90% bệnh nhân gút dùng thuốc có corticoid
Kiểm tra tình trạng gút của bệnh nhân tại Phòng khám đa khoa Viện Gút TPHCM |
Viện Gút TP.HCM vừa tổ chức Hội thảo khoa học về Mô hình quản lý điều trị ngoại trú biến chứng của bệnh gút và một số bệnh mạn tính thường gặp.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật và tử vong ngày càng lớn của các bệnh mạn tính không lây nhiễm, trong đó, bệnh gút là một trong những bệnh gây nhiều biến chứng nguy hiểm, khó điều trị.
Theo các chuyên gia y tế, biến chứng của bệnh gút và một số bệnh mạn tính kèm theo như suy tim mạn tính, suy thận mạn tính hay biến chứng của bệnh tiểu đường tuýp 2... nếu xảy ra trên cùng một người bệnh thường rất nguy hiểm, khó điều trị, thậm chí là bế tắc.
Tại Việt Nam, những bệnh nhân gút bị biến chứng nặng có vòng xoắn bệnh lý phức tạp như trên gặp khó khăn bế tắc trong điều trị thường khá phổ biến.
Theo ông Nguyễn Đình Quang, Chủ tịch Viện Gút TP.HCM, từ năm 2008 đến nay, Phòng khám đa khoa Viện Gút đã có hơn 40.000 bệnh nhân tìm đến để điều trị bệnh gút. Nhưng trong số đó chỉ có khoảng 20% bệnh nhân bị bệnh gút đơn thuần. Hơn 80% số bệnh nhân còn lại ngoài bệnh gút họ còn bị kèm theo nhiều bệnh mạn tính khác.
Đặc biệt có hơn 10.000 bệnh nhân khi đến Phòng khám đa khoa Viện Gút đã ở trong tình trạng biến chứng rất nặng với những vòng xoắn bệnh lý vô cùng phức tạp của gút và các bệnh mạn tính liên quan kèm theo như: Suy tim mạn, suy thận mạn, tăng huyết áp, bệnh tiểu đường tuýp 2, rối loạn mỡ máu, suy tuyến thượng thận do lệ thuộc corticoid… Trong số này nhiều trường hợp có nguy cơ tử vong sớm.
Bác sĩ Trần Văn Chức, Giám đốc trung tâm Pháp Việt nghiên cứu bệnh gút cho biết, có 90% bệnh nhân bị bệnh gút sử dụng thuốc có corticoid vì dùng nhiều loại thuốc đông dược không rõ nguồn gốc.
Theo bác sĩ Chức, corticoid là nhóm thuốc được dùng để chữa rất nhiều bệnh liên quan đến viêm dị ứng và miễn dịch… nhưng phải được dùng theo chỉ định của bác sĩ.
Bệnh nhân cần tuân thủ về cách dùng, liều dùng, thời gian dùng thuốc và theo dõi tác dụng bất lợi của thuốc. Nếu người bệnh tự ý dùng thuốc này hậu quả sẽ không lường trước được, bởi đây là nhóm thuốc có nhiều tác dụng phụ bất lợi.
Rất nhiều bệnh nhân gút đang phải hàng ngày gánh chịu những hậu quả khôn lường do việc lạm dụng các thuốc này gây ra, trong đó có những biến chứng nặng như suy gan, suy thận, tổn thương tiêu hóa, loãng xương và làm cho bệnh gút ngày càng nặng thêm.
Trước thực trạng của bệnh gút và những biến chứng nguy hiểm, từ năm 2011, Viện Gút đã tập trung nghiên cứu phát triển mô hình quản lý điều trị ngoại trú biến chứng của bệnh gút và các bệnh mạn tính kèm theo.
Nhờ có mô hình điều trị này mà mỗi năm Viện Gút giúp được khoảng gần 1.000 bệnh nhân thoát khỏi nguy cơ tử vong sớm do biến chứng của bệnh gút và các bệnh mạn tính kèm theo.
Ngày nay, gút không còn là vấn đề của riêng nam giới trung tuổi hay “bệnh của nhà giàu”. Nhiều thống kê cho thấy, tỷ lệ người có độ tuổi dưới 30 mắc gút ngày càng gia tăng trong những năm gần đây.
Giảm bài tiết axit uric là nguyên nhân bệnh gút phổ biến. Axit uric thường được loại bỏ khỏi cơ thể qua thận. Khi thận không hoạt động hiệu quả, nồng độ axit uric máu sẽ tăng lên nhanh chóng, tích tụ lại tại khớp và gây ra đau đớn.
Các nguyên nhân khác khiến nồng độ axit uric máu tăng có thể do di truyền, do chế độ ăn uống, sử dụng một số thuốc điều trị gây tổn thương thận và khiến nó hoạt động không hiệu quả.
Các bệnh lý như bệnh tiểu đường, huyết áp cao không được kiểm soát cũng có thể làm giảm chức năng thận và làm tăng axit uric máu.