An Giang: Xe Honda đầu “đại náo” trên núi Cấm
Đeo bám du khách và “hét” đủ giá
Cuối tháng 4, cái nắng ở Bảy Núi nóng như chảo lửa nhưng vẫn không làm chùn bước lữ khách phương xa. Nhiều xe khách mang biển số miền Đông, TP. Hồ Chí Minh, thậm chí cả xe ôtô ở các tỉnh miền Trung đậu dọc dài dưới chân núi Cấm để đi cáp treo tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ hùng vĩ. Tuy nhiên, du khách vừa bước xuống khỏi nhà ga thì nhiều người chạy xe Honda đầu vây quanh: “Đi xe ôm đến các điện, động trên núi không anh, chị? Lấy giá hữu nghị thôi. Mua nhang đèn cúng Phật nha chị…”. Chứng kiến cảnh lộn xộn như vậy, nhiều người bực mình, rồi thốt lên: “Trời ơi! Đã bảo không đi rồi mà. Lên núi những tưởng thoải mái ngắm cảnh tiên, nào ngờ gặp mấy cha đeo bám như đỉa đói vậy. Mấy ông xe Honda đầu này lì lợm quá chừng…”.
Có đoàn khách ở Bạc Liêu cùng gia đình vừa chuẩn bị dạo quanh hồ Thủy Liêm thì bị dân chạy xe Honda đầu “nài”: “Đi xe ôm hôn cô, chú. Chạy một vòng hồ Thủy Liêm cúng Phật lấy giá mềm thôi…”. Thấy vị khách này dè chừng, dân chạy “xe ôm” liền trấn an: “Không nói thách đâu cô ơi. Đi từ hồ Thủy Liêm đến các điện, động phải băng qua nhiều cua, dốc nên lấy giá như vậy là rẻ rồi…”. Những tưởng có thời gian cúng Phật, nào ngờ du khách bị dân chạy “xe ôm” hối thúc. Quá bực bội, họ đành bấm bụng móc tờ trăm ngàn ra trả cho êm chuyện.
Theo niêm yết của Ban Quản lý Khu du lịch núi Cấm, giá xe Honda đầu khứ hồi 80.000 đồng/khách, giá lên đỉnh núi 50.000 đồng/khách, giá xuống núi 30.000 đồng/khách. Thế nhưng, vào các ngày cao điểm, những người chạy “xe ôm” tự tiện đẩy giá cao hơn, gây mất lòng tin đối với du khách. Dịp lễ 30-4 và 1-5, chị Nguyễn Thị Thu Hiền ở TP. Hồ Chí Minh vừa bước tới cặp Tỉnh lộ 948 đã bị “xe ôm” bủa vây. Sau một hồi suy nghĩ, chị Hiền quyết định trả 120.000 đồng (bao vé vào cổng) để đi “xe ôm” lên xuống núi. Chị Hiền bức xúc: “Lần đầu tiên vào núi Cấm nên chưa biết giá quy định bao nhiêu. Mấy ông “xe ôm” bảo, giá khứ hồi thường ngày 100.000 đồng/khách cộng với tiền vé vào cổng là 20.000 đồng/khách. Mình tưởng giá 120.000 đồng là đúng theo quy định…”.
Khu vực hồ Thủy Liêm là nơi hội tụ quần thể chùa chiền, tượng Phật Di Lặc cao 33,6m y như chốn bồng lai tiên cảnh. Thế nhưng, nơi đây đang tồn tại vấn nạn chèo kéo khách và mua bán quá nhếch nhác. Theo quan sát của chúng tôi, tại khu vực này có đến 5-6 chỗ đậu đỗ xe loạn xạ của dân chạy “xe ôm”. Trong lúc tranh khách, họ sẵn sàng la lối và buông ra những câu nói khó nghe.
