Anh hùng Nguyễn Văn Trường và những ký ức về một thời hoa lửa

Gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng trong tâm trí của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Trường, ở xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vẫn còn đọng lại biết bao ký ức của một thời “Hoa lửa hào hùng”.

Trở về với đời thường, giữa bộn bề tất bật của cuộc sống, ông vẫn luôn lạc quan, hăng hái tham gia mọi phong trào của địa phương; sống mộc mạc, giản dị và giữ vững khí phách, phẩm chất của người lính Cụ Hồ...

Giữa cuộc chiến “cái sống và cái chết không có ranh giới”

Trong cái nắng hè gay gắt, ngược QL 12A và đường chiến lược 22, chúng tôi đặt chân đến thôn Lạc Trung tìm đến nhà Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Trường.

Nhắc đến ông, người dân nơi đây ai cũng biết với tiếng gọi gần gũi là “Cụ Trường anh hùng”.

Buông súng trở về với đời thường, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Trường vẫn hàng ngày bươn chải với cuộc sống như một lão nông chân chất.

Bên ấm nước chè xanh tỏa hương thơm, chúng tôi được nghe kể lại câu chuyện về một thời binh lửa vốn đã in sâu trong ký ức của người Anh hùng một cách chi tiết và đầy sống động.

Ông tâm sự: “Trong chiến tranh giữa cái sống và cái chết không có ranh giới, chỉ có lòng yêu nước quả cảm và chí căm thù giặc là liều thuốc tinh thần để bản thân tôi cũng như bộ đội ta vượt lên giành chiến thắng trước quân thù".

Sinh năm 1948, học xong cấp II (1967), thanh niên Nguyễn Văn Trường vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Với nhiệt huyết sục sôi, tháng 2/1968, khi đang là công nhân xí nghiệp vôi xã Kỳ Lạc, theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, chàng thanh niên bước sang tuổi đôi mươi đã tình nguyện lên đường nhập ngũ.

Vóc dáng nhỏ bé nhưng lại nhanh nhẹn, ngay từ những buổi đầu Nguyễn Văn Trường đã thể hiện được bản lĩnh, sự kiên cường của mình khi tham gia các buổi huấn luyện và chiến đấu dũng cảm trong những trận đánh ác liệt. Sau hai tháng huấn luyện ở Thanh Hoá, ông được biên chế vào bộ đội đặc công chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên.

Cùng với đồng đội của mình, ông liên tiếp giành được những chiến công xuất sắc. Tháng 9 năm 1968, trong lần tham gia chiến đấu tại cứ điểm Tân Điền ông đã dùng B40 diệt 2 lô cốt địch. Ngay sau đó, vào tháng 3/1969 khi tham gia trận tập kích Động Em chính ông đã dũng cảm trực tiếp phá hủy 2 khẩu pháo địch.

“Tháng 9/1968, tui được tham gia trận đánh lớn đầu tiên tại Tân Điền - Quảng Trị. Đây là cứ điểm kiên cố của địch với những lớp hàng rào dày đặc. Chỉ huy đơn vị đã ra lệnh cho lực lượng trinh sát thăm dò cứ điểm, đo đạc mục tiêu làm sa bàn thực tế để đánh giá lực lượng, xây dựng phương án tấn công.

Trận này, tui cùng đồng đội sử dụng hỏa lực B40, DKZ tấn công, tiêu diệt 2 lô cốt địch, giành thắng lợi nhanh chóng chỉ trong vài giờ đồng hồ” - Anh hùng Nguyễn Văn Trường hào hứng kể về những chiến công đầu tiên trong đời binh nghiệp.

Khúc tráng ca về một thời hoa lửa

Bên ấm nước chè xanh, câu chuyện lại được tiếp nối…

Người cựu binh già như sống lại với thời trai trẻ, trở về là anh lính đầy quả cảm năm xưa tại chiến trường Quảng Trị.

