5 cách phát hiện tiền polymer giả đơn giản nhất
Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho thấy, lượng tiền giả thu giữ trong 6 tháng đầu năm 2015 qua hệ thống ngân hàng, Kho bạc Nhà nước tăng 9,45% so với cùng kỳ năm 2014.
Theo kết quả phân tích của NHNN, cho đến nay các loại tiền giả polymer đã thu giữ qua hệ thống ngân hàng, Kho bạc Nhà nước đều có thể dễ dàng nhận biết bằng tay, mắt thường qua kiểm tra các yếu tố bảo an dành cho công chúng (như hình bóng chìm, mực đổi màu, yếu tố hình ẩn (DOE)....
NHNN cho biết, người tiêu dùng có thể kiểm tra, nhận biết tiền giả thông qua 5 cách cơ bản là soi tờ bạc trước nguồn sáng; vuốt nhẹ tờ bạc (Kiểm tra các yếu tố in lõm); chao nghiêng tờ bạc (Kiểm tra mực đổi màu, IRIODIN, Hình ẩn nổi); kiểm tra các cửa sổ trong suốt (số mệnh giá dập nổi và yếu tố hình ẩn) và dùng kính lúp, đèn cực tím (Kiểm tra chữ in siêu nhỏ, các yếu tố phát quang).
Có thể dễ dàng nhận biết tiền giả polymer bằng tay và mắt thường. (Ảnh minh họa: KT) |
Một đặc điểm khác cần lưu ý, chất liệu in tiền giả dễ bị bai giãn hoặc rách khi bị kéo, xé nhẹ ở cạnh tờ bạc, mực in dễ bong tróc. Để khẳng định một tờ bạc là tiền thật hay tiền giả, lấy tờ tiền thật cùng loại so sách tổng thể và kiểm tra các yếu tố bảo an theo các bước nêu trên. Lưu ý phải kiểm tra nhiều yếu tố bảo an (tối thiểu 3 đến 4 yếu tố) để xác định là tiền thật hay tiền giả.
Mặc dù vậy, nếu người tiêu dùng không nắm rõ được các đặc điểm bảo an của tiền thật, không kiểm tra đồng tiền khi giao dịch thì vẫn có thể rủi ro nhận phải tiền giả.
Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước luôn khuyến cáo người tiêu dùng cần nắm rõ các đặc điểm bảo an của tiền thật và có thói quen kiểm tra đồng tiền mỗi khi giao dịch tiền mặt để tránh rủi ro nhận phải tiền giả. Để biết rõ hơn thông tin tiền Việt Nam, các tổ chức, cá nhân có thể tham khảo website của Ngân hàng Nhà nước tại địa chỉ:http://www.sbv.gov.vn./.
Theo VOV Online