4 vụ thôi chức đình đám nhất ngành ngân hàng 2012
Nguyên Phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB Nguyễn Đức Kiên bị cơ quan điều tra tạm giữ hôm 21/8. Ngay sau đó, thông tin bắt Lý Xuân Hải - Tổng giám đốc ACB cũng lan rộng trên thị trường. Đến 23/8, thông tin về bắt tạm giam ông Hải được công bố rộng rãi, thì trước đó CEO ACB đã có đơn xin từ nhiệm. Cơ quan điều tra cho biết thời gian tạm giam đối với Lý Xuân Hải là 4 tháng, để điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Sinh năm 1965 tại Hà Nội, ông Hải là một trong số ít CEO ngân hàng giỏi tại Việt Nam. Có một thời gian dài 16 năm gắn bó với ACB và được bổ nhiệm làm tổng giám đốc vào tháng 6/2005, việc Lý Xuân Hải bị tạm giam, với không ít người, là thông tin gây sốc. Cựu CEO ACB từng 2 lần được "The Asean Banker" bình chọn là "Nhà lãnh đạo ngân hàng xuất sắc nhất Việt Nam" năm 2007 và 2010.
Một lãnh đạo ngân hàng tại TP.HCM, sau khi nghe tin ông Hải bị bắt, đã bình luận: “Hải là một người có tài, cẩn trọng và làm việc có nguyên tắc, nhưng xét cho cùng, Hải vẫn chỉ là một người làm thuê và một số chuyện cũng không thể tự quyết được”.
2. Trần Xuân Giá - Cựu Chủ tịch HĐQT ACB:
Gần 1 tháng sau khi bầu Kiên và Lý Xuân Hải bị tạm giam để điều tra, ngày 18/9, một biến cố lớn lại xảy ra với ACB: Chủ tịch HĐQT Trần Xuân Giá và 2 Phó chủ tịch là Trịnh Kim Quang và Lê Vũ Kỳ bất ngờ từ nhiệm. Theo thông báo của ACB, lý do rời HĐQT của 3 thành viên nói trên đều là cá nhân; trong đó, với Chủ tịch Trần Xuân Giá là vấn đề sức khỏe. Ngoài ra, sự việc này còn liên quan tới chuyện phê chuẩn cho cựu Tổng giám đốc ACB là Lý Xuân Hải ủy thác 19 nhân viên nhận 718 tỷ đồng của ACB để gửi vào Vietinbank.
Liên tưởng đến bầu Kiên, Lý Xuân Hải, ngay sau thông tin từ nhiệm của 3 “chóp bu” nói trên, thị trường lại râm ran tin đồn ông Giá bị bắt tạm giam. Ngày 21/9, ông Trần Xuân Giá xuất hiện trên báo chí, bác bỏ thông tin cho rằng mình bị bắt. Còn người phát ngôn của ACB là ông Nguyễn Thanh Toại hé lộ, ông Giá bị ung thư khi đã bước qua tuổi 70, và đây là một sự kiện “không nên xoáy vào”. Ngày 27/9, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, cơ quan điều tra chính thức xác nhận chuyện khởi tố ông Trần Xuân Giá, đồng thời công bố thêm 3 VIP cũng bị khởi tố: 2 Phó chủ tịch HĐQT ACB là ông Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang và “người cũ” là ông Phạm Trung Cang (lúc đó là Phó chủ tịch Eximbank).
3. Nguyên Phó chủ tịch HĐQT Eximbank Phạm Trung Cang:
Cũng liên quan đến công việc khi còn làm Phó chủ tịch HĐQT tại ACB, ông Phạm Trung Cang chính thức từ nhiệm chức danh Phó chủ tịch Eximbank hôm 19/9. Sau đó, cơ quan điều tra xác nhận việc ông này từ nhiệm là để được điều tra về một số việc liên quan tới thời làm việc tại ACB trong khoản ủy thác đầu tư 718 tỷ đồng tại Vietinbank. Sau đó, ông Phạm Trung Cang cũng từ nhiệm Chủ tịch HĐQT Nhựa Tân Đại Hưng – một công ty nhựa nổi tiếng do ông sáng lập tại TP.HCM.
4. Đặng Văn Thành – cựu Chủ tịch HĐQT Sacombank:
|
Sau gần 20 năm gắn bó với Sacombank, chiều 2/11, ông Đặng Văn Thành từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT ngân hàng này. Đây là thông tin không quá bất ngờ, vì trước đó, tại Sacombank diễn ra một cuộc “chuyển giao” liên quan đến Eximbank cũng như các sự kiện liên quan tới việc bị Eximbank thâu tóm. Sáng 3/11, tại buổi họp báo của Sacombank, tân chủ tịch là ông Phạm Hữu Phú xác nhận việc ông Đặng Văn Thành bị cơ quan điều tra mời lên làm việc.
Chia sẻ về những ngày “sóng gió”, ông Đặng Văn Thành cho biết trong lúc khó khăn, bệnh tim của ông tái phát, huyết áp tăng cao, mẹ mất khiến ông phải đến chùa để tĩnh dưỡng, quên muộn phiền và chấp nhận không cố giữ một thứ không còn thuộc về mình.
Lan Anh