Ám ảnh những mảnh đời tại trại phong bị bỏ hoang giữa thủ đô
Ngôi nhà bỏ hoang của những mảnh đời bất hạnh
Trại phong bỏ hoang Đá Bạc (Xã Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội) bao quanh là khung cảnh hoang tàn, cây cỏ dại ven đường mọc lấp kín lối đi. Khuôn viên trại phong là cảnh tượng đổ nát, những với những bức tường loang lổ, những căn phòng bỏ không… nằm giữa núi đồi hoang vắng.
Trại phong Đá Bạc thuộc địa bàn xã Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội bị bỏ hoang từ năm 2013, đến nay vẫn còn khoảng 10 bệnh nhân ở lại. |
Nơi đây còn mười cụ già bị bệnh phong sinh sống, phần lớn các cụ đều đã ngoài 70 tuổi. Các cụ cho biết, trại phong này trước đây thuộc sự quản lý của Bệnh viện Da liễu Hà Nội. Sau khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội thì trại phong được di dời sang địa bàn Hà Tây để hoạt động. Từ năm 2013, hầu hết các bệnh nhân đã đồng ý chuyển đi, chỉ còn lại 10 người quyết tâm ở lại. Từ đó, nơi đây bị bỏ hoang. Khi di dời thì hơn 10 bệnh nhân xin ở lại để thắp hương cho những người quá cố, chấp nhận cuộc sống không có sự trợ cấp của Nhà nước.
Cũng từ đó, cuộc sống của các cụ ngày càng rơi vào cảnh túng thiếu, nghèo đói. Mọi sinh hoạt, nhu cầu duy trì cuộc sống của họ phụ thuộc hoàn toàn vào những nhà hảo tâm. Nhưng có lẽ nỗi buồn và nỗi đau lớn hơn cả sự nghèo đói là các cụ đang gặp phải đó sự cách ly với xã hội nhộn nhịp ngoài kia.
Cụ Khuất Thị Sợi (70 tuổi) vào trại phong Đá Bạc từ năm 1968. |
Khi được hỏi lý do vì sao các cụ không đi sang bệnh viện mới, cụ Khuất Thị Oanh (70 tuổi, Phú Thọ) cho biết: “Tôi vào đây sống từ năm 24 tuổi, đến nay cũng đã được hơn 45 năm. Tôi cũng như những người ở đây coi nơi này giống như nhà mình nên quyết định ở lại cho đến lúc chết chứ cũng không muốn dời đi nữa”.
Cụ Nguyễn Thị Sợi (76 tuổi, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) tâm sự: “Mang bệnh trong người, sống ở đây cũng khổ lắm, lúc mới đầu ở đây thì bị người dân kì thị lắm. Có một dạo người dân ở đây phản đối dữ lắm, nào là để người hủi sống ở đầu nguồn nước thì người dưới xuôi bị lây. Sau đấy, có đoàn dịch tễ đến xét nghiệm nước hoàn toàn sạch, không vi khuẩn thì người dân mới xuôi nhưng vẫn không tránh được những ánh mắt kì thị. Sống ở đây, thỉnh thoảng có những đoàn chiếu phim về, chúng tôi cũng muốn xuống xem nhưng lại ngại mọi người. Thế nên chúng tôi cứ thui thủi ở một chốn này. Từ khi trại bị bỏ hoang, chúng tôi chủ yếu trông vào những đoàn từ thiện thỉnh thoảng đến thăm cho gạo, mì tôm, mì chính… Còn không thì vẫn tự mình trồng khoai, sắn hay trồng chút rau, nuôi con gà… Chúng tôi cứ sống vậy thôi. Số phận cuộc đời rồi. Hầu hết mọi người ở đây đều một thân một mình, nương tựa vào nhau mà sống, một số ít thì vẫn còn có con cái ở gần đây thôi”.
Hầu hết các căn phòng đều bị bỏ hoang, xuống cấp loang lổ. |
Ẩn trong những câu chuyện buồn về cuộc đời, đâu đó trong ánh mắt các cụ ở đây vẫn ánh lên những niềm vui nho nhỏ, đó là khi có những đoàn từ thiện, đoàn thanh niên tình nguyện lên thăm, chỉ có những lúc đó niềm vui mới trở lại với những mảnh đời bất hạnh nơi đây.
“Chúng tôi ở đây, niềm vui có lẽ chỉ là trông ngóng mỗi lần có đoàn từ thiện lên. Không phải là vì họ cho đồ đạc này nọ mà chỉ đơn giản là được các cháu nấu cơm, cùng ăn những bữa cơm ấm áp như gia đình mà chúng tôi luôn thèm muốn.” – Cụ Sợi chia sẻ thêm.
