'Bác sĩ nói không sao, cuối cùng con tôi chết'
Bé H. rất kháu khỉnh |
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Vân (hẻm 561, Quốc lộ 1A, P.Linh Xuân, Q.Thủ Đức, TP.HCM) hốt hoảng khi thấy con bị sốt cao liên tục, co giật, nhưng bác sĩ cứ bảo yên tâm, bảy ngày sau sẽ hết bệnh.
Đến khi con rơi vào tình trạng khó thở, chị xin chuyển viện thì bác sĩ khẳng định giữ lại vì bệnh viện điều trị được. Cuối cùng, bé tử vong trên đường chuyển viện do sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết và ngưng tim.
Sáu năm hiếm muộn, mất con sau hai ngày nhập viện
Sáng 13/11, người nhà của chị Vân gọi đến Đường dây khẩn Báo Phụ Nữ phản ánh về việc bác sĩ (BS) Khoa Nhi, Bệnh viện (BV) Q.Thủ Đức thiếu trách nhiệm, dẫn đến cái chết cho con trai chị Vân, bé Nguyễn Huy H. (16 tháng tuổi) khi nhập viện điều trị tại đây.
Tiếp chúng tôi tại phòng trọ lụp xụp chừng 12m2 (P.Linh Xuân, Q.Thủ Đức) sau khi vừa chôn cất con ở quê nhà (tỉnh Nghệ An), anh Nguyễn Văn Hải, chồng chị Vân kể: “Ngày 21/10, thấy con bị ho, sốt cao, vợ chồng tôi đưa bé lên BV Nhi Đồng 2 TP.HCM khám. BS chẩn đoán viêm họng, viêm phế quản và cho thuốc uống, hẹn hai ngày sau tái khám.
Giấy báo tử của BV Nhi Đồng 2 về bé H. |
Thế nhưng, uống hết một ngày thuốc, bé vẫn sốt liên tục trong đêm nên ngày 22/10, tôi đưa bé sang BV Hoàn Hảo (tỉnh Bình Dương) khám. Với kết quả xét nghiệm máu, BS chẩn đoán bé bị sốt xuất huyết”. Sau đó, bé H. đã nhập BV Q.Thủ Đức và BS ở đây chẩn đoán sốt xuất huyết ngày thứ ba.
Cầm một xấp giấy đóng viện phí tại BV Q.Thủ Đức, chị Vân bức xúc: “BS nói bệnh này không có thuốc đặc trị, nhưng bảy ngày sẽ hết. Tôi thực hiện theo lời BS dặn là lau mát cho con, cho uống thuốc hạ sốt, uống nước nhiều… Tuy nhiên, gần 12g khuya 22/10, bé lại sốt cao, vợ chồng tôi đập cửa rầm rầm nhưng cả BS và y tá đều ngủ.
Khoảng năm phút sau, họ mới ra và mở nước ấm tắm cho bé hạ sốt”. Sau khi tắm được 30 phút, bé hạ sốt và đến 4g sáng 23/10, bé lại sốt cao, lại được đưa đi tắm để hạ sốt.
“Ngày 23/10 cũng là lần cuối tôi nghe con gọi mẹ”, nói đến đây, chị Vân khóc nấc. Anh Hải kể: 8g ngày 23/10, cháu lại sốt và có đi ngoài nên BS cho uống thuốc hạ sốt, truyền dịch. Sau đó cháu lại sốt cao, không hạ sốt được nữa và bị co giật. Các BS tiếp tục lau mát, cho thở oxy nhưng đến 16g cháu lại tiếp tục co giật. Lúc này BS chỉ định lấy máu để xét nghiệm nhưng do trước đó đã lấy nhiều lần nên khó tìm ven. Các y tá không lấy máu được và trả bệnh nhi về lại giường bệnh. Các BS chỉ định tiếp tục chườm nước ấm để hạ sốt.
Đến khoảng 18g ngày 23/10, nhiệt độ của bé xuống còn 38 độ C, đến 19g thì thân nhiệt vẫn ổn, nhưng sau khi ngừng lau mát thì nhiệt độ lại tăng. Khi người nhà thông báo thì một BS đang trực trấn an: “Yên tâm, không lo nữa. Không cần lau mát, chỉ cần cho uống thuốc, sữa và nước là đủ”. Thế nhưng một giờ sau đó, bệnh nhi rơi vào tình trạng khó thở.
