Nguyên nhân gia tăng bệnh lý đường tiêu hóa
Gia tăng bệnh tiêu hoá
PGS Bùi Hữu Hoàng – Trưởng khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết năm 2019 ghi nhận tần suất người dân đến khám về bệnh lý tiêu hoá chiếm 10%, nhưng sau dịch Covid-19 đến năm 2022, con số này đã gia tăng lên khoảng 15%.
Nhiều người bệnh đến khám vì có các triệu chứng đau bụng, đầy hơi, đau thượng vị, táo bón, trĩ… với các bệnh lý thông thường, nhưng cũng có người tới khám trong tình trạng bệnh nặng mệt mỏi, xanh xao.
Bệnh nhân Nguyễn Phương L (42 tuổi, ngụ tại Phú Nhuận, TP.HCM) thường xuyên đau bụng vùng thượng vị, nóng rát và người xanh xao, mệt mỏi. Bệnh nhân cho biết, thời gian vừa qua chị luôn mệt mỏi, trầm cảm đã điều trị. Khi nội soi tiêu hoá bác sĩ cho biết bệnh nhân viêm dạ dày nặng, vùng loét còn chảy máu gây thiếu máu nên người bệnh xanh xao.
PGS Hoàng cho rằng dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới trạng thái bệnh tật và bệnh lý đường tiêu hoá. Bởi vì, bệnh tiêu hoá không chỉ do ăn uống mà tinh thần lo lắng cũng làm tăng rối loạn đường tiêu hoá.
Một nguyên nhân nữa, theo PGS Hoàng, trong đại dịch người dân uống quá nhiều vitamin C, nước cam, nước chanh với hi vọng tăng đề kháng nhưng thực chất làm gia tăng bệnh lý đường tiêu hoá.
Đặc biệt, PGS Hoàng cho biết, có người bệnh đến khám tâm sự họ stress do dịch bệnh Covid-19, dẫn tới bệnh đường tiêu hoá nặng hơn. Có bệnh nhân mất người thân trong đại dịch, họ cũng ảnh hưởng hệ tiêu hoá.
Ống tiêu hoá của con người bắt đầu từ miệng xuống dạ dày, ruột non, đại tràng, trực tràng. Mỗi đoạn tiêu hoá có triệu chứng khác nhau từ chướng bụng, đầy hơi, đau thượng vị, đau bụng, tiêu chảy, táo bón…
Cảnh giác bệnh từ miệng vào
TS Lưu Ngân Tâm – Trưởng khoa Dinh dưỡng, BV Chợ Rẫy, cho biết người Việt có bệnh lý đường tiêu hoá khá phổ biến. Nguyên nhân do ăn uống, do áp lực cuộc sống.
PGS Tâm cho rằng để giữ “sức khoẻ” cho đường tiêu hoá chúng ta nên ăn theo chế độ ăn duy trì hàng ngày, chế độ dinh dưỡng đều đặn.
Để phòng bệnh đường tiêu hoá bạn cần đảm bảo các nguyên tắc:
Thức ăn bạn ăn phải đảm bảo thực phẩm an toàn.
Khi ăn cũng không nên ăn quá nhiều.
Không tập trung vào thức ăn quá nhiều chất béo.
Không ăn quá nhiều thịt, ít rau bởi vì chất xơ rất tốt cho hệ vi sinh.
Uống đủ nước mỗi ngày. Một người bình thường uống khoảng 2 lít nước, nếu bạn tập luyện thì uống nhiều hơn.
Ngoài ra, TS Tâm cho biết, stress đang làm gia tăng bệnh lý tiêu hoá vì vậy bạn cần phải kiểm soát để giảm các bệnh lý đường tiêu hoá.
Việc sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng cần sử dụng đúng theo tư vấn của bác sĩ, không nên tự uống để tránh tổn hại cho đường tiêu hoá.
Cách dự phòng bệnh lý đường tiêu hoá: Bạn nên duy trì thói quen sinh hoạt khoa học như thể dục thể thao, kiểm soát ăn uống, kiểm soát stress trong cuộc sống.
Người có bệnh lý đường tiêu hoá cần thực hiện một chế độ ăn uống cân đối giữa các thành phần chất đường, chất béo, chất đạm và các vitamin, khoáng chất.
Ngoài ra, cũng cần kết hợp các biện pháp nghỉ ngơi, điều tiết làm việc, sinh hoạt thể lực sao cho phù hợp để tăng cường sức lực, chống chọi với bệnh tật giúp người bệnh mau hồi phục.
K.Chi