Anh điều hai tàu chiến thường trực tại châu Á để làm gì?
Bộ Quốc phòng Anh tuyên bố, sau khi nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Nhật Bản, London sẽ triển hai 2 tàu chiến thường trực tại châu Á.
Theo báo cáo của Reuters ngày 20/7, Anh và Nhật Bản đã đưa ra tuyên bố chung cùng ngày, trong đó khẳng định, Anh sẽ triển khai thường trực hai tàu chiến ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương sau khi nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Nhật Bản vào tháng 9/2021.
Có thông tin cho rằng tàu sân bay Anh mang theo máy bay chiến đấu tàng hình F-35 sẽ cập cảng Yokosuka, nơi đặt Sở chỉ huy Hạm đội Nhật Bản và Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ vào tháng 9/2021, trong khi các tàu còn lại nằm rải rác ở nhiều cảng của Nhật Bản.
Nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh đang trên đường đến Nhật Bản. Nguồn: people.com.cn. |
Reuters cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Anh ngày 20/7 tuyên bố, Anh sẽ triển khai vĩnh viễn hai tàu chiến ở vùng biển châu Á, trùng hợp với đợt "triển khai toàn cầu" đầu tiên của nhóm tấn công hàng không mẫu hạm Anh HMS Queen Elizabeth.
Theo báo cáo, vào thời điểm chuyến thăm cấp cao của nhóm tác chiến tàu sân bay Anh được đưa ra, Vương quốc Anh đang củng cố mối quan hệ quốc phòng song phương với Nhật Bản. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết trong một tuyên bố chung với Nhật Bản: "Sau đợt triển khai đầu tiên của nhóm tác chiến tàu sân bay Anh, Vương quốc Anh sẽ bắt đầu triển khai thường trực hai tàu trong khu vực vào cuối năm nay".
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Wallace cũng tuyên bố rằng, Vương quốc Anh cũng sẽ triển khai "Đội phản ứng nhanh gần bờ" tại châu Á, đây là một đơn vị thuộc lực lượng Thủy quân lục chiến, chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động sơ tán và chống khủng bố.
Khi được hỏi các tàu của Hải quân Hoàng gia Anh sẽ được triển khai tới cảng nào trong khu vực, Đại sứ quán Anh tại Tokyo đã không trả lời ngay lập tức. Tuy nhiên, Bộ Trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi tuyên bố rằng, tàu sân bay Anh và các tàu hộ tống sẽ được phân tán và cập cảng tại các căn cứ của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và Hải quân Mỹ sau khi đến Nhật Bản.
Tin tức mới nhất cho thấy, tàu sân bay Anh hiện đã đi vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Chính phủ Nhật Bản và Anh cũng đã bắt đầu đàm phán về việc cập cảng nhóm tấn công tàu sân bay tại Nhật Bản.
Theo báo cáo của Kyodo News ngày 18/7, nhóm tác chiến tàu sân bay của Anh dự kiến sẽ nằm rải rác ở 4 địa điểm ở Nhật Bản, lực lượng này cũng có kế hoạch tiến hành diễn tập quân sự chung với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và Mỹ ở vùng biển ven biển Nhật Bản.
Được biết, nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đã lên đường từ ngày 22/5 để đến khu vực châu Á, bao gồm hoạt động tại Biển Đông. Theo lịch trình cụ thể, nhóm tác chiến sẽ ghé nhiều nước, trong đó có Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.
Đây được xem là đợt triển khai “tập trung sức mạnh hải quân và không quân lớn nhất của Anh”, đồng thời phản ánh chính sách của xứ sở sương mù về tăng cường sự hiện diện ở châu Á.
Thủ tướng Anh Boris Johnson từng thông báo rằng, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ trở thành nơi tập trung về chính sách quốc phòng và ngoại giao của London, khi nước này cân nhắc lại vị thế trên thế giới sau khi rời Liên minh châu Âu (EU).
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth lên đường cùng 8 tiêm kích tàng hình F-35 trên boong, với sự hộ tống của 6 tàu chiến (2 tàu khu trục, 2 tàu hộ tống, 2 tàu tiếp tế), 1 tàu ngầm trang bị tên lửa hành trình Tomahawk, 14 trực thăng và 1 đại đội thủy quân lục chiến.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết, sứ mệnh này nhằm thể hiện rằng, Anh “không bước lùi mà lại tiến thẳng đến việc đóng vai trò chủ động trong định hình hệ thống thế giới”. Nhóm tác chiến tàu sân bay Anh sẽ tham gia hàng loạt hoạt động tập trận đa quốc gia tại biển Philippines vào tháng 8 với lực lượng của Mỹ, Úc, Pháp, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.
Cái giá làm nên tên tuổi của tàu ngầm Kazan
Tàu ngầm Kazan là một trong những tàu ngầm mạnh nhất thế giới hiện nay, để có thể chế tạo thành công con tàu này, Nga đã phải trả giá không hề nhỏ.
Đức Trí (lược dịch)