“Nhìn con thở rất khó khăn, tôi thấy có điều gì đó không bình thường nên liền gọi cho BS xin chuyển viện, nhưng BS nói giữ lại vẫn điều trị được. Cuối cùng đến 21g20, con tôi được chuyển viện lên BV Nhi Đồng 2 TP.HCM, nhưng trên đường đi cháu đã ngưng tim”, anh Hải cúi đầu lặng đi. Dù đã nỗ lực cấp cứu nhưng cuối cùng bệnh nhi đã tử vong với chẩn đoán “sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết”.
Bệnh viện nhận sai
Trao đổi với báo Phụ Nữ, ban lãnh đạo BV Q.Thủ Đức cho biết: ngay sau khi bé H. tử vong, Hội đồng chuyên môn của BV đã họp và kết luận bé bị sốt xuất huyết ngày thứ tư với biến chứng sốc, tổn thương, suy đa cơ quan. Thế nhưng, vào lúc 10g ngày 23/10, khi thấy bệnh nhi bị sốt cao 39,5 độ C, co gồng và nghi sốt xuất huyết thể não, BV đã tư vấn cho ba mẹ bé H. là bệnh nặng và chuyển lên tuyến trên nhưng ba mẹ bé không đồng ý và muốn ở lại điều trị.
Đến 21g ngày 23/10, bé lên cơn co giật toàn thân, sốt cao 39,5 độ C, tím môi, tiêu chảy nhiều, ói, thở nhanh do sốt xuất huyết thể não và được chuyển lên BV Nhi Đồng 2 điều trị.
BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV Q.Thủ Đức cũng thừa nhận, BS điều trị chưa có kinh nghiệm trong việc đánh giá, tiên lượng và theo dõi diễn biến nhanh của bệnh. Hội đồng chuyên môn đang làm rõ trách nhiệm của các cá nhân và tập thể Khoa Nhi để xử lý.
Các BS chuyên về điều trị sốt xuất huyết giải thích: thông thường, bệnh sốt xuất huyết sẽ hết sau bảy ngày. Thế nhưng có khoảng 10% trẻ mắc bệnh sẽ diễn tiến nặng mà cả người nhà và BS phải theo dõi kỹ chứ không nên khuyên người nhà bệnh nhi “an tâm”, đặc biệt, ngày thứ ba - thứ tư sau khi phát bệnh, rất dễ bị biến chứng. Khi đã rơi vào biến chứng thì khó điều trị.
Do đó, gặp những ca sốt xuất huyết nặng thì phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, dù người nhà không đồng ý (sau khi đã nghe được giải thích chuyên môn). Nếu biến chứng sốc nhiễm trùng thì sẽ dễ tử vong, ngay cả ở nước ngoài, tỷ lệ tử vong cũng lên đến 70 - 80%. Biến chứng của sốt xuất huyết do nhiều nguyên nhân khác nhau; trong đó có cả việc tay nghề và kinh nghiệm của người thầy thuốc.
Ví dụ, nhiễm trùng huyết có thể do mạch máu trong đường tiêu hóa bị vỡ và vi khuẩn tấn công vào máu, nhưng không phát hiện kịp cũng khó trở tay. Hoặc do điều dưỡng không biết cách lấy ven, và do dùng quá nhiều dụng cụ y khoa với môi trường không đảm bảo… cũng gây nhiễm trùng. Ngoài ra, đối với bệnh nhân sốt xuất huyết thì bằng mọi giá phải lấy được máu để xét nghiệm, việc lấy ven không được chứng tỏ tay nghề của y tá quá kém.
Vợ chồng chị Vân, anh Hải ở trong phòng trọ của một dãy trọ dành cho công nhân do khu chế xuất Linh Trung cho thuê. Chị Vân đau lòng: “Cưới nhau vào năm 2007, sau nhiều năm hiếm muộn, vợ chồng tôi mới sinh được bé trai kháu khỉnh. Do quá bận rộn, vợ chồng tôi gửi con cho bà ngoại ba tháng. Sau đó, chúng tôi đưa cháu vào đây, không ngờ cháu lại chết tức tưởi. Con tôi bị bệnh, nếu tôi không tin BS, vậy tôi phải tin ai đây?”.
Nguồn PNO