Anh: Thỏa thuận Iran sụp đổ sẽ là “mối đe dọa sống còn” cho nhân loại
Trước đó, ông Hunt đã tìm cách xoa dịu căng thẳng khi nói rằng tàu chở dầu mang tên Grace 1 của Iran đã bị bắt giữ ở ngoài khơi Gibraltar với sự trợ giúp của Anh 10 ngày trước sẽ được thả nếu Tehran hứa chủ tàu này từ bỏ ý định cung cấp dầu cho Syria. EU đã áp đặt lệnh cấm cung cấp dầu mỏ cho Syria.
Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt (trái) trao đổi với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif trong một sự kiện vào tháng 11/2018. |
Ngoại trưởng Anh đã đưa ra đề xuất trên trong một cuộc trao đổi qua điện thoại với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif vào ngày 13/7. Tuy nhiên ông Zarif khẳng định Iran có quyền bán dầu mỏ cho bất kỳ quốc gia nào họ muốn và việc Anh giữ tàu chở dầu của họ là hành động cướp biển. Nhiều nguồn tin trong chính phủ Iran khẳng định tàu này không đến Syria.
Trong bài phát biểu sắp tới, ông Hunt cho hay: “Trung Đông hiện là một trong những khu vực bất ổn nhất trên thế giới, và nếu các thế lực tại đây được trang bị vũ khí hạt nhân thì đó sẽ là mối đe dọa đối với sự sống còn của nhân lọa. Tôi sẽ làm mọi cách trong khả năng của mình để ngăn điều này xảy ra”.
“Tôi sẽ thực hiện những bước đi theo quan điểm của Anh và cùng với Pháp và Đức sẽ làm những gì cần thiết để bảo vệ thỏa thuận hạt nhân, đồng thời khuyến khích Iran tuân thủ nội dung thỏa thuận này trở lại”, ông nói thêm.
Nói về việc bắt giữ tàu chở dầu của Iran, ông cho rằng: “Như tôi đã liên hệ với phía Iran vào cuối tuần qua, việc bắt giữ tàu Grace 1 là một hành động của Gibraltar nhằm thực thi lệnh trừng phạt đối với Syria của EU. Đó là hành động phải thực hiện và hoàn toàn không liên quan đến nguồn gốc xuất xứ của dầu mỏ là từ Iran”.
Pháp, Đức và Anh, ba nước đã ký vào thỏa thuận hạt nhân Iran, cũng đã đưa ra tuyên bố chung trước hội nghị EU nhằm kêu gọi Iran tuân thủ trở lại.
“Những hiểm họa hiện nay nghiêm trọng đến mức các bên liên quan cần phải ngừng lại và xem xét hậu quả của hành động của mình”, tuyên bố chung nói. “Chúng tôi tin rằng đã đến lúc cần phải hành động và tìm cách ngăn tình trạng gia tăng căng thẳng và bắt đầu đàm phán trở lại”.
“Chúng tôi quan ngại trước nguy cơ rằng thỏa thuận hạt nhân sẽ tiếp tục bị hủy hoại dưới sức ép của những hình thức cấm vận do Hoa Kỳ áp đặt và việc Iran quyết định không thực thi một số nội dung trọng tâm của thỏa thuận”, tuyên bố chung nói thêm.
Iran đã phá vỡ một phần thỏa thuận khi vượt quá giới hạn cho phép đối với khối lượng uranium cũng như tỉ lệ làm giàu của uranium. Cả hai hành động này đều chưa đủ để giúp Iran sản xuất vũ khí hạt nhân. Dù vậy, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã tuyên bố rằng: “Chúng tôi luôn luôn sẵn sàng thực hiện các cuộc đàm phán nếu Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh trừng phạt, chấm dứt gây sức ép kinh tế và thực thi thỏa thuận”.