Anh phóng vệ tinh điều khiển bởi điện thoại di động
Vệ tinh độc đáo mang tên STRaND-1, phát triển bởi các chuyên gia Đại học Surrey sẽ được điều khiển hoàn toàn bởi chiếc điện thoại Nexus 1 trong sứ mệnh kéo dài 4 tháng. Theo kế hoạch, vệ tinh STRaND-1 sẽ được phóng vào quỹ đạo nhờ tên lửa đẩy của cơ quan không gian Ấn Độ vào ngày 25/2 sắp tới.
Bộ não điều khiển của vệ tinh STRaND-1 là chiếc điện thoại Nexus 1. |
Việc triểu khai vệ tinh sẽ là một trong những thử nghiệm thú vị, cho thấy sức mạnh phi thường của điện thoại di động. Trên thực tế, những chiếc điện thoại thông minh đang phổ dụng khắp nơi trên thế giới đều sở hữu sức mạnh tính toán lớn hơn nhiều so với chiếc máy tính được sử dụng để thực hiện sứ mệnh đưa con người đặt chân xuống mặt trăng.
Tiến sĩ Chris Bridges, người dẫn đầu chương trình nghiên cứu cho biết: “Tại trung tâm của vệ tinh STRaND-1 là chiếc điện thoại nguyên bản Nexus 1, điện thoại thông minh đầu tiên sử dụng hệ điều hành Android do Google nghiên cứu, phát triển”. Tuy nhiên, chiếc điện thoại được cài đặt những phần mềm riêng biệt, giúp nó kết nối với các phần khác của vệ tinh qua cổng USB và trở thành bộ não của thiết bị.
Trên thực tế, chiếc điện thoại thông minh Nexus 1 được gắn vào bảng điều khiển của vệ tinh dài 30cm, trọng lượng 4,3kg. Máy chụp hình độ phân giải 5MP cũng sẽ được sử dụng để quan sát bên ngoài, chụp ảnh mặt trăng và trái đất trong quá trình hoạt động trên khoảng không vũ trụ. Các tấm pin mặt trời sẽ tạo ra năng lượng cho hoạt động của chiếc điện thoại thông minh.
Tuy sở hữu bộ vi xử lý hiệu suất cao nhưng chiếc điện thoại được chọn vẫn phải trải qua nhiều cải tiến bề ngoài, nhằm đảm bảo cho nó hoạt động tốt ở những môi trường nhiệt độ cực đoan. Theo đó, chiếc điện thoại phải hoạt động tốt trong điều kiện lò nướng, tủ đông, môi trường chân không và đặc biệt là bức xạ cực mạnh, đủ khiến những chiếc điện thoại bình thường nổ tung.
Trong khi mẫu vệ tinh STRaND-1 đầu tiên, sử dụng bộ não là điện thoại thông minh đang chuẩn bị được đưa vào quỹ đạo, vệ tinh STRaND-2 đã được nghiên cứu với những khả năng hoạt động ưu việt hơn. Tuy nhiên, thành công của nó sẽ phải dựa rất nhiều vào lần phóng STRaND-1 cuối tháng này để trở nên hoàn hảo trong từng sứ mệnh.
Hồng Duy