Ăn Tết hay chơi Tết: Tại sao không kết hợp cả ăn và chơi Tết?
Thế nhưng, một bộ phận lớn người Việt vẫn thích không khí sum họp gia đình, cả nhà cùng ăn uống quây quần, chờ đến khoảnh khắc Giao thừa, bày biện mâm cỗ cúng gia tiên và cùng đón năm mới…
Thạc sĩ giáo dục và văn hóa Nguyễn Đức Hiển – Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long cũng đã chia sẻ với phóng viên báo điện tử Infonet về xu hướng lựa chọn giữa ăn Tết hay chơi Tết của người Việt hiện nay.
Thạc sĩ giáo dục và văn hóa Nguyễn Đức Hiển – Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long |
* PV: Thưa ông, là một người dành nhiều thời gian nghiên cứu về văn hóa, ông ủng hộ xu hướng nào: ăn Tết hay chơi Tết?
Ông Nguyễn Đức Hiển: Tôi nghĩ rằng, nếu nhìn góc độ của xã hội hiện đại thì mọi người dường như thích chơi Tết hơn là ăn Tết. Bởi lẽ, việc ăn uống hiện nay cũng khá đầy đủ và không còn thiếu thốn như ngày xưa.
Chơi Tết là mọi người được nghỉ ngơi, đến nhà nhau thăm hỏi, đi du xuân, đi lễ chùa hay là tổ chức những chuyến du lịch ra nước ngoài để dành trọn thời gian và yêu thương cho nhau trong gia đình.
Chơi Tết cũng là một khái niệm khá mới mẻ, nhất là với giới trẻ có cuộc sống hiện đại hiện nay. Bản thân tôi, sinh ra và lớn lên trong một gia đình truyền thống tại Việt Nam thì khái niệm ăn Tết đã ăn sâu vào truyền thống gia đình, tuy nhiên những năm gần đây gia đình tôi cũng vừa kết hợp cả ăn Tết và chơi Tết.
Ngoài thời gian chúng tôi sum họp cùng gia đình và bạn bè để thưởng thức những món ăn dân tộc thì chúng tôi cũng cùng nhau đi chơi, đi du lịch sang các quốc gia khác để tìm hiểu văn hóa của họ.
Nhiều người vẫn ủng hộ xu hướng chơi Tết (ảnh minh họa) |
* Hiện nay, nhiều người cho rằng việc ăn Tết cổ truyền của Việt Nam còn rất nặng nề, gây tốn kém và lãng phí. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Nguyễn Đức Hiển: Tết trong ký ức của tôi - thời còn rất khó khăn thì chỉ ngày Tết người ta mới mua gạo, mua lá dong về gói bánh chưng, những đứa trẻ mới được ăn xôi, có thịt gà…Thực tế với xã hội hiện nay khi đời sống của con người được nâng cao, chỉ cần có nhu cầu thì ngày nào chúng ta cũng có thể ăn những món ăn đó.
Hiện nay khi đời sống vật chất của con người được nâng cao thì đương nhiên sẽ thiên về vấn đề tinh thần nhiều hơn và sẽ không dành quá nhiều thời gian cho việc ăn uống. Bởi lẽ, xã hội đã có sự phân công rõ ràng, mỗi người một công việc: Đã có người chuyên làm bánh chưng, chuyên cung cấp gà…Vậy tại sao chúng ta phải mất đến hàng vài ngày cho việc chuẩn bị thức ăn?
Thay vào đó chúng ta có thể dành thời gian vào việc du xuân và dành thời gian chơi Tết. Tôi nghĩ rằng hiện nay việc ăn Tết hay chơi Tết đều không quá quan trọng mà cái quan trọng là chúng ta được chia sẻ, được gần gũi bên những người thân yêu để tinh thần thoải mái hơn sau một năm vất vả. Hơn nữa, Tết cũng là dịp để chúng ta có những giây phút thoải mái hơn thư giãn và dành năng lượng cho những kế hoạch trong tương lai.
Thực ra, những thế hệ đi trước vẫn muốn giữ nét truyền thống là ăn Tết, ngày Tết là phải ở nhà, con cháu sum vầy và cùng gia đình nấu những món ăn dân tộc thờ cúng tổ tiên. Đó cũng là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, gần như cả đời người họ đã quen với điều đó và coi đó là truyền thống mà đã là truyền thống thì không dễ gì thay đổi.
* Có nhiều ý kiến cho rằng nên gộp Tết cổ truyền của Việt Nam cùng Tết dương lịch của nhiều quốc gia khác trên thế giới. Xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?
Ông Nguyễn Đức Hiển: Tôi đã từng sống nhiều năm ở nước ngoài và thấy mỗi quốc gia có nền văn hóa riêng biệt, chúng ta chỉ nên hòa nhập mà không nên “hòa tan”. Chúng ta thấy Hàn Quốc chẳng hạn, dù tốc độ phát triển kinh tế của Hàn Quốc đứng trong top G20 của thế giới nhưng đây là một quốc gia có nền văn hóa hàng trăm năm nay. Hay như một số nước Trung Quốc, Thái Lan… nền kinh tế của họ rất phát triển song họ đều có cái Tết riêng của mình.
Chẳng có lí do gì chúng ta phải hòa tan Tết cổ truyền của chúng ta với các quốc gia khác. Đương nhiên, ai cũng có những ý kiến phản biện đa chiều và họ có lí do riêng của mình. Nhiều người cho rằng Tết hiện nay gây mệt mỏi và tốn kém. Điều đó chưa hẳn.
Với cá nhân tôi thì tôi không ủng hộ việc gộp Tết vì mỗi dân tộc có một bản sắc riêng và chúng ta nên trân quý điều đó.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!