“Trong đời lính, tui đã tham gia trên dưới 40 trận đánh lớn nhỏ, nhưng không thể quên trận đánh xe tăng địch vào tháng 5/1970 tại đồi Ông Do, khi đang là B trưởng đặc công tại Đại đội 2 - K10. Là vị trí trọng yếu nên từ năm 1969, khu vực này bị quân địch rải chất độc hóa học hủy diệt cây cối nhằm xóa chỗ ẩn nấp của bộ đội ta.

Sáng hôm đó, lực lượng trinh sát phát hiện 3 xe tăng địch; 3 xe ủi đang làm nhiệm vụ phân tuyến tại khu vực chân đồi.

Nhận được lệnh, 8h sáng, tui và 2 đồng đội tiếp cận, tập kích một trong 3 mục tiêu. Tui được lệnh lên trước, dùng B40 tiêu diệt xe tăng. Do mục tiêu quá gần, nếu dùng B40 bắn sẽ rất nguy hiểm gây sát thương lớn cho xạ thủ. Lúc đó, nói thiệt, tui run lắm, nhưng xác định “chết cũng bắn”, tui ngắm thẳng vào chiếc xe tăng ngay trước mặt mình nã đạn. Chỉ trong tích tắc, chiếc xe tăng ngùn ngụt lửa, 9 tên địch bên trong cũng bị tiêu diệt.

Xong nhiệm vụ, anh em nhanh chóng rút lui về căn cứ. Về đến nơi mới biết máu đang chảy khắp người, những mảnh đạn B40 đã găm sâu vào phần vai và chân mình; đau đớn nhưng vui sướng vì tiêu diệt được xe tăng và quân địch. Sau trận đánh này, tui được trao tặng Huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Danh hiệu Dũng sĩ diệt cơ giới ngay tại trận tuyến”.

Trở về từ chiến trường Quảng Trị khốc liệt chưa được bao lâu, ông lại nhận nhiệm vụ lên đường chiến đấu chống quân xâm lược biên giới phía Bắc. “Lĩnh ấn” Đại đội trưởng Đại đội 4 (Trung đoàn 46 - Sư đoàn 326 - Quân khu 2), Nguyễn Văn Trường đã cùng đồng đội dũng cảm, mưu trí, chặn đứng hàng chục đợt tấn công của địch, tiêu biểu nhất là trận phản kích ở điểm cao 551 - Sìn Hồ vào ngày 19/2/1979.

Thời điểm đó, quân địch chia thành nhiều mũi tiến vào Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Trước tình thế này, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 phải điều động bổ sung lực lượng; trong đó, Trung đoàn 98 - Sư đoàn 316 và Trung đoàn 46 - Sư đoàn 326 được tăng cường cho khu vực phòng thủ Pa Tần (Sìn Hồ - Lai Châu).

Tại đây, chiến sự diễn ra ác liệt, hai bên giành giật từng điểm chốt. Đại đội trưởng Nguyễn Văn Trường chỉ huy 3 mũi tiến công, tạo thành thế gọng kìm, dùng hỏa lực mạnh phân tán, dạt mỏng lực lượng địch, tiêu diệt nhanh gọn 500 tên trong 3 ngày, giành lại cao điểm 551. Trước sức đáp trả quyết liệt của ta, quân địch không thể thực hiện được âm mưu đánh chiếm Bình Lư (Tam Đường) để kết nối với cánh quân hướng Hoàng Liên Sơn và buộc phải rút về bên kia biên giới.

Suốt thời gian tại ngũ, 3 lần bị thương nhưng ngay sau khi bình phục, ông lại ra chiến trường tham gia chiến đấu. Với nhiều thành tích vang dội, ông đã được Đảng, Nhà nước tặng 2 Huân chương Chiến công hạng Ba, 1 Huân chương Chiến công hạng Hai, 1 Huân chương Quân công hạng Ba và nhiều bằng khen, phần thưởng cao quý khác.

