Bác sĩ cắt nhầm niệu quản nhưng cứu sống được sản phụ băng huyết
Chị Oanh bị bác sĩ cắt nhầm niệu quản. |
Sản phụ Nguyễn Thị Oanh phải phẫu thuật cắt tử cung và bị cắt luôn niệu quản trong quá trình mổ đẻ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống vào ngày 23/6 vì có dấu hiệu băng huyết. Để cầm máu, các bác sĩ buộc phải cắt bỏ tử cung song lại cắt luôn niệu quản. Sau phẫu thuật, bác sĩ theo dõi sản phụ không ra nước tiểu. Chị Oanh đã được gia đình đưa xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cấp cứu và được các y bác sỹ chẩn đoán chích hẹp niệu quản sau phẫu thuật lấy thai.
Thưa thạc sĩ Nguyễn Hữu Trung, gần đây dư luận xôn xao câu chuyện bác sĩ cắt nhầm niệu quản của bệnh nhân ở Thanh Hóa khi mổ đẻ và cắt tử cung. Ở góc độ chuyên môn, anh đánh giá về tai biến này thế nào?
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Trung: Về mặt giải phẫu học, niệu quản ở vùng chậu rất gần với đoạn eo của tử cung, chỉ cách eo tử cung 1,5 cm. Do đó, việc gây tổn thương niệu quản là có thể xảy ra trong các phẫu thuật cắt tử cung. Trong phẫu thuật mổ sinh, tai biến tổn thương niệu quản rất hiếm xảy ra...
Trong trường hợp bài báo đưa ra, thai phụ được mổ sinh ở một bệnh viện tuyến huyện. Một cuộc mổ sinh bình thường không một bác sĩ nào đi “khuyến mãi” cắt tử cung thêm làm gì cả. Ở đây, người bác sĩ “bắt buộc” phải thực hiện phẫu thuật này vì thai phụ bị băng huyết rất nhiều ngay trong lúc mổ sinh.
Để cứu mẹ, bác sĩ đã phải phẫu thuật cắt tử cung để cầm máu. Tỷ lệ tử vong ở những trường hợp cắt tử cung ngay lúc mổ sinh như thế này trên thế giới là 1/100. Tôi cho rằng thai phụ này được cứu sống trong trường hợp này là có phần may. Người ta nói, "trong cái rủi có cái may" là vậy.
Một điều đặc biệt trong ca cấp cứu này là xảy ra vào ban đêm. Trong một đêm trực, số bệnh nhân trong bệnh viện không hề giảm đi so với ban ngày nhưng lực lượng bác sĩ trực rất hạn chế.
Tôi không rõ số bác sĩ chuyên khoa sản trong tua trực này là bao nhiêu, nhưng tôi nhớ có giai đoạn tôi đi công tác ở bệnh viện tỉnh Gia lai hoặc bệnh viện Thống Nhất Đồng Nai cách đây khoảng 15 năm. Một đêm trực ở các bệnh viện này chỉ có 1 hoặc 2 bác sĩ chuyên khoa Sản. Mổ một ca mổ sinh như vậy, chỉ có 1 bác sĩ mổ cùng với một người phụ là dụng cụ viên. Lúc đó, tôi khâm phục các bác sĩ ở các bệnh viện đó... và tôi cũng không hình dung được họ đã xoay xở như thế nào khi có những trường hợp nặng như thế này xảy ra...
-Họ biết rằng thời gian phẫu thuật sẽ kéo dài thêm (1,5-3 giờ), sẽ nguy hiểm cho bà mẹ, tử vong cho bà mẹ theo thống kê lên đến 1%.
-Phẫu thuật cắt tử cung ngay sau mổ sinh không phải bác sĩ nào cũng có thể thực hiện được…
Tóm lại, “tai biến” tổn thương niệu quản trong phẫu thuật ở trường hợp này theo tôi là có thể chấp nhận được và tai biến này hoàn toàn có thể khắc phục. Cháy nhà, xe chữa cháy đến xịt nước, có thể bị hư hỏng một số vật dụng như ti vi, máy móc hoặc sụp mái nhà nhưng cuối cùng giữ được ngôi nhà. Như vậy là may mắn lắm rồi…
Tai biến mổ sinh phải cắt bỏ tử cung toàn phần chiếm bao nhiêu phần trăm số ca tai biến sản khoa, thưa thạc sĩ?
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Trung: Phẫu thuật cắt tử cung không phải là tai biến của mổ sinh. Đây là phẫu thuật bắt buộc phải thực hiện trong những trường hợp mổ sinh kèm theo băng huyết sau sinh.
Thông thường, một cuộc mổ sinh mất máu khoảng chừng 200-300 ml và không cần phải truyền máu. Tuy nhiên có những cuộc mổ sinh, lượng máu mất quá nhiều do tử cung co hồi kém, nhau tiền đạo, nhau bong non, nhau cài răng lược… Trong những trường hợp máu mất quá nhiều trong lúc mổ sinh, ngoài các biện pháp truyền dịch, truyền máu (có khi lên đến cả 4-5 lít máu) để hồi sức, bác sĩ phẫu thuật cần phải thực hiện một số thủ thuật để cầm máu trong đó biện pháp cắt tử cung là phương pháp cuối cùng khi những phương pháp khác thất bại.
Vâng xin cảm ơn thạc sĩ!