Ẩn ức của cụ bà 80 năm bị bỏ rơi, cuối đời không thừa nhận gia đình
Cuộc đời “du mục” gần đến lúc chết mới có người đến nhận là người thân nhưng bà Loan lại chọn cách chối từ.
Sống gần 80 năm mới có người đến nhận
Nhiều năm nay, người dân sống gần khu vực bốt Hàng Đậu (Quán Thánh, Hà Nội) đã quá quen thuộc với hình ảnh một bà cụ cầm theo di ảnh chồng sống lang thang “đầu đường xó chợ” mưu sinh ở Hà Thành.
Trò chuyện với chúng tôi, bà cụ cho biết, mình là Nguyễn Thị Loan quê gốc ở thôn Sự, xã Minh Đức, (Tứ Kỳ,Hải Dương). Theo lời kể của cụ Loan, cụ lấy chồng là ông Phạm Chí Thành và có 3 người con trai. Hai người con của cụ đã qua đời từ nhỏ trong một trận lũ lịch sử mấy chục năm về trước. Một mình ông bà gắng gượng nuôi cậu con trai còn lại trưởng thành, nhưng khi lớn lên anh con trai lại quay ra ngược đãi, cướp số đỏ và đuổi ông bà ra đường. Oán hận, cụ cùng chồng bỏ lên Hà Nội sống lang thang, tạm bợ, “tối đâu là nhà, ngã đâu là giường”.
Trước đây, có hai vợ chồng, ông bà còn nương tựa vào nhau sống qua ngày. Từ ngày ông cụ bạo bệnh qua đời, cụ Loan trở nên ít nói, có khi cả ngày chỉ ngồi lì một chỗ, ai hỏi gì cụ cũng lắc đầu.
Trầm ngâm hồi lâu cụ bảo: “Ở Hà Nội không nhà không cửa, không người thân thích tuy phải sống vất vưởng nhưng ít ra còn được no cái bụng, vì nhiều người thương cụ, cho cụ đồ ăn”.
Chị Phùng Thị Thanh, người bán bún đậu mắm tôm ở vườn hoa Hàng Đậu cho biết, từ khi ông cụ qua đời, một mình cụ vẫn sống lang bạt trong cảnh màn trời chiếu đất bằng sự bố thí và thương hại của người dưng. Ban ngày cụ đi xin ăn, đêm đến cụ rải một tấm nilon nằm ngoài vỉa hè. Chồng mất, bà trở nên khó tính hơn trước, ai hỏi nhiều là bà lại cáu. Biết hoàn cảnh của bà, nhiều người cho bà tiền, có người tự nguyện mang thức ăn ra cho bà.
Chị Phùng Thị Thanh, cho biết bà Loan sống vấ vưởng ở bốt có nhiều người thường xuyên giúp đỡ cụ Loan
Trong một lần đến gặp cụ Loan, chúng tôi gặp chị Đặng Thị Đăng là người ở thôn Lu, xã Minh Đức, Tứ Kỳ, Hải Dương làm giúp việc ở phố Đội Cấn, quận Ba Đình, người thường xuyên ghé thăm, giúp đỡ cụ Loan. “Tôi không là máu mủ ruột rà, cũng không biết người thân của cụ là ai, nghĩ đến cảnh cụ nằm bệt một mình ở ngoài đường trong đêm hôm gió lạnh tôi rất thương”-Chị Đăng chia sẻ.
Chị Đặng Thị Đăng, đồng hương với cụ Nguyễn Thị Loan thường xuyên ghé thăm mang thức ăn cho bà Loan
Thời gian trước đây, chị Đăng làm giúp việc cho một người tên Vân ở thôn Sự, chị đã gọi cho ông Vân và thông báo về hoàn cảnh của một cụ bà ở cùng thôn với ông đang phải sống lang thang ngoài Hà Nội. Sau khi thông báo cho ông Vân người ở thôn Sự, suốt một thời gian gần 3 tháng, chị Đăng vẫn không nhận được hồi âm. Một buổi tối chị tìm ra bốt Hàng Đậu và đã may mắn khi thấy bà cụ đang ngồi một mình ăn cơm nắm. “Khi tôi hỏi về người thân thì bà mắng, tôi chỉ có mỗi chồng tôi thôi, không có người thân nào cả, họ hàng nhà tôi chết hết rồi”. Chị Đăng kể.