Ngày 20/12/1979, vinh dự lớn đến với Nguyễn Văn Trường khi ông được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Giờ đây khi lần giở lại những kỉ vật của một thời hào hùng lòng ông vẫn trào dâng biết bao cảm xúc. Với cựu chiến binh Nguyễn Văn Trường, mỗi một tấm huân huy chương là một dấu ấn, là một kỉ niệm nhắc nhở về một thời binh nghiệp khó có thể nào quên.

Người Anh hùng và những lo toan giữa bộn bề cuộc sống

Danh hiệu Anh hùng LLVTND được Đảng và Nhà nước trao tặng luôn được ông nâng niu, giữ gìn như một báu vật của đời mình.

Anh hùng Nguyễn Văn Trường có dáng vẻ hồn hậu, mộc mạc, đậm chất lính cùng đôi mắt ngời sáng, giọng nói chậm rãi, hào sảng, toát lên niềm tự hào, kiêu hãnh khi nhắc đến những ký ức hoa lửa một thời nhưng ẩn sau đó là bao nỗi lo toan giữa bộn bề cuộc sống, là sự lặng lẽ làm lụng, nuôi nấng con cháu, xây đắp cuộc sống gia đình của Người Anh hùng bước ra từ lửa đạn chiến tranh.

Nhớ lại những khoảng thời gian vất vả, khó khăn của gia đình khi có 5 con cái ốm đau bệnh tật, vợ bị tai nạn rồi vết thương tái phát…trong ánh mắt ông lại có chút suy tư. Bởi lẽ hiện nay, mặc dù các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng ông vẫn được nhận đều đặn (tiền AHLLVT khoản 1,1 triệu đồng/tháng, tiền bệnh binh 2,6 triệu đồng/tháng); ngoài ra các dịp lễ, tết cấp ủy, chính quyền, địa phương, các tổ chức, cá nhân đều rất quan tâm, chăm lo chu đáo nhưng ông chỉ tiếc một lẽ là không được hưởng chế độ thương binh mặc dù mức thương tật của ông là 41%.

Lí giải điều này ông cười nói: “Tôi bị thương xác nhận thương tật 41% nhưng không được thương binh bởi các anh ấy bảo thiếu mấy tháng nữa mới đủ 15 năm bộ đội và không tính mấy năm làm công nhân".

Mặc dù ở cái tuổi thất thập, nhưng hàng ngày, người Anh hùng ấy vẫn dậy từ rất sớm, xách nắm cơm, cá khô, ấm nước trà, túi trầu, tất bật vào rừng chăn trâu, đốn củi như một lão nông chân chất, mộc mạc nơi vùng núi.

Đã qua một thời hoa lửa trên chiến trường, giữa bộn bề lo lắng cuộc sống, những giai đoạn khó khăn là vậy nhưng không thể khuất phục được ý chí của người lính cụ Hồ năm xưa.

38 năm trở về đời thường, cùng là ngần ấy năm ông vẫn giữ vững phẩm chất của người lính cụ Hồ, tiên phong gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào của địa phương và nhiệt tình với công tác hội.

Ông Phan Hoàng Trường - Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Lạc, tự hào cho biết: “Trở về đời thường với thương tật 41%, bệnh binh 61% nhưng đồng chí Nguyễn Văn Trường vẫn tiếp tục gắn bó với đồng ruộng, tham gia hoạt động Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh thôn, xã và luôn đi đầu trong mọi phong trào ở địa phương. Ở ông còn toát lên một lối sống mộc mạc, giản dị và đậm chất lính Cụ Hồ nên được mọi người hết sức tin yêu, mến phục”.

Lo toan cuộc sống, cùng những vất vả, khó khăn của gia đình nên ông đành tạm gác mong ước được quay lại thăm điểm cao 551 mà ông đã gìn giữ ngày trước.

