ATGT 6 tháng đầu năm 2018: TNGT diễn biến phức tạp, mức giảm chưa đạt yêu cầu
Báo cáo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018 do Ủy ban ATGT quốc gia tổ chức vào sáng 5/7, trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn quốc xảy ra gần 9.000 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết trên 4.100 người, bị thương trên 7.000 người. Trong đó, đường bộ xảy ra 8.889 vụ, đường sắt xảy ra 62 vụ, đường thủy nội địa xảy ra 40 vụ. Lĩnh vực hàng không, 6 tháng xảy ra 10 sự cố, tăng 5 sự cố so với cùng kỳ 2017. Lĩnh vực hàng hải xảy ra 8 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1 người, giảm 2 vụ so với cùng kỳ.
So với cùng kỳ năm 2017, TNGT giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, cụ thể, số vụ TNGT giảm gần 600 vụ (giảm 6,19% về số vụ), giảm hơn 30 người chết (giảm 0,75% về số người chết) và hơn 900 người bị thương (giảm 11,44% về số người bị thương).
Cũng theo báo cáo, có 35 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết vì TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2017, trong đó 9 địa phương giảm trên 20% số người chết là: Vĩnh Phúc, Lào Cai, Bạc Liêu, Yên Bái, An Giang, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Đắk Lắk.
Có 26 địa phương có số người chết vì TNGT tăng so với cùng kỳ 2017, như: Quảng Nam, Kiên Giang, Điện Biên, Hậu Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Cà Mau, Hải Dương, Bắc Giang, Tây Ninh.
![]() |
Những vụ TNGT đường sắt xảy ra liên tiếp trong những ngày cuối tháng 5 và đầu tháng 6 vừa qua đã gây bức xúc trong dư luận. |
Theo đánh giá của Ủy ban ATGT quốc gia, trong 6 tháng qua, tình hình TNGT diễn biến phức tạp. Mức giảm TNGT chưa đạt yêu cầu, số người chết do TNGT chỉ giảm 0,75%. Đặc biệt, đã xảy ra một số vụ TNGT nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn về người và tài sản, nhất là những vụ TNGT đường sắt xảy ra liên tiếp trong những ngày cuối tháng 5 và đầu tháng 6 đã gây bức xúc trong dư luận.
Ngoài ra, một trong những điểm còn tồn tại của công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông trong 6 tháng đầu năm 2018, đó là tình hình hoạt động của ô tô khách, xe tải kinh doanh hợp đồng tổ chức hoạt động theo mô hình tuyến vận tải cố định, đặc biệt là thực hiện đón, trả khách không đúng nơi quy định sâu trong nội đô Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương tồn tại phức tạp, chưa xử lý dứt điểm.
Theo đó, tỷ lệ xe quá tải vẫn còn 10-12%, là nguyên nhân gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, mất ATGT.
Ủy ban ATGT quốc gia cũng nhấn mạnh về hành vi vi phạm nồng độ cồn khi lái xe bởi đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới TNGT hiện nay, với hơn 60% nạn nhân TNGT vào cấp cứu tại bệnh viện được chỉ định kiểm tra có dấu hiệu vi phạm nồng độ cồn.
Hơn nữa, ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP.HCM và các trục giao thông chính có xu hướng tăng, đặc biệt là trong các đợt nghỉ lễ dài ngày, khi thời tiết xấu, khi có tai nạn hoặc sự cố phương tiện.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Trong thời gian qua, lực lượng chức năng của các ngành và địa phương, đoàn thể đã vào cuộc quyết liệt để bảo đảm ATGT cho người tham gia giao thông. Vì vậy, tình hình có phần được bảo đảm, TNGT tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí.
Tuy nhiên, tình hình trật tự ATGT vẫn diễn biến phức tạp, còn nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm nhiều người thương vong, liên tiếp xảy ra nhiều vụ TNGT đường sắt đặc biệt nghiêm trọng.
Cá biệt, trong vòng 1 tháng đoàn tàu SE19 xảy ra 2 lần tai nạn rất nghiêm trọng, chưa xử lý triệt để các đường ngang dân sinh, lối đi tự mở qua đường sắt gây mất ATGT; tình trạng xe dù, bến cóc có xu hướng gia tăng, cạnh tranh bất bình đẳng với xe khách cố định; ùn tắc tại các đô thị lớn (Hà Nội và TPHCM đang có xu hướng gia tăng trở lại); vẫn còn tình trạng tiêu cực trong lực lượng thi hành công vụ như phản ánh của người dân và báo chí thời gian qua…
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đề nghị các bộ, ngành, địa phương đề xuất và thực hiện các giải pháp thiết thực cả trước mắt và lâu dài để triển khai thực hiện tốt trong thời gian tới nhằm đảm bảo trật tự ATGT, giảm thiểu tai nạn giao thông cả về 3 tiêu chí.
Đồng thời, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải báo cáo tiến độ việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 86/NĐ-CP. Đối với các địa phương cần tăng cường công tác tuần tra, xử lý vi phạm trật tự ATGT; tổ chức thực hiện tốt chủ đề Năm ATGT 2018 “An toàn giao thông cho trẻ em”; tổ chức các hoạt động tuyên truyền.