Từ khi biết thông tin về hoàn cảnh của bà Loan, một người đàn ông tên là Ngoạn đã nhận là người thân của bà Loan. Họ tìm đến Bốt Hàng Đậu và đã bật khóc khi thấy bà Loan đang ôm di ảnh của chồng.
“Về đi đừng mất công…”
Ông Nguyễn Văn Ngoạn sinh năm 1960, quê gốc ở thôn Sự, xã Minh Đức buồn bã cho biết: “Tôi có một người chị gái thất lạc đã mấy chục năm nay, gia đình ai cũng nghĩ chị đã chết rồi nên không đi tìm nữa. Cho đến khi sang nhà ông Vân mượn đồ đạc sang cát cho bà mẹ đẻ ra tôi, nghe ông Vân kể lại, tôi nghĩ đó chính là chị tội, vì họ Nguyễn chỉ có một mình bà ấy.Lúc đầu gặp, tôi chưa hỏi gì, nhìn thấy bà đội nón, thấy hai gò má, đôi chân quắp quắp giống y hệt bà mẹ tôi lúc còn sống”.
Bà Loan tỏ ra hờ hững khi lần đầu gặp ông Ngoạn
Buổi gặp gỡ giữa người nhà ông Ngoạn và bà Loan có sự chứng kiến của PV, nhưng trước sự ân cần, thuyết phục của ông Ngoạn và người thân, bà Loan vẫn tỏ ra lạnh nhạt và không hề có một chút tình cảm gì.
Khi ông Ngoạn nói “Em là Ngoạn đây, em ruột ở thôn Sự đây này” bà Loan lắng nghe nhưng không tỏ bất cứ một hành động nào. Ông Ngoạn nói tiếp, bà còn nhớ mẹ Giãnh không, (mẻ đẻ ông Ngoạn – PV), còn nhớ dì Năm không (em gái mẹ đẻ ông Ngoạn). Từ chỗ thờ ơ, lạnh nhạt rồi bà Loan nổi cáu, “Các anh cho tôi tiền vàng tôi cũng không thèm, tôi không thích nghe, quê nhà tôi chả có ai, về đi đừng mất công”.
Bà Loan nổi cáu: “Các anh cho tôi tiền vàng tôi cũng không thèm, tôi không thích nghe, quê nhà tôi chả có ai, về đi đừng mất công”.
Bà Loan gay gắt nói: “Tôi bao nhiêu năm nay, từ lúc còn trẻ đến giờ chả có quê quán, chả ai nhận tôi, tôi không có quê. Tôi còn đau bằng vạn lần, tôi không thiết gì đâu”. Bị từ chối nhưng ông Ngoạn vẫn tìm cách níu kéo thì bất ngờ bà Loan rút đòn gánh ra đuổi đi. Trước sự phản ứng dữ dội của bà Loan, người nhà ông Ngoạn cũng bối rối.
Ông Nguyễn Thiện Chiến, trưởng dòng họ Nguyễn cùng đi cho biết: "Tôi sang bảo bà làm gì ở đây, bà bảo tôi đi lang thang. Tôi hỏi thế bà ở chỗ nào, bà trả lời tôi ở linh tinh. Tôi lại hỏi, con cái bà đâu sao bà vất vả thế này bỗng bà gắt lên anh quan tâm gì đến tôi mà hỏi như thế. Tôi bảo, cháu là người làng Sự đây, cháu với bà về quê thôi. Bà giãy nảy tôi không về quê làm gì cả, anh là ai mà hỏi tôi thế…".