Bạn Trần Tiến Vũ (Chủ nhiệm CLB Hành Trình Nhiệt Huyết) và clb thường xuyên tổ chức các chương trình bữa cơm nghĩa tình tại trại phong Đá Bạc. “những cụ già ngón tay chỉ còn một đốt, đã sống tách biệt gia đình mấy chục năm vì định kiến về bệnh “hủi” ở Trại Phong Đá Bạc – Minh Phú – Sóc Sơn, cái nơi mà mỗi lần chúng tôi đến lại thấy neo người hơn. Tất cả những con người ấy khiến chúng tôi luôn luôn trăn trở, làm sao để giúp họ có cuộc sống đầy đủ hơn, làm sao để có thể phần nào bù đắp sự thiếu thốn về tinh thần để một ngày với họ trôi qua vui vẻ hơn. Sắp tới đây, chúng tôi đang vận động để có thể hỗ trợ các cụ mỗi người khoảng 10kg gạo/ tháng” – Vũ cho biết
Những mảnh đời buồn tại ngôi nhà bỏ hoang
Hiện tại Trại phong Đá Bạc còn lại khoảng 10 cụ già. Các cụ cũng đã ngoài 70, 80 tuổi – cái tuổi gần đất xa trời mà đáng lẽ được an hưởng tuổi già. Nhưng ở đây họ vẫn lo từ bữa ăn và cái nỗi buồn vẫn bám theo họ hàng hàng ngày. Và hầu hết những ai còn ở lại thì cũng đều là những người gắn bó gần hết cuộc đời mình ở nơi đây không dưới 40 năm. Mỗi người là một câu chuyện buồn bất hạnh.
Cụ Khuất Thị Oanh (Phú Thọ, 70 tuổi) chia sẻ: “tôi vẫn nhớ năm đó là năm tôi 24 tuổi, tự nhiên một ngày cảm thấy trên má như có kiến bò mà đưa tay lên không bắt được. Rồi nhúng tay vào nước mà không ướt, sờ tay vào lửa không thấy nóng. Tôi hiểu chuyện gì đã đến với mình, thế là tôi vào trại phong này, tính đến nay cũng đã hơn 45 năm”.
Hầu hết các cụ ở lại đều đã ở tuổi gần đất xa trời, vì đã gắn bó nửa cuộc đời mà quyết định ở lại chứ không chuyển đi. |
Trại phong Đá Bạc đã từng là trại phong lớn với khuôn viên rộng. Nhưng giờ đây nó chỉ còn là những dãy nhà nối tiếp nhau bỏ trống, đổ nát, cửa đóng then cài đã nhiều năm. Căn phòng của cụ Lê Thị Liên (81 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội) nằm ở cuối dãy nhà. Vừa nhác trông thấy bóng người đến thăm, cụ Liên đã vồn vã mời mọi người vào để tâm sự, dường như cũng đã lâu rồi cụ mới lại được thấy nhiều người đến thế. “Chúng tôi ở đây tính ra cũng đã được nửa thế kỷ, cũng gần đất xa trời rồi, chuyển đi làm gì nữa. Từ ngày trại bị bỏ hoang, nơi đây vắng bóng người hẳn, y tá cũng không còn ở đây nữa, chúng tôi phải tự nương vào nhau mà sống thôi. Chúng tôi ở đây thèm người lắm, chỉ mong có các cháu đến thăm là chúng tôi vui lắm rồi” – Cụ Liên chia sẻ.
Đưa mắt nhìn quanh căn phòng, phòng của cụ Liên chỉ có một chiếc giường gỗ đơn sơ mà tuổi đời cũng đã trên nửa thế kỷ, một chiếc tủ gỗ cùng niên đại, một chiếc kệ cũ mèm để dăm ba món đồ lặt vặt như gia vị, khung ảnh, bộ ấm chén cọc cạch, một chiếc radio và một chiếc máy phát nhạc Phật…
Ngay cạnh phòng của cụ Liên là một cặp vợ chồng già. Hai cụ là số ít người may mắn ở đây, vì “có đôi, có cặp” cùng sẻ chia niềm vui, nỗi buồn... Ông bà vào đây từ những năm 60 của thế kỷ trước. Ông bà có với nhau ba người con trai. Các con của ông bà đã trưởng thành, thỉnh thoảng có vào thăm cha mẹ. Giờ tuổi già, vẫn chỉ có các cụ bên nhau...
“Sống thì sống lạc quan như vậy thôi, nhưng thật sự chúng tôi vẫn ngày đêm tụng kinh để có thể sớm trở về với đất Phật, cõi niết bàn” – Cụ Liên chia sẻ thêm.
Cuộc trò chuyện cứ thế kéo dài, có lẽ vì cũng đã lâu rồi các cụ mới lại có người để giãi bày tâm sự. Những câu chuyện vụn vặt từ ngày xửa ngày xưa cho đến chuyện cuộc sống thường ngày bây giờ ra sao. Đến cuối giờ chiều, đoàn tình nguyện lần lượt chào các cụ để ra về. Các cụ ra tiễn tận cửa mà trong ánh mắt có giấu đi những nỗi buồn và sự luyến tiếc bởi sẽ rất lâu nữa mới lại có một đoàn quay lại để thăm các cụ.