60 ngày không có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng: Thở phào được chưa?
Đến sáng ngày 15/6, tròn 60 ngày Việt Nam không có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Hiện chỉ còn 11 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch Covid-19 ở Việt Nam đến thời điểm này.
Qua công tác phòng chống dịch Covid-19 lần này, ông thấy thuận lợi nhất của chúng ta là gì?
PGS Trần Đắc Phu: Tôi nghĩ thuận lợi nhất của chúng ta đó là Việt Nam đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc ngay. Chúng ta luôn có tinh thần học hỏi, tham khảo học tập kinh nghiệm của các quốc gia khác, qua việc quan sát, thu thập thông tin phòng dịch trên thế giới mà rút được nhiều kinh nghiệm cho mình.
Tôi nhận thấy so với các nước khác, Việt Nam có thuận lợi đó là huy động các nguồn lực cần thiết của xã hội. Tôi chỉ lấy ví dụ, trong hoạt động cách ly tập trung là Thủ tướng giao chính cho quân đội đảm nhiệm, y tế phụ trách chuyên môn. Nhận được nhiệm vụ quân đội rất sẵn sàng.
Dù lúc đó chưa có cấp kinh phí phòng chống dịch, chưa có ngân sách, chưa ai được phụ cấp chống dịch nhưng họ đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Ngay cả chế độ ăn cho người cách ly cũng được họ đảm bảo như quân nhân. Y tế cũng tương tự, y tế từ tuyến xã phường lên tới tuyến Trung ương, tất cả đều tập trung chống dịch. Nếu cứ chờ có ngân sách, có kinh phí thì dịch đã “vỡ trận” trước khi chúng ta bắt tay phòng chống.
Bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh được công bố ra viện |
Ngay cả người dân, các tổ chức cá nhân đều chung tay chống dịch với các chiến dịch ủng hộ, gửi tin nhắn… khí thế phòng chống dịch hừng hực khắp cả nước. Tôi nghĩ, đó chính là điều giúp chúng ta thành công của ngày hôm nay.
Thời điểm giai đoạn 1 kết thúc ở ca số 16 ra viện nhưng chưa đầy 1 tháng chúng ta lại bước vào giai đoạn 2 của dịch Covid-19. Trong suốt thời gian đó, ông thấy mình có các xúc đặc biệt nhất với ca bệnh nào?
PGS Trần Đắc Phu: Chúng ta kết thúc giai đoạn 1 với các ca bệnh từ Vũ Hán, Trung Quốc về và ổ dịch ở Sơn Lôi, Bình Nguyên, Vĩnh Phúc. Tôi nghĩ chúng ta đã thành công bước đầu. Nhưng quan điểm là không chủ quan vì dịch sẽ có thể lan rộng ra toàn cầu. Sau Trung Quốc là đến Hàn Quốc và Châu Âu… chúng ta đã có kịch bản sẵn. Tuy nhiên, khi ca bệnh số 17 được báo cáo, tôi cũng thực sự rất lo lắng bởi vì chúng ta bước vào giai đoạn 2, sẽ khó kiểm soát hơn. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nếu chỉ sai ở một mắt xích nào đó sẽ phá hỏng nhiều nỗ lực phòng dịch của cả một địa phương. Tuy nhiên, chúng ta đã làm tốt đó là khoanh vùng, cách ly. Dù ban đầu quốc tế không ủng hộ việc chúng ta cách ly 14 ngày bất cứ công dân nào từ nước ngoài về. Nhưng sau này, chính sách cách ly của chúng ta đã được xác định là đúng đắn.
60 ngày không có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng: Thở phào được chưa? |
Sau ca 17, tôi lại lo lắng đó là ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai. Thực sự “đau đầu” vì đây là ổ dịch phức tạp. Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện tuyến cuối, mỗi ngày có hàng chục nghìn người qua lại. Về dịch tễ học đây là ổ dịch thực sự khiến những người làm dịch tễ tính toán đi tìm nguồn lây, người tiếp xúc để mà cách ly chống lây lan. Rất may, sau 2 tuần cách ly hoàn toàn bệnh viện, ổ dịch đã được khoanh vùng. Các ổ dịch khác như Sơn Lôi, Hạ Lôi chúng ta đã khoanh vùng rất tốt để ngăn chặn nguồn lây ra cộng đồng.