Hồi ức đắng cay
Sau một hồi thuyết phục không thu được kết quả, ông Ngoạn tâm sự về những hồi ức đắng cay của người chị gái.
Ông Nguyễn Văn Ngoạn kể về hồi ức của người chị gái mình
Theo đó, bố ông Ngoạn là ông Nguyễn Văn Tộ (SN 1923) kết duyên với bà Đặng Thị Giãnh và sinh được tất cả 6 anh chị em, lần lượt là Nguyễn Thị Loan, Nguyễn Văn Từng, Nguyễn Thị Trọng, Nguyễn Văn Đãi, Nguyễn Văn Ngoạn và Nguyễn Thị Doan. Đến nay chỉ còn hai người còn sống là bà Trọng và ông Ngoạn.
Ông Ngoạn cho biết: "Ngày xưa bố mẹ tôi đi làm cho địa chủ, mỗi người một nơi, địa chủ chỉ nhận nuôi một người nên con cái phải bỏ lại. Nghe mẹ đẻ kể lại, ngày xưa đói, đẻ được đứa đầu, không nuôi được, nên bảo ông cụ sinh ra bố tôi mang ra bỏ đi, nếu ai nhặt thì họ nuôi, chứ để ở nhà cũng chết vì đói.
Bà chị tôi là lớn nhất, bố mẹ lúc đó không thể nuôi được, phải mang bỏ ở chợ. Sau này mẹ tôi sinh một người nữa cũng không nuôi được, bị đói chết. Nếu tính chính xác bà chị cả tôi năm nay 75, hoặc 76 tuổi.
Năm chị tôi được 6 tuổi, ông cụ mang chị tôi ra chợ Lâm, ở làng Lâm mua cho một cái kẹo hết 2 xu rồi bỏ ở đấy và đi về. Tôi đi bộ đội ở Quảng Ninh về là 24 tuổi, sau khi lấy vợ con, có nhà cửa đàng hoàng, có được bát ăn bát để, sau đó mẹ tôi mới kể cho tôi biết. Bà xót xa và day dứt lắm, bà nghĩ cảnh ngày xưa khổ, bây giờ xem có tìm được không, cách thức tìm chị như thế nào.
Lúc bấy giờ bà Năm (em gái mẹ ông Ngoạn) vẫn còn sống, bà kể lại cho tôi nghe, nhìn thấy cái Loan ở chợ, nó bảo dì cho cháu về ở với dì, nhưng dì cũng chịu vì đói không nuôi được cháu.
Nghe mẹ tôi kể, mang bỏ chị đi là năm 1945, lúc đó tôi vẫn chưa sinh. Tâm nguyện của mẹ tôi là nếu chị tôi còn sống, tìm được chị, chị em gặp nhau có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo. Tôi muốn tìm nhưng không có cách nào để tìm, xe đạp không có, thông tin không có, lúc đó cả làng chỉ có 1, 2 xe đạp, tôi hỏi thông tin khắp nơi nhưng không có kết quả, đi xem bói thì người ta bảo có khi đã chết vì đói.
Ông Ngoạn cho hay. Trước đây tôi không có cách nào tìm được, bây giờ mình có điều kiện rồi, để bà khổ thế này không được, nếu bà nhận chúng tôi muốn đón bà về chị em đoàn tụ, đùm bọc lẫn nhau.
Ông Nguyễn Thiện Chiến, trưởng dòng Nguyễn chia sẻ, “Nếu đối chiếu bà bỏ đi từ lúc nhỏ thì năm nay bà khoảng 76 tuổi, chúng tôi đã thuyết phục nhiều nhưng bà bất mãn rồi, có thể bà hận, mình là con, bố mẹ không nuôi, mình hận chứ, ai cũng thế thôi. Có thể bà nghĩ ở đây bao nhiêu năm trời không đứa nào tìm đến nên bây giờ bà không nhận, nhưng khổ nỗi các em biết đâu mà tìm, khổ thế đấy”.
Theo Việt Văn/Báo Công lý