Ăn gỏi, rau sống: Ngứa khắp người do ký sinh trùng bò dưới da
Gun bò dưới da |
Giun sán bò lổm ngổm dưới da
Trung tâm Dị ứng – miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) vừa tiếp nhận một trường hợp khá hy hữu. Bệnh nhân N. (38 tuổi, nhân viên văn phòng) đến viện trong tình trạng toàn thân xuất hiện những vết ban đỏ hình lưỡi liềm hoặc hình tròn khuyết.
Kết quả xét nghiệm của bệnh nhân N. |
Bác sỹ Bùi Văn Khánh, người trực tiếp khám cho bệnh nhân này kể lại, mặc dù các bác sĩ đang khám nhưng bệnh nhân vẫn không ngồi yên, tay gãi liên tục như “gảy đàn”. Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết anh rất thích ăn gỏi sống, rau sống. Bữa ăn nào vợ cũng phải chuẩn bị cho anh đĩa rau sống. Còn món gỏi cá sống thì cuối tuần anh thường tự tay vào bếp làm.
Nếu buổi trưa có đi ăn, hoặc tiếp khách thì món được anh ưu tiên bao giờ cũng là gỏi cuốn. Từ khi mới xuất hiện biểu hiện ngứa anh đã khám nhiều nơi với chẩn đoán mày đay mạn tính và được điều trị bằng kháng histamine, tuy nhiên triệu chứng không cải thiện. Những nốt ban ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên cơ thể, mức độ ngứa ngáy cũng càng trầm trọng hơn. Không gãi không thể chịu được.
“Sau khi kiểm tra kỹ tôi nhận thấy những vết ban đỏ trên bệnh nhân có đặc trưng cho tổn thương da do nhiễm ký sinh trùng với những ban đỏ dạng hình bán nguyệt, không nổi gồ trên bề mặt da, ấn kính mất màu, và rất ngứa. Tôi đã chỉ định bệnh nhân làm một số xét nghiệm, kết quả cho thấy bệnh nhân có tăng bạch cầu ái toan 1,2G/l(bình thường 0-0,8G/l), IgE toàn phần 350U/l( bình thường <100U/l), các xét nghiệm khác trong giới hạn bình thường”- BS Khánh nói.
Song song với đó, bệnh nhân cũng được chỉ định làm thêm xét nghiệm đánh giá tình trạng nhiễm ký sinh trùng và kết quả ban đầu cho thấy bệnh nhân bị nhiễm sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ và giun đũa chó với hiệu giá kháng thể cao. Dựa trên đặc điểm tiền sử thói quen sinh hoạt, đặc điểm lâm sàng và xét nghiệm bệnh nhân được chẩn đoán mày đay mạn tính do ký sinh trùng.
“Ngay lập tức, bệnh anh N. được chỉ định điều trị ký sinh trùng phối hợp với thuốc điều trị kiểm soát triệu chứng dị ứng. Sau 4 tuần điều trị bệnh nhân kiểm soát được hoàn toàn triệu chứng”- BS Khánh nhấn mạnh.
Không nên ăn gỏi, rau sống
Theo TS Nguyễn Minh Quang, mề đay cấp tính xảy ra đột ngột và biến mất nhanh sau vài giờ hoặc vài ngày, hay gặp ở người trẻ và nguyên nhân thường gặp là do thức ăn hoặc thuốc. Trường hợp nặng, người nổi mề đay cấp tính có thể bị choáng váng, ngất xỉu do áp huyết xuống thấp. Đối với mề đay mạn tính là một bệnh lý khá phức tạp với rất nhiều nguyên nhân gây bệnh: thời tiết, thuốc, kháng nguyên hô hấp (phấn hoa, bụi, men mốc…), mày đay do bệnh nội tiết, thức ăn và rất hy hữu xảy ra với trường hợp nhiễm ký sinh trùng như bệnh nhân N.
BS Khánh cho biết thêm, mày đay mạn tính được xác định khi bệnh nhân được chẩn đoán mày đay kéo dài trên 6 tuần. May đay là biểu hiện hay gặp, khoảng 15-25% bệnh nhân xuất hiện mày đay ít nhất 1 lần trong cuộc đời, tuy nhiên chỉ có khoảng 1% trong số đó chuyển thành may đan mạn tính.
Các chuyên gia cũng e ngại, nhiều trường hợp bệnh nhân vẫn nhầm lẫn giữa triệu chứng bệnh mề đay và triệu chứng biểu hiện trên da do sâu bọ cắn. Biểu hiện ban đầu là ngứa rát khiến bệnh nhân gãi liên tục đến trầy xước da, kết hợp với việc tự mua thuốc điều trị nên nhiều trường hợp đến viện đã xuất hiện những mụn mủ bội nhiễm rất nguy hiểm. Ngoài ra, bệnh có thể đi kèm với một số triệu chứng như sốt, đau khớp, rối loạn tiêu hóa, nhức đầu và nặng nhất là trụy tim mạch cần phải được cấp cứu kịp thời nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.
Trong khi đó, theo BS Khánh thì chúng ta vẫn còn hiểu rất ít về mày đay mạn tính vì có tới trên 50% bệnh nhân mày đay mạn tính chưa xác định được nguyên nhân. Do đó, bệnh nhân sẽ được đánh giá và điều trị theo hướng dẫn điều trị của hội mày đay phù mạch Mỹ và Châu Âu. Thời gian điều trị trung bình để kiểm soát từ 3 tháng đến 6 tháng tuỳ từng bệnh nhân.
Để phòng ngừa và hạn chế bệnh này, TS Quang khuyến cáo: “Bệnh từ miệng mà ra, vì thế với những trường hợp dễ dị ứng với thức ăn thì nên thận trọng với những thực phẩm: cá, gà, tôm, sứa, nhộng tằm thậm chí cả gỏi, rau sống. Bởi bản thân rau sống, gỏi sống người khỏe mạnh ăn thường xuyên cũng rất dễ nhiễm ký sinh trùng,
Ngoài ra, người dân cần vệ sinh sạch sẽ thân thể và nhà cửa thường xuyên, giúp da hạn chế tiếp xúc các yếu tố gây dị ứng như các ký sinh trùng (bọ chét, chấy rận, mạt nhà…), nấm mốc, lông động vật để phòng ngừa bệnh” – TS Quang nhấn mạnh.