Đến giờ, tôi vẫn luôn cho rằng giải pháp chúng ta chọn ngay từ đâu vẫn rất đúng đó là Ngăn chặn – Phát hiện – Cách ly – Khoanh vùng triệt để và dập dịch quyết liệt.
Khi dịch ở đỉnh cao với ca số mắc ở Châu Âu, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản “vỡ trận”, có khi nào ông cảm thấy mệt mỏi, muốn buông không?
PGS Trần Đắc Phu: Trong đại dịch Covid-19 lần này, có lúc thực sự căng thẳng. Ví dụ như trong tháng 3, tháng 4 tình hình dịch bệnh cứ bị đẩy lên ngày một phức tạp. Sự phức tạp này là của thế giới mang lại chứ chúng ta không tự tạo nên phức tạp. Nhưng những người làm công tác chống dịch đều với một quyết tâm không vỡ trận như Vũ Hán, Ý. Thủ tướng đã nói "cần chống lại các tư tưởng buông xuôi". Lúc ấy buông xuôi là hỏng hết. Càng căng thẳng, phức tạp chúng ta càng cố gắng đương đầu với nó, không buông xuôi.
Theo ông, đã 60 ngày không có bệnh nhân trong cộng đồng, các ca bệnh đều được kiểm soát chặt chẽ. Đến thời điểm này chúng ta đã “thở phào” trở về cuộc sống như xưa được chưa?
PGS Trần Đắc Phu: Không, chưa thể thở phào được. So với Hàn Quốc, Nhật Bản, hay các nước khác, chúng ta vẫn chưa bị cái gọi là làn sóng thứ hai. Tuy nhiên, chúng ta chưa hết khó khăn trong dịch bệnh này. Khả năng dịch sẽ kéo dài trên thế giới nữa vì số ca mắc vẫn tăng từng ngày.
Trong khi đó, chúng ta đã qua thời gian giãn cách xã hội, nới lỏng xã hội và chúng ta vẫn phải hoàn thành mục tiêu kép cả về kinh tế và chống dịch. Hiện nay, Chính phủ và Bộ Y tế cũng đang cố gắng nhưng vẫn phải phụ thuộc vào tình hình dịch bên ngoài và trong nước.
Hiện nay dù không có ca mắc trong cộng đồng nhưng không bỏ qua các việc phòng bệnh một cách cơ bản như chỗ nào cần đeo khẩu trang, rửa tay xà phòng, dùng chất sát khuẩn, giãn cách được thì giãn cách, sốt thì khai báo y tế. Chúng ta có hướng dẫn đầy đủ và hiện các đơn vị vẫn luôn luôn cảnh giác.
Lúc này, các ngành có thể được nới lỏng để đẩy mạnh làm kinh tế nhưng y tế, quân đội, công an không lơi lỏng chủ quan chỉ cần lơ là các hoạt động phòng chống dịch có thể vỡ trận như Sigapore, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo như vậy.
Chúng ta vẫn kiên trì giải pháp phát hiện, tiến hành phát hiện cách ly, tiếp tục nghiên cứu có các giải pháp cho người nhập cảnh về để không lây lan ra cộng đồng, cho người nước ngoài vào cùng phát triển kinh tế.
Hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Y tế xây dựng hướng dẫn cho những người từ nước ngoài như để xúc tiến thương mại, thợ lành nghề vào Việt Nam nhưng họ không ở quá 14 ngày. Giải quyết được vấn đề này sẽ tạo được thuận lợi cho việc phát triển kinh tế song vẫn bảo đảm được an toàn về phòng chống dịch, quyết giữ thành quả chúng ta đã đạt được trong thời gian qua.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
P. Thúy