Bác sỹ từ chối mổ hay cơn bão giả
Câu chuyện kể về cuộc đời của Cardinal Richelieu, một tu sĩ của Thiên chúa giáo, đồng thời là một nhà quý tộc, một chính khách thành công ở nhiều lĩnh vực mà về sau ông đã trở thành đức Hồng Y Giáo Chủ kiêm vị trí đứng đầu các Bộ trưởng của nhà nước thời vua Louis XIII tại nước Pháp (thế kỷ XVI – XVII).
Để nói về cuộc đời ông thì quá dài, nhưng có một câu nói trở thành chân lý thành công của vị chính khách này đã được lưu truyền lại trong vở kịch “Richelieu” viết bởi Edward Bulwer – Lytton, đó là “The pen is mightier than the sword”, tạm dịch: “Ngòi bút sắc hơn đao kiếm”.
Trước đây, người ta sử dụng ngòi bút để truyền bá tư tưởng, đạo nghĩa, lịch sử và cả những thông điệp chính trị. Ngày nay, có lẽ với sự phát triển vượt bậc về công nghệ thông tin hiện tại, chúng ta cũng nên chỉnh lại một chút cho phù hợp: “The WORD is mightier than the SWORD”, tạm dịch một cách hóm hỉnh là: “Đánh máy sắc hơn đao kiếm”.
Văn hóa bàn luận trực tuyến trên mạng internet đã ngày càng phổ biến và cũng chính vì vậy chúng ta cần tự trang bị cho mình một tư duy phản biện (critical thinking) mỗi khi tham luận kiểu này.
Sở dĩ cần có tư duy phản biện là bởi vì tất cả các câu chuyện được đăng tải trên mạng mà không kèm theo bất kỳ “chứng cứ có giá trị pháp luật” nào, thì cần phải tỉnh táo để phán xét, tránh mang lại hậu quả đáng tiếc. Chúng ta không nên tự biến mình thành những con rối của dư luận ảo mà cần phải nhìn nhận khách quan nhất có thể. “Chứng cứ có giá trị pháp luật” được hiểu là một phương tiện để chứng minh tội phạm, được sử dụng để làm rõ các tình tiết của vụ việc.
Chứng cứ này phải có đủ ba thuộc tính: tính khách quan, tính liên quan, và tính hợp pháp. Lời khai của người bị hại có tính liên quan và tính hợp pháp nhưng thiếu tính khách quan và có xu hướng “thổi phồng sự thiệt hại hoặc do căm tức người phạm tội, thần kinh bị kích động nên họ đã cung cấp thông tin không chính xác về người phạm tội cũng như diễn biến của vụ án”. Hiện nay, các băng ghi âm cũng chỉ được coi là “chứng cứ có giá trị tham khảo” bởi việc xác định “nguồn chứng cứ” (nghĩa là ai đã nói trong băng ghi âm) là rất khó.
Quay trở lại câu chuyện nổi trội ngày hôm nay, khi một số tờ báo đưa ra một bài viết có tựa đề ban đầu: “Bác sỹ từ chối mổ cấp cứu vì biết bệnh nhân là người viết báo”. Tựa đề bài này rõ ràng đã vượt tầm của đức Hồng Y Cardinal Richelieu, bởi nó giống như một quả bom hạng nặng chứ không còn ở mức đao kiếm nữa. Bác sỹ mà từ chối mổ cấp cứu thì đúng là KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN ĐƯỢC.
Nhưng rồi khi đọc bài thì câu chuyện cá nhân đã được phơi bày, đó không phải là mổ cấp cứu, đó cũng là một lời đề nghị theo kiểu: “Tôi có tiền mổ dịch vụ, anh có mổ cho tôi không? = > Không, tôi bận => Anh mổ cho tôi đi, tôi năn nỉ. => Không được, mà cô làm cho báo xxx à? Trước đây tôi bị báo cô lừa một lần. Tôi không mổ.”
Ngành y đã từng phải chịu sức ép của búa rìu dư luận mà khởi phát bởi những thông tin thiếu khách quan, thiếu trung thực, hoặc là thiếu tỉnh táo như thế này. Ai sẽ bảo vệ bác sỹ trong những tình huống này đây? Đó phải là một nghiệp đoàn Y khoa độc lập với Bộ Y tế, độc lập với người sử dụng dịch vụ Y tế, đứng ra để làm trọng tài trong các tranh chấp Y khoa. Bác sỹ và ngành Y không thể mất thời gian cho những hờn giận con trẻ, để rồi từ một sự việc nhỏ mà phải đích thân các vị lãnh đạo cấp cao đứng ra phân xử.
Nhưng tôi có một cái nhìn khác về cô gái trong câu chuyện. Cô ấy là người chịu thiệt hại, đích thị như vậy. Qua tất cả bàn luận trên mạng thì các thông tin cá nhân của cô ấy đã bị công bố công khai, thậm chí là tình trạng bệnh. Và tôi chắc rằng hiện giờ tâm lý của cô ấy đang rất căng thẳng.
Hiện giờ điều cô ấy mong muốn chỉ đơn giản là cắt bỏ khối u ra khỏi cơ thể, và đó là nguyện vọng chính đáng. Cũng rất may mắn, lần này vô tình vị lá cải lái máy bay thả bom tấn lại nhằm trúng vào một ông Bác sỹ vững chắc với bề dày kinh nghiệm chuyên môn, có uy tín với cả người trong và ngoài ngành Y.
Nói rằng lần này may mắn vì nếu bom rơi đúng vào đầu một bác sỹ trẻ, rất có thể ngành Y chúng ta phải chào tạm biệt sớm một nhân tài nào đó.
Câu chuyện đơn giản nhưng với nghệ thuật “làm hàng” siêu việt của vị tác giả nọ, đã tạo ra cả một cơn bão trên mạng. Điều gì đã khiến chúng ta dễ dàng dành thời gian gào thét trên bàn phím thay vì ngồi tập trung vào học hành, lao động và sản xuất?
Chỉ biết rằng đất nước sẽ nghèo đi vì cái kiểu tư duy a dua, tự ái và thù hằn.
Chúng ta đừng sợ người viết báo và cũng đừng tránh né họ, nếu tâm sáng và vững, hãy cùng họ viết cho sức khỏe cộng đồng được hưởng lợi.
Theo Sức khỏe & Đời sống