Ăn Tết, chơi Tết: Tìm lại ký ức xuân xưa nhờ Tết!
Mùa Xuân về, không khí tươi mới trên từng cành đào, người xe nhộn nhịp trên mọi nẻo đường, hương thơm từ những khóm hương trầm tỏa ra làm lòng người khấp khởi quên mọi lo toan cơm áo thường ngày. Nhà nhà đi mua sắm, trang trí và sửa sang nhà cửa rộn ràng. Thế nhưng Tết đến, Xuân về thời nay đã nhiều thay đổi so với ngày trước, không khí vẫn vậy, nhưng phong tục nhiều khác trước, và người già nhớ về những nét xuân đậm chất dân gian ngày xưa.
Ông Hoàng Ngọc Tặng (67 tuổi, ở phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới) nhớ lại: “Tết giờ đủ đầy về vật chất, nên đến sát ngày 30 Tết chỉ cần đi một vòng là mua sắm đầy đủ tất tật mọi thứ. Còn ngày trước, để có Tết nhà nào cũng phải dành dụm cả năm. Nuôi được con heo cũng phải chờ đến Tết để mấy gia đình chung nhau làm thịt. Mẹ mua cái áo cũng phải cất kín, để dành đến Tết mới cho con mặc. Nhưng nhớ nhất, là được ngồi bên bếp lửa nấu nồi bánh chưng cùng gia đình. Nấu bánh chưng giờ ở thành phố rất ít nhà thực hiện, họ chủ yếu đặt mua, nên nhiều người trẻ không biết công đoạn làm bánh chưng như thế nào nữa”.
"Tết năm này tôi nhớ năm xưa" đưa người tham gia về miền ký ức một thời đã qua vừa gần gũi và thân thương (ảnh Huyền Sương) |
Cũng như ông Tặng, anh Hoàng Nam có suy nghĩ: “Tết ngày trước nhà nhà gắn liền với bếp lửa để nấu nướng, gia đình sum vầy đúng nghĩa không khí ấm áp ngày đầu Xuân. Giờ đây, khi vật chất đầy đủ thì ngày Tết và ngày thường không còn khoảng cách là bao, nên nhiều gia đình tranh thủ dịp nghỉ Tết để đi du lịch cùng gia đình. Tuy nhiên, cũng có nhiều gia đình lựa chọn dịp Tết cổ truyền để về quê, nơi đó có các lễ hội quê để cùng nhớ về Tết xưa, mục đích là để cho con cháu biết ngày xưa ông, bà mình đón Tết như thế nào. Năm nay ở Phong Nha-Kẻ Bàng có tổ chức hội chợ tết quê, vợ chồng tôi sẽ cho con lên xem cho biết Tết xưa”.
Tái hiện Tết xưa, nhằm phát huy các giá trị truyền thống, kết nối cộng đồng bằng những hình ảnh chợ quê xưa độc đáo, đầy đủ phong vị và màu sắc chợ tết xưa đã từng được tổ chức ở Trung tâm Du lịch Phong nha-Kẻ Bàng vào tết Đinh Dậu năm 2017. Chợ tết xưa đã tái hiện những gian hàng xén bán sản vật quê hương, những hàng bánh chưng, những hàng rượu gạo nấu tại chợ, những ông Đồ viết thư pháp, bói Kiều xuân hay những gian nặn tò he... thu hút rất nhiều khách tham quan.
Để giữ gìn những truyền thống và nét xưa, năm nay Trung tâm Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng tiếp tục tổ chức hội chợ tết quê với chủ đề: “Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa” diễn ra từ ngày 19-21/2/2018 (từ 4-6 tháng Giêng Âm lịch). Người dân trong tỉnh và du khách phương xa có dịp được tìm lại nét xưa, vừa gần gũi vừa ấm áp trong những ngày hội chợ.
Càng ngày, nhiều gia đình chuyển sang đặt mua bánh, không còn tổ chức nấu bánh chưng, bánh tét như trước. |
Anh Nguyễn Văn Hòa (xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch) cho biết: “Năm trước có hội chợ tết quê, hai vợ chồng lên lịch để đưa con tham gia, nhưng tôi lại bị ốm nên lỡ hẹn. Năm nay sẽ đưa hai con lên để các con biết thêm về văn hóa và hoạt động thực tế. Đây cũng là dịp để vợ chồng được trở về ngày xưa trước".
Tái hiện không gian chợ Tết với khung cảnh người người, nhà nhà chen chúc nhau. Người lớn thì tất bật sắm sửa, trẻ con thì nô nức chơi đùa. Bao lo toan, mệt mỏi, bao bon chen đời thường dường như lùi lại, tan biến, nhường chỗ cho sự đoàn kết, sum vầy và bao dung. Bởi thế mà ngay cả khách tha phương, khi lỡ đường chưa về nhà kịp, thì trong những ngày này, trong tiết Xuân phơi phới này, cũng thấy lòng mình ấm áp đến kỳ lạ.
“Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa” sẽ làm cho mọi người cảm nhận được Tết xưa dù đã mai một trong cuộc sống hiện đại, nhưng vẫn gần gũi trong từng con người. Những truyền thống, phong tục tốt đẹp, giá trị văn hóa được trân trọng, giữ gìn. Ấm áp và thân tình trong những ngày du Xuân đầu năm, đang được nhiều người lựa chọn để mở đầu cho một năm hanh thông, may mắn, thành công.