Ai ngăn cản công trình tránh bão của hàng trăm ngư dân?
Khơi thông luồng lạch phục vụ dân sinh, tránh bão
Hạ lưu sông Chùa (xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) đoạn chảy ra Cửa biển Hà Lãng từ nhiều năm nay đã bị bồi lắng làm cạn hẹp dòng chảy. Đặc biệt cửa biển Hà Lãng gần như bị cát bồi lấp hoàn toàn, gây rất nhiều khó khăn trở ngại cho việc ra vào, neo đậu tàu thuyền của hàng trăm ngư dân trong vùng.
Cửa biển Hà Lãng cạn trơ đáy |
Được sự đồng ý của UBND tỉnh Bình Thuận cuối năm 2011, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân – ông Nguyễn Tấn Phước đã ký quyết định phê duyệt “Báo cáo kinh tế - kỹ thuật và xây dựng công trình: Nạo vét, khơi thông tạm thời cửa biển Hà Lãng, phục vụ đánh bắt hải sản và neo đậu tàu thuyền tránh bão”.
Công trình do UBND huyện Hàm Tân làm chủ đầu tư, Công ty TNHH SX – TM - XD Phú Hưng Phát được giao làm đơn vị thi công. Nguồn vốn dự án được đầu tư trực tiếp từ 100% vốn doanh nghiệp và doanh nghiệp sẽ được tận thu số cát nạo vét.
Doanh nghiệp kêu trời
Như đã đề cập, chủ trương nạo vét cửa biển Hà Lãng được thống nhất từ người dân đến chính quyền. Tuy nhiên ngày 13/6 vừa qua UBND huyện Hàm Tân đã ra công văn quyết định không đồng ý cho công ty Phú Hưng Phát tiếp tục thực hiện dự án nạo vét.
Theo đó UBND huyện khẳng định, dù đã được gia hạn hai lần và hiện tại đã hết thời điểm gia hạn nhưng Công ty Phú Hưng Phát vẫn không thực hiện đúng tiến độ. Bên cạnh đó, thời điểm hiện tại ông Bí thư xã Thắng Hải và ông Trưởng thôn Hà Lãng cho rằng người dân khu vực này “không có nhu cầu tiếp tục nạo vét”.
Một con tàu nằm trên bờ cát khi nước rút tại cửa biển Hà Lãng |
Nhận quyết định này ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát chỉ còn biết ngửa mặt than trời. Ông thừa nhận công ty mình đã không thực hiện đúng tiến độ, nhưng là do gặp những chuyện bất khả kháng như: thời tiết xấu, tàu mắc cạn, bản thân ông bị bệnh nặng… Và những lần này đều có sự xác nhận của cơ quan chức năng.
Hiện tại ông Hòa đã hai lần bỏ tiền thuê tàu với giá trị gần 3 tỷ đồng. Lần một, do sóng to gió lớn việc nạo vét không thể thực hiện, trong khi lần hai chuẩn bị thực hiện thì nhận quyết định nêu, như vâỵ ông Hòa đang có nguy cơ mất trắng số tiền này.
Ông cho biết nguyện vọng của ông lúc này là Công ty Phú Hưng Phát được tiếp tục thực hiện dự án, vì hiện nay toàn bộ phương tiện đã được đưa về và đang nằm chờ với chi phí hơn 10 triệu đồng/ngày.
Người dân không muốn nạo vét?
Như phần trên đã đề cập, quyết định của UBND huyện cho rằng người dân “không có nhu cầu tiếp tục nạo vét”, tuy nhiên theo tìm hiểu của PV thì đã không có một cuộc họp dân nào được tổ chức để lấy ý kiến về việc này.
Không những thế, chỉ mấy ngày sau đó, chính ông Trưởng thôn Hà Lãng và ông Trưởng thôn Thắng Hải (hai thôn giáp sông Chùa) đã gửi một biên bản họp dân với chữ ký của hàng chục người (đa số là ngư dân) đề nghị chính quyền tiếp tục chủ trương nạo vét cửa biển để giải quyết nhu cầu đi lại của người dân.
Cửa chính ra biển đã bị cát lấp hoàn toàn. Hiện ngư dân đang phải ra biển bằng cửa phụ. Trong ảnh là cửa chính với mức nước khoảng 30cm |
Trao đổi với PV, ngư dân tên Huy cho biết, do hiện nay cửa biển bị bồi lấp rất cạn nên thuyền không chủ động được thời gian ra vào mà phải canh theo con nước. Nhiều khi anh phải dậy từ nửa đêm hoặc chờ từ chiều tối để đưa thuyền ra ngoài, do đó bản thân anh rất mong muốn có một cửa biển có đủ độ sâu để thuyền bè lưu thông bất kể thời gian.
