3 triệu trẻ em có tật khúc xạ
PGS.TS Đỗ Như Hơn - Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết khi trao đổi với PV Infonet, bên cạnh đó tình trạng tật khúc xạ cận thị, viễn thị, loạn thị ở lứa tuổi thanh thiếu niên đang đặt ra vấn đề xã hội bức thiết hiện nay.
Tỷ lệ mù lòa ở Việt Nam hiện còn khá cao, chiếm 0,6 % trong toàn dân số. Theo số liệu điều tra năm 2007, có khoảng 400 nghìn người mù hai mắt và nếu tính mù một mắt thì cả nước có tới 2 triệu người, chưa kể hàng năm số người mù mắc mới hàng trăm nghìn người và tỷ lệ mù tồn đọng mỗi năm lên tới 150.000.
Nguy cơ mù lòa ở trẻ em dưới 15 tuổi ngày càng tăng cao do thiếu bác sỹ chuyên khoa mắt |
Theo điều tra này cũng cho thấy nguyên nhân gây mù chính hiện nay là bệnh đục thể thủy tinh, chiếm 66,1% nguyên nhân gây mù. Ngoài ra, mù do các bệnh đáy mắt, bệnh glôcôm...các bệnh bán phần sau nhãn cầu (chiếm 16,6%), bệnh glôcôm (6,5%), tật khúc xạ (2,5%) và bệnh mắt hột (1,7% ). Trong số nguyên nhân gây mù hiện nay có tới trên 80% là có thể phòng và chữa được.
Bên cạnh đó, cả nước ước tính có 3 triệu trẻ em dưới 15 tuổi bị mắc các tật khúc xạ cần được chỉnh kính, trong đó 2/3 bị cận thị, khi bị các tật khúc xạ nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ dẫn tới mù lòa. Có tới trên 30% số người mù loà không biết bệnh mình có thể chữa trị được và chữa ở đâu, gần 1/3 số người mù không có tiền để chữa trị.
Để kiểm soát những nguyên nhân hàng đầu gây mù loà cần kiểm soát bệnh đục thuỷ tinh thể gây mù, hàng năm phẫu thuật ít nhất 170.000 ca - 250,000 ca đục thể thủy tinh vào năm 2013, tăng dần lên 300.000 ca vào năm 2020 và quyết tâm có chứng nhận thanh toán bệnh mắt hột vào năm 2017.
Hiện tại, ở tuyến tỉnh rất thiếu bác sỹ chuyên khoa mắt, phẫu thuật viên có trình độ, tay nghề cao. Ví dụ như tỉnh Kon Tum chỉ có 3 bác sỹ chuyên khoa mắt, hay tỉnh lớn như Quảng Nam với quy mô dân số 1,5 triệu dân chỉ có 5 bác sỹ chuyên khoa mắt. Các tỉnh như Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng hoặc các tỉnh khu vực Tây Nguyên thiếu bác sỹ mắt nghiêm trọng.