cấp GPXD kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường... Ví dụ: xem xét sự phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng; phù hợp với mục đích sử dụng đất; bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ... trước khi cấp GPXD.
Từ những phân tích nêu trên có thể khẳng định điều kiện cấp GPXD trong Luật Xây dựng không phải là “lặp lại” những quy định trong các văn bản pháp luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy chữa cháy...
Về ý kiến cho rằng nên miễn GPXD cho công trình thuộc dự án đã có quy hoạch 1/500: Điểm đ, e Khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng đã quy định miễn GPXD đối với công trình xây dựng thuộc dự án khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đã có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và được thẩm định thiết kế xây dựng; Nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện diện sàn dưới 500m2 có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra, như đã nói ở trên, vừa qua Bộ Xây dựng đã báo cáo Chính phủ để đề xuất bổ sung thêm một số đối tượng được miễn GPXD tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, theo đó sẽ miễn GPXD đối với công trình thuộc dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở đã có quy hoạch chi tiết 1/500 và được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công.
Xin bà cho biết quan điểm của Bộ Xây dựng về ý kiến “đối với các công trình xây dựng đơn giản như những công trình nhà ở riêng lẻ ở đô thị và nông thôn, những công trình nhà ở tạm… thay vì phải xin cấp GPXD thì các cá nhân, tổ chức chỉ cần làm một thủ tục là “thông báo” hoặc “đăng ký” xây dựng với Nhà nước”?
Hầu hết, các loại công trình này đã thuộc đối tượng được miễn GPXD theo quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng, cụ thể: Công trình xây dựng tạm phục vụ thi công xây dựng công trình chính (điểm c); Nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500 m2 có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (điểm e); Công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa (điểm k).
Riêng đối với nhà ở riêng lẻ khu vực đô thị mà không thuộc các đối tượng nói trên thì vẫn phải thực hiện cấp GPXD để đảm bảo kiểm soát về quy hoạch, không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị, cũng như an toàn của công trình và công trình lân cận.
Xin cảm ơn bà!
Luật sư Nguyễn Thị Quyên, Công ty Luật TNHH Everest:
Nên thay đổi một số quy định theo hướng đơn giản những thủ tục, trình tự để người dân “dễ thở” hơn trong việc đi xin cấp phép xây dựng. Bên cạnh đó, đảm bảo hạn chế tối đa những quy định dẫn tới việc cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền lạm quyền để gây khó khăn cho chủ đầu tư khi thực hiện thủ tục xin cấp GPXD.
Cụ thể, đối với các công trình xây dựng đơn giản mà pháp luật không yêu cầu hoặc yêu cầu rất ít việc phải thực hiện các thủ tục liên quan đến môi trường, phòng cháy chữa cháy như những công trình nhà ở riêng lẻ ở đô thị và nông thôn, những công trình nhà ở tạm… thay vì phải xin cấp GPXD thì các cá nhân, tổ chức chỉ cần làm một thủ tục là “thông báo” hoặc “đăng ký” xây dựng.
Theo đó, nếu những công trình xây dựng đã được “thông báo” hoặc “đăng ký” mà có “vấn đề” thì cơ quan chức năng sẽ “tuýt còi” bằng văn bản trả lời về việc cá nhân, tổ chức đó không được phép xây dựng và kèm theo là các căn cứ pháp lý cho việc “tuýt còi” này. Bằng cách này, với những công trình đơn giản, thay vì thực tế hiện nay, đa số người dân xây dựng nhà ở riêng lẻ (đặc biệt ở nông thôn) đều không xin cấp GPXD thì khi có sự thay đổi kể trên, người dân sẽ “dễ thở” hơn và có ý thức tuân thủ pháp luật về xây dựng hơn.
Đối với các công trình mang tính chất chiến lược, mức độ phức tạp cao, ảnh hưởng tới kinh tế xã hội thì việc yêu cầu thực hiện nghiêm túc các quy định về xin cấp GPXD của pháp luật hiện hành là rất cần thiết. Bởi nếu không được kiểm soát chặt chẽ ngay từ ban đầu thì có thể hậu quả gây ra sau này sẽ rất lớn.
Đối với những công trình được miễn GPXD theo quy định tại Luật Xây dựng năm 2014, quy định này là rất hợp lý. Bởi lẽ, đây là những công trình đã được thẩm định, kiểm duyệt, phê duyệt bởi những cơ quan chức năng có thẩm quyền để đảm bảo tính “hợp pháp” của các công trình xây dựng này. Hoặc trong một số trường hợp, những công trình được miễn GPXD do việc xây dựng không gây ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng rất ít tới kết cấu, kiến trúc.