Bà bầu bị thủy đậu sẽ gặp biến chứng nguy hiểm như thế nào?
Ảnh minh họa |
Bệnh thủy đậu rất nguy hiểm đối với bà bầu
Bác sĩ Huy cho biết mỗi người chỉ bị thủy đậu một lần. Tuy nhiên sau khi bệnh nhân đã khỏi bệnh, siêu vi thuỷ đậu vẫn còn tồn tại trong các hạch thần kinh dưới dạng bất hoạt. Nhiều năm sau đó, khi có điều kiện thuận tiện như sức đề kháng cơ thể kém hay có yếu tố gì khác, thì siêu vi này sẽ tái hoạt động trở lại và gây ra tổn thương da dưới dạng bệnh Zona, mà dân gian thường gọi là bệnh giời leo.
Đối với phụ nữ ở tuổi lập gia đình nên tiêm phòng thủy đậu vì đây là biện pháp an toàn và hiệu quả nhất. Ở nước ngoài người ta vẫn khuyến cáo phụ nữ chuẩn bị lập gia đình nên đi tiêm phòng vắc xin thủy đậu. Vắc xin này đã được chứng minh là có hiệu quả bảo vệ cao 97% và kéo dài trong suốt cuộc đời.
Nếu không tiêm phòng, bác sĩ Huy cho biết phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm vì sẽ dễ bị biến chứng nặng, đặc biệt là viêm phổi. Khi phụ nữ mang thai bị thủy đậu ở 3 tháng đầu của thai kỳ, virus sẽ gây sẩy thai, hay khi sinh ra trẻ sẽ bị thủy đậu bẩm sinh với nhiều dị tật như đầu nhỏ, co gồng tay chân, bại não, sẹo bẩm sinh...
Phụ nữ có thai bị thủy đậu trong những ngày sắp sinh hay sau sinh trẻ bị lây bệnh từ mẹ thì bệnh rất nặng với mụn nước nổi rất nhiều và dễ bị biến chứng viêm phổi. Thực tế bệnh viện Nhi trung ương đã tiếp nhận nhiều trẻ bị thủy đậu bội nhiễm do lây từ mẹ.
Thủy đậu vào mùa
Trẻ bị thủy đậu điều trị tại khoa Nhi, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. |
Bé N.H L. trú tại Hòa Bình điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện Nhiệt Đới Trung ương vì bị thủy đậu và có biến chứng. Bố mẹ cháu L. cho biết mấy ngay này cháu bị sốt nhẹ và có dấu hiệu nổi ban đỏ. Gia đình tưởng con bị sốt phát ban nhưng không phải.
Lo lắng sức khỏe của con, anh chị đưa con xuống Bệnh viện Bạch Mai khám bác sĩ cho biết cháu bị dị ứng. Vì thế, cháu L. được điều trị ở khoa Dị ứng lâm sàng của bệnh viện. Tuy nhiên, sau khi điều trị dị ứng xong, cháu L. xuất hiện các triệu chứng của thủy đậu nên bác sĩ lại giới thiệu cháu sang Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương điều trị bệnh thủy đậu.
Chị Lê mẹ của cháu L cho biết đến thời điểm này các nốt thủy đậu đã giảm chứ cách đây 3 ngày thì toàn thân cháu nổi các dấu hiệu mụn nước.
Trường hợp của bé Trần L.V trú tại phố Kim Hoa, Hà Nội cũng tương tự. Chị Hà mẹ của cháu V. kể cháu V. khỏe mạnh bình thường. Đi làm về chị còn tắm cho con. Lúc đó, chị thấy ở lưng của bé xuất hiện vài nốt đỏ như muỗi cắn. Chị Hà tưởng con bị muỗi nên đưa bé đi tắm.
Đến đêm, bé V. sốt và sáng ra bắt đầu xuất hiện hàng loạt các nốt đỏ đỏ rồi có dịch nước ở trong. Lúc này, chị Hà không nghi ngờ bé bị thủy đậu vì bé đã tiêm phòng thủy đậu. Khi đưa con đi khám, bác sĩ cho biết cháu V. bị thủy đậu. Chị Hà lấy thuốc và cho con về nhà điều trị ngoại trú theo lời dặn dò của bác sĩ.
Theo PGS-TS Bùi Vũ Huy, thủy đậu do virus Varicella Zoster gây nên, tuy lành tính nhưng nếu bệnh nhân không được chăm sóc đúng cách, có thể bị nhiều biến chứng. Bệnh cũng gây phiền toái cho người xung quanh vì tốc độ lây lan nhanh và rộng, đặc biệt ở những nơi đông người như trường học, văn phòng… thông qua tiếp xúc với người bệnh, hắt hơi hoặc tiếp xúc bằng tay với các vật dụng của người bệnh.
Bác sĩ Huy cho biết triệu chứng đầu tiên ở trẻ nhỏ là bệnh thường là trẻ quấy khóc, khó chịu, chán ăn, mệt mỏi, sốt và 1-2 ngày sau bắt đầu xuất hiện các nốt phát ban dạng phỏng nước.
Các nốt phỏng nước ban đầu nhỏ như các loại ban thông thường ở vùng ngực, bụng, lưng, mặt, chân và nhất là ở vùng da đầu. Đặc biệt, các nốt ban gây ngứa, làm bệnh nhân gãi nhiều, làm vỡ các nốt phỏng, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng, khi lành sẽ để lại sẹo lõm, dẫn đến mặt rỗ, ảnh hưởng xấu đến thẩm mỹ.
Nặng hơn, các mụn nước của bệnh thủy đậu gây ra còn là nơi mà vi khuẩn dễ xâm nhập, gây nhiễm trùng máu rất nguy hiểm. Các biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não... là các biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng, hay để lại di chứng sau này.
Để chủ động phòng bệnh thủy đậu, bác sĩ Huy cho biết nên đưa trẻ đi tiêm phòng.