Cùng quan điểm này, một số ngư dân khác như ông Khí, ông Phát (thôn Hà Lãng) cũng bày tỏ mong muốn cửa biển sẽ được nạo vét, khơi thông luồng lạch, và chính quyền có biện pháp gia cố để cửa biển không dịch chuyển theo mùa như hiện nay. Bản thân ông Trưởng thôn Hà Lãng một lần nữa khẳng định có tới 80% ngư dân đồng ý nạo vét.
Có một âm mưu cản trở?
Theo dự án đã được phê duyệt, công trình nạo vét sẽ đi ngang qua khu đất của Công ty cổ phần Cổ Kim Mỹ Nghệ. Trong cuộc trao đổi với PV, ông Bùi Xuân Thắng – trưởng thôn Hà Lãng cho biết thời gian qua đơn vị này đã có “tác động” để một số người dân lên tiếng phản đối dự án nạo vét.
Nếu dự án được thực hiện theo đúng kế hoạch phê duyệt thì cây cầu (xây dựng trái phép) và hàng ngàn mét vuống đất (lấn chiếm) của Công ty Cổ Kim Mỹ Nghệ sẽ bị phá dỡ. |
Liên quan đến việc này, ngày 5/6 một lá đơn do 10 người dân thôn Hà Lãng ký tên đã được gửi tới Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban kiểm tra trung ương Đảng, Thanh tra Chính phủ… với nội dung:
Công ty Phú Hưng Phát đưa tàu hút cát tới nạo vét khiến “bờ biển sạt lở, tạo thành các hố sâu và rất sâu” gây nguy hiểm cho người dân và khách du lịch, kèm theo lá đơn này là một số hình.
Sự việc được Công an xã Thắng Hải xác minh và đã có kết luận. Theo đó lá đơn trên được biên soạn bởi bà Lê Thị Hương (sinh năm 1973, hiện bà Hương đang làm việc trong công ty Công ty cổ phần Cổ Kim Mỹ Nghệ).
Dù bà Hương không ký trong lá đơn nhưng lại là người đưa lá đơn này tới cho hộ ông Nguyễn Dũng và hộ ông Nguyễn Hữu Cảnh. Lúc này ông Dũng và ông Cảnh không có nhà nên ông Nguyễn Tâm Linh (sinh năm 1993 là con ông Cảnh) đã giả mạo chữ ký ông Dũng cùng 6 người khác. Ông Cảnh cũng khai nhận chính bà Hương đã nói ông “ký thêm tên vài người nữa để xã giải quyết cho nhanh”.
Cuối cùng báo cáo này khẳng định nội dung lá đơn trên là “ý kiến của một cá nhân có mục đích vì quyền lợi riêng, không phải là những người dân của thôn Hà Lãng như kiến nghị.
Trước thông tin này PV đã tới gặp ông Vương Đình Căn – Giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần Cổ Kim Mỹ Nghệ. Tại buổi gặp này ông Căn khẳng định công ty không hề “tác động” tới người dân tại đây để họ đứng lên phản đối dự án. Và công ty cũng không liên quan đến lá đơn giả mạo chữ ký ở trên.
Tuy nhiên ông Căn cho biết ông phản đối dự án vì cho rằng nó sẽ gây sạt lở. Chứng minh điều này ông đã đưa ra một số hình ảnh do Công ty cổ phần Cổ Kim Mỹ Nghệ chụp các tàu khai thác cát.
Qua đối chiếu, PV nhận thấy những hình ảnh ông Căn đưa ra chính là những hình ảnh đã được sử dụng để minh họa trong lá đơn giả mạo chữ ký nêu trên.
Trong khi công trình bị đình trệ thì chỉ một thời gian ngắn nữa Miền Trung sẽ bước vào mùa mưa bão với nhu cầu tránh, trú của hàng trăm ngư dân đang cấp thiết hơn lúc nào hết.
Cửa biển Hà Lãng là nơi neo đậu tránh bão đặc biệt quan trọng cho tàu cá trong khu vực và tàu thuyền trong và ngoài nước khi gặp mưa bão, với năng lực neo đậu được quy hoạch là hơn 200 chiếc có công suất 200 CV/chiếc, theo Quy hoạch khu neo đậu trú tránh bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1349/QĐ-TTg ngày 09/8/2011.