70% dược liệu phải nhập ngoại: Bộ Y tế lên chiến lược phát triển
Hội thảo là cơ hội để thảo luận, đề xuất chính sách phát triển dược liệu bền vững, tạo bước đột phá mới góp phần đẩy nhanh mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng của tỉnh Quảng Ninh từ “nâu” sang “xanh”. Từ đó, đưa ra giải pháp, định hướng cho ngành trồng trọt, chế biến, sản xuất và phát triển dược liệu tại Quảng Ninh...
Giám đốc sở y tế Quảng ninh Vũ xuân diện ký hợp đồng hợp tác nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano phát triển các sản phẩm từ cây ba kích tín với công ty cổ phần dược mỹ phẩm CVI |
Ông Trương Quốc Cường, Cục Trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết: Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về cây dược liệu trong khu vực Đông Nam Á. Điều này thể hiện ở sự đa dạng về chủng loại cây dược liệu (trong số hơn 12.000 loài thực vật Việt Nam thì có gần 4.000 loài cho công dụng làm thuốc), vùng phân bố rộng khắp cả nước, có nhiều loài dược liệu được xếp vào loài quý và hiếm trên thế giới.
Mặc dù có tiềm năng to lớn, song công cuộc bảo tồn và phát triển các cây dược liệu cũng đang gặp phải một số hạn chế, khó khăn.
Hiện nay, không chỉ Việt Nam mà trên thế giới, với xu hướng “trở về thiên nhiên” thì việc sử dụng các thuốc từ dược liệu của người dân ngày càng tăng hơn so với việc sử dụng thuốc tân dược vì nó ít có những tác động có hại và phù hợp với quy luật sinh lý của cơ thể hơn.
Tại Việt Nam, nhu cầu dược liệu trong nước khoảng gần 60.000 tấn/năm, trong khi đó Việt Nam mới chỉ cung cấp được cho thị trường khoảng 15.600 tấn/năm, phần còn lại (khoảng 70%) phải nhập khẩu từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đài Loan, Singapore…
Với những tiềm năng, thế mạnh như trên, Cục trưởng Cục Quản lý dược cho rằng: Hướng đi đúng đắn và phù hợp nhất của ngành dược nước ta đó chính là dựa vào lợi thế sẵn có là nguồn cây thuốc dược liệu trong nước để phát triển.
Đây sẽ là con đường nhanh chóng và thuận lợi nhất đưa Ngành dược Việt Nam đón đầu được trong hội nhập quốc tế. Thuốc nam mới chính là nguồn nguyên liệu của nền công nghiệp tân dược trong tương lai, chứ không phải là nguồn nguyên liệu tân dược mà chúng ta đang mất nhiều thời gian và công sức để theo đuổi trong nhiều năm qua.
Theo ông Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, một trong những quan điểm phát triển ngành Dược được đề cập tới trong Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 là phát huy thế mạnh, tiềm năng của Việt Nam để phát triển sản xuất thuốc từ liệu.
Chiến lược đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020 phấn đấu sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước, thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm, trong đó thuốc từ dược liệu chiếm 30%.
Trong thời gian vừa qua, ngành Dược đã đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu phòng bệnh và chữa bệnh của nhân dân. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ việc sản xuất thuốc trong nước với tỷ lệ gần 90%.
Cây ba kích, một dược liệu sẵn có tại Quảng Ninh |
Hiện tình trạng nuôi trồng và khai thác dược liệu ở nước ta hiện nay còn tự phát, quy mô nhỏ dẫn đến sản lượng dược liệu không ổn định, giá cả biến động. Tình trạng khai thác dược liệu quá mức mà không đi đôi với việc tái tạo, bảo tồn dược liệu đã dẫn đến số lượng loài cây dược liệu có khả năng khai thác tự nhiên còn rất ít (trên cả nước hiện chỉ còn khoảng 206 loài cây dược liệu có giá trị có thể khai thác tự nhiên), nhiều loài cây dược liệu quý hiếm trong nước đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt.
Dược liệu không được sản xuất theo quy trình, quy hoạch cụ thể (trồng lẫn với vùng trồng lúa và hoa màu, kỹ thuật trồng và chăm sóc chủ yếu theo kinh nghiệm, việc sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực phẩm, nguồn nước tưới… còn tuỳ tiện, thu hái dược liệu không tuân thủ theo mùa, vụ và tuổi của cây) làm ảnh hưởng tới chất lượng dược liệu, qua đó cũng ảnh hưởng đến chất lượng thuốc sản xuất từ dược liệu.
Chưa áp dụng đúng mức thành tựu của khoa học, công nghệ vào việc hiện đại hoá sản xuất thuốc từ dược liệu.
Thứ trưởng Bộ Y tế mong muốn, sau hội nghị, cùng với chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và của Nhà nước nói chung, sẽ kêu gọi được nhiều nhà đầu tư tham gia vào công tác phát triển dược liệu để tạo ra nhiều sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, vừa góp phần giải quyết công ăn, việc làm cho người dân ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa; đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dược liệu và các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu.
Tỉnh Quảng Ninh có điều kiện tự nhiên đặc biệt thuận lợi cho nuôi trồng, phát triển dược liệu. Bên cạnh đó, tỉnh có kho tàng tri thức và kinh nghiệm sử dụng cây cỏ phong phú. Đây chính là 2 yếu tố cấu thành, giúp Quảng Ninh trở thành một tỉnh có tiềm năng rất lớn về tài nguyên cây thuốc.
Hiện nay, tỉnh đã xây dựng được nhiều mô hình trồng cây dược liệu - là những yếu tố quan trọng để hình thành những vùng dược liệu quy mô lớn, đồng thời đã sản xuất và đưa ra thị trường khá nhiều các sản phẩm thuốc từ dược liệu.
Đây là những thành công bước đầu chứng minh cho những nỗ lực của tỉnh trong thời gian qua, cũng như cho lợi ích của việc triển khai mô hình phối hợp “4 nhà”, bao gồm: nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước đối với công tác phát triển dược liệu.
Tại Hội thảo, tỉnh Quảng Ninh đã công bố Quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia Yên Tử, Quyết định thành lập Ban soạn thảo đề án xây dựng Vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia Yên Tử và trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực dược liệu.
Theo Tuyengiao