Ông bảo: Suốt 38 năm nay, chuyến đi xa nhất của ông là ra Hà Nội dự đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. “Càng về già, tôi càng nhớ điểm cao mà đơn vị đã đóng giữ và chiến đấu không cho quân địch tràn xuống quốc lộ 12, kéo về tàn phá Điện Biên”, ông thở dài và lẩn mẩn: “30 chiến sĩ đồng đội của tôi ngã xuống những ngày ấy, giờ họ vẫn còn nằm lại nơi biên cương. Nhớ thì nhớ vậy thôi nhưng bây giờ già yếu, lại chẳng biết đường nên chỉ nén nỗi nhớ trong lòng chứ không muốn phải làm phiền con cháu, chính quyền, sợ tốn kém, lãng phí tiền nong”.

Trời dần tắt nắng, ấm nước chè xanh đã vơi cạn…

Hà Vũ – Minh Hằng

Cuộc sống ở nơi đặc biệt nhất Bắc Giang: Cả làng không một tấc đất

Toàn bộ người dân ở thôn Nguyệt Đức (Bắc Giang) đều sống trên thuyền, dưới lòng sông Cầu. Nhiều gia đình đã sống ở đây từ lâu đời, chủ yếu làm nghề chài lưới hoặc lái tàu.

Fan phát sốt vì nhan sắc NSND Thu Hà năm 20 tuổi đánh bại mọi mỹ nhân

Hình ảnh NSND Thu Hà trong vai Quận chúa Quỳnh Hoa được trích từ phim 'Đêm hội Long Trì' công chiếu cách đây gần 40 năm bất ngờ gây sốt trở lại.

Ám ảnh tuổi thơ cơ cực, chàng trai Hà Giang lên núi làm điều cảm động

Ám ảnh chuyện cứ mua gạo nấu cơm ăn lại thiếu tiền đi học, nên khi đã tạm lo được cho mình, chàng trai Hà Giang quyết định làm điều khiến ai cũng bất ngờ, cảm động.

Tình cờ nghe cuộc nói chuyện của bố mẹ chồng, tôi buồn bã mất ăn mất ngủ

Tôi luôn coi mẹ chồng như mẹ ruột của mình và nghĩ bà cũng coi tôi như con gái, nhưng có lẽ không phải vậy.

Quá thương bố, tôi không muốn về quê: Lý do được con gái chia sẻ tận đáy lòng

Có một điều gần đây tôi mới chia sẻ với chồng: Tôi rất ngại về quê vì khi rời đi, nhìn bố một mình, tôi lại cảm thấy không nỡ... Tôi cứ chìm đắm trong nỗi thương bố và nhớ mẹ.

Về quê nghỉ lễ, nàng dâu rớt nước mắt khi thấy một thứ trong mâm cơm nhà chồng

Mâm cơm đơn giản nhưng chứa đựng biết bao yêu thương và quan tâm trong đó. Mỗi miếng thịt, mỗi cọng rau, đều chứa chan tình cảm của mẹ.

Mai Phương Thuý đã 'ở trong lồng', NSND Thu Hà trẻ đẹp tuổi 55

Mai Phương Thuý khoe hình ảnh mới kèm thông báo đã 'ở trong lồng'; NSND Thu Hà xinh đẹp tuổi 55.

Hình ảnh lay động trái tim những ngày nắng nóng đỉnh điểm ở Đà Nẵng

“Anh tài xế, cô lao công ơi! Dừng lại đây 1 phút uống chai nước mát rồi đi tiếp nhé. Xin đừng ngại nhé" là dòng chữ xuất hiện trên hè phố Đà Nẵng những ngày nắng nóng đỉnh điểm.

'Ngọc nữ bolero' Lily Chen ngày càng quyến rũ, lên chức ở tuổi 29

Lily Chen - 'Ngọc nữ bolero' - khoe dáng thon, gợi cảm trong bộ ánh mới đánh dấu lên chức 'bà chủ' ở tuổi 29.

Nuôi loài nhạy cảm, 'khó chiều' trong phòng điều hòa, nông dân ở Nghệ An đổi đời

Để nâng cao năng suất của làng nghề truyền thống nuôi tằm lấy kén, người nông dân ở Nghệ An đã áp dụng kỹ thuật mới trong việc chăm sóc tằm ở phòng điều hoà.

Đang cập nhật dữ liệu !