Cần giải pháp căn cơ
Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo Ban Quản lý Khu du lịch núi Cấm cho biết, Nghiệp đoàn xe Honda đầu núi Cấm trực thuộc Ban Quản lý Khu du lịch núi Cấm đang quản lý khoảng 1.136 xe Honda đầu có đăng ký hành nghề rõ ràng. Để tiện theo dõi quá trình hoạt động, Ban Quản lý khu du lịch có quy định và gắn bảng kẽm (màu xanh, cam) cho từng chiếc xe Honda đầu. Còn những “xe ôm” phát sinh trong những ngày cao điểm thường là những hộ dân, thợ chụp ảnh, buôn bán nhỏ… trên núi Cấm. Những đối tượng này thường hoạt động tại khu vực hồ Thủy Liêm, đường rừng, các vồ, điện, động trên núi. Với lượng xe phát sinh cả ngàn chiếc như vậy, rất khó kiểm soát. Hiện tại, trên núi có 3 chốt gác được Công an, Dân quân… ứng trực thường xuyên.
“Chúng tôi trang bị 5 camera để các chốt theo dõi và ghi hình, nếu phát hiện trường hợp nào vi phạm sẽ xử lý ngay. UBND huyện đã giao cho Ban Quản lý khu du lịch và một số phòng liên quan bàn giải pháp chấn chỉnh tình hình hoạt động xe Honda đầu. Tuy nhiên, cái khó hiện nay trên núi Cấm là chưa có bến bãi cụ thể nên tình trạng đậu đỗ xe mất trật tự còn phổ biến…”- một lãnh đạo Ban Quản lý khu du lịch bày tỏ.
Ông Lê Minh Hưng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển du lịch An Giang bức xúc: “Khách du lịch đến núi Cấm để hưởng thụ, thư giãn và giải trí, nhưng hình ảnh buôn bán, chèo kéo, gây phản cảm đối với mọi người. Có du khách thốt lên: “Đi một lần tởn tới già…”. Vào những ngày cao điểm, trên 2.000 chiếc xe Honda đầu hoạt động đưa rước khách tại núi Cấm. Phía công ty đã gắn bảng cấm chèo kéo khách tham quan du lịch tại khu vực nhà ga, nhà chờ, vậy mà những người chạy xe Honda đầu, bán hàng rong cứ tràn lên đeo bám du khách. Có du khách vừa bước tới cầu đỏ chứng kiến cảnh chèo kéo bát nháo, họ phải nhanh chân trở xuống núi. Giữa những người chạy xe Honda đầu với nhau lại hành xử thiếu văn minh, họ sẵn sàng tranh khách, rượt đuổi, khiến du khách ngao ngán”.
Trước thực trạng trên, ông Lê Minh Hưng đề nghị, ngành chức năng, UBND huyện sớm có giải pháp căn cơ để thiết lập lại trật tự tại Khu du lịch núi Cấm. Các khu vực xung quanh hồ Thủy Liêm, chùa Vạn Linh, tượng Phật Di Lặc, cầu đỏ cần có bến bãi đậu, đỗ xe hợp lý, dẹp nạn buôn bán bát nháo, kể cả bán vé số, để giành riêng lối đi bộ cho du khách và trả lại quang cảnh tâm linh vốn có nơi đây. Đồng thời, địa phương mạnh tay giữ gìn an ninh và bảo vệ du khách tham quan núi Cấm, để núi Cấm thật sự là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn trong lòng lữ khách.
Theo Giám đốc Sở Giao thông- Vận tải (GT-VT) Ngô Công Thức, hoạt động xe Honda đầu trên núi Cấm quá lộn xộn, chưa bài bản. Đường lên núi Cấm đã giao cho Ban Quản lý Khu du lịch núi Cấm quản lý, do đó về phía ngành chỉ vạch ra kế hoạch tuyên truyền trật tự ATGT tại đây. Tới đây, Sở GT-VT giao cho Ban ATGT tặng mũ bảo hiểm cho những người hành nghề xe Honda đầu để họ nâng cao ý thức và chấp hành Luật Giao thông trong quá trình hoạt động đưa rước khách lên xuống núi Cấm.
LƯU MỸ/Báo An Giang Online