Cặp bồ với anh rể, đầu độc chị họ: Tử hình, bị cáo nộp 5 triệu/tháng cho con nạn nhân thế nào?
Với mức án Tử hình vì tội Giết người, bị cáo Lại Thị Kiều Trang còn phải bồi thường cho gia đình nạn nhân và cấp dưỡng cho 3 con của của nạn nhân đến khi trưởng thành.
Ngày 17/7, TAND tỉnh Thái Bình tuyên Lại Thị Kiều Trang (25 tuổi, ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) tử hình về tội Giết người. Nạn nhân là chị N.T.H (SN 1990), điều dưỡng viên Bệnh viện Phổi tỉnh Thái Bình.
Lại Thị Kiều Trang bị tòa án tuyên án tử hình (ảnh Hải Nam) |
Ngoài mức án trên, bị cáo phải bồi thường cho gia đình nạn nhân toàn bộ mai táng phí, tiền bồi thường tổn thất tinh thần và cấp dưỡng cho 3 con của bị hại đến khi trưởng thành.
Tuy nhiên, vấn đề được nhiều người quan tâm là việc bồi thường và cấp dưỡng cho 3 người con của bị hại được thực hiện như thế nào sau khi bị cáo thực hiện án tử hình?
Trao đổi với PV về vấn đề này, luật sư Đặng Xuân Cường (Công ty Luật Trương Anh Tú) cho biết, trong một vụ án hình sự, việc tòa tuyên trách nhiệm bồi thường của bị cáo đối với người bị hại có thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tinh thần được gọi là giải quyết phần dân sự trong vụ án hình sự.
Về phần này, tòa sẽ căn cứ vào các quy định của Bộ luật Dân sự để đưa ra phán quyết cho phù hợp. Trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của người thực hiện hành vi phạm tội đối với nhà nước, còn trách nhiệm dân sự là trách nhiệm của người gây thiệt hại đối với người bị thiệt hại.
Trong một vụ án hình sự mà có giải quyết phần dân sự thì bị cáo phải chịu song song hai trách nhiệm này. Do vậy khi tuyên bản án, Hội đồng xét xử buộc phải giải quyết cả hai phần này mới đảm bảo được sự toàn diện, đúng pháp luật.
Đối với vụ án trên, luật sư Đặng Xuân Cường phân tích: “Khi tòa tuyên bị cáo có trách nhiệm phải cấp dưỡng cho con của người bị hại đến khi đủ 18 tuổi nhưng do bị cáo đã phải thi hành hình phạt là “tử hình” thì sẽ không có điều kiện để thực hiện nghĩa vụ này nữa.
Do vậy, trong trường hợp đại diện hợp pháp của người bị hại có yêu cầu thi hành án dân sự nhưng do người bị kết án đã bị “tử hình” thì buộc cơ quan thi hành án phải ra quyết định đình chỉ giải quyết việc thi hành án.
Như vậy, đối với vụ án kể trên có thể nhận định rằng phán quyết liên quan tới phần trách nhiệm dân sự của người bị kết án gần như sẽ không thực thi được”.
Bị cáo Lại Thị Kiều Trang |
Vụ án xảy ra vào khoảng 16h00' ngày 03/12/2019 tại Thái Bình.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình, Lại Thị Kiều Trang là em họ của chị Đ.T.H.Y (SN 1989, trú thôn Đông Vinh, xã Vũ An, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình). Chị Đ.T.H.Y là vợ của anh P.V.Q (SN 1989) và là đồng nghiệp, làm cùng khoa với nạn nhân N.T.H.
Giữa anh Q. và Trang có quan hệ yêu đương một thời gian nhưng sau đó anh Q. cảm thấy có lỗi với vợ, con, nên vào khoảng tháng 10/2019, anh Q. chủ động chấm dứt quan hệ với Trang. Từ đó Trang nảy sinh ý định tự tử và đầu tháng 11/2019, Trang vào mạng Internet mua được 1.000ml chất độc xyanua.
Đến cuối tháng 11/2019, thấy anh Q. có nhiều hành động, lời nói yêu thương đối với vợ, con nên Trang thay đổi suy nghĩ và quyết định dùng số hóa chất xyanua đã mua để đầu độc chị Y. chết nhằm để Trang và anh Q. được tự do yêu đương.
Biết chị Y. thích uống trà sữa nên vào sáng 2/12/2019 Trang đã gọi điện thoại đến một cửa hàng và đặt mua 6 cốc trà sữa. Sau đó Trang bơm chất xyanua vào 4 trong số 6 cốc trà sữa. Trang mang trà sữa đến Bệnh viện phổi tỉnh Thái Bình để gửi cho chị Y. Do không gặp được chị Y. nên Trang gửi lại, nhờ chị H. cất hộ. Khi chị H. uống một cốc trong số 6 cốc trà sữa thì bị ngộ và sau đó tử vong.
Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khám nghiệm hiện trường, thu giữ và trưng cầu giám định độc chất trong các cốc trà sữa và bắt giam Lại Thị Kiều Trang. Trang đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như nói trên.
Tiến Dũng