4 rủi ro khi mua xe cũ không có giấy tờ mua bán
Với mức giá rẻ bất ngờ, những chiếc xe cũ không có giấy tờ mua bán đang được khá nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, việc sở hữu chiếc xe cũ không có giấy tờ mua bán sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro mà không phải ai cũng biết.
1. Không thể làm thủ tục sang tên xe
Khoản 3 Điều 26 Thông tư 58/2020/TT-BCA quy định:
Xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người nhưng thiếu hoặc không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu được giải quyết đăng ký, sang tên theo quy định tại Điều 19 Thông tư này đến hết ngày 31/12/2021.
Theo quy định này, nếu không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu hợp pháp từ chủ sở hữu thì người mua sẽ không thể làm thủ tục sang tên xe tại cơ quan có thẩm quyền.
Điều này đồng nghĩa rằng, người mua sẽ không thể xác lập quyền sở hữu đối với chiếc xe mà mình đã bỏ tiền mua.
2. Bị xử phạt lỗi xe không chính chủ
Do không thể sang tên xe đối với xe không có giấy tờ mua bán, người mua xe có thể sẽ bị xử phạt vi phạm về lỗi không xe không chính chủ với mức phạt như sau:
Căn cứ theo điểm a khoản 4 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, đối với xe máy, mức phạt áp dụng cho cá nhân là 400.000 - 600.000 đồng, còn mức phạt cho tổ chức là 800.000 đồng - 1,2 triệu đồng.
Căn cứ điểm l khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, đối với ô tô, mức phạt áp dụng cho cá nhân là 02 - 04 triệu đồng, cho tổ chức là 04 - 08 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo khoản 10 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, lỗi này chỉ bị phạt trong 02 trường hợp sau:
- Thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông.
- Qua công tác đăng ký xe.
Do đó, nếu đem xe không có giấy tờ mua bán mà gây tai nạn giao thông, khả năng cao người mua xe sẽ bị xử phạt về lỗi xe không chính chủ.
3. Có thể bị đòi lại xe do giao dịch vô hiệu
Hầu hết những chiếc xe có giá “rẻ như cho” đều là sản phẩm của hành vi ăn trộm, ăn cắp, lừa đảo mà có. Nếu biết chiếc xe là tài sản có được do phạm tội mà vẫn mua thì giao dịch mua bán đó sẽ bị tuyên vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Căn cứ khoản 2 Điều 131 của Bộ luật Dân sự, khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Như vậy, trong trường hợp nêu trên, nếu phát hiện chiếc xe mà một người mua là tài sản trộm cắp thì người này phải giao xe cho cơ quan công an để phục vụ công tác điều tra rồi hoàn trả cho người bị mất.
Lúc này, người mua xe sẽ phải đối mặt với rủi ro vừa mất tiền mua mà lại vừa mất xe. Mặc dù theo quy định, người mua có thể yêu cầu bên bán trả lại tiền do giao dịch vô hiệu, nhưng thực tế không phải lúc nào người bán cũng sẵn lòng hoàn trả.
Nếu khởi kiện để đòi tiền thì người mua sẽ phải trải qua nhiều thủ tục rườm rà, tốn kém thời gian và tiền bạc.
Ảnh minh họa. |
4. Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Nếu biết rõ chiếc xe giá rẻ không giấy tờ được mua là tài sản do phạm tội mà có, người mua xe có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo Điều 323 Bộ luật Hình sự.
Mức phạt cụ thể đối với tội phạm này như sau:
- Khung 1: Phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm.
- Khung 2: Phạt tù từ 03 - 07 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Có tổ chức;
+ Có tính chất chuyên nghiệp;
+ Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100 - dưới 300 triệu đồng;
+ Thu lợi bất chính từ 20 - dưới 100 triệu đồng;
+ Tái phạm nguy hiểm.
- Khung 3: Phạt tù từ 07 - 10 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300 triệu đến dưới 01 tỷ đồng;
+ Thu lợi bất chính từ 100 - dưới 300 triệu đồng.
- Khung 4: Phạt tù từ 10 - 15 năm nếu phạm tội có thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 01 tỷ đồng trở lên;
+ Thu lợi bất chính từ 300 triệu đồng trở lên.
- Phạt bổ sung: Phạt tiền từ 05 - 50 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Theo luatvietnam.vn