2013: Khó khăn hơn, lạm phát trỗi dậy?
Đó là đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu kinh tế của Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Trường ĐHKT-ĐHQGHN) trong buổi hội thảo “Rủi ro kinh tế vĩ mô và tầm nhìn chính sách năm 2013” diễn ra sáng nay.
Theo đó, lạm phát trong năm 2013 phụ thuộc nhiều vào diễn biến khó dự báo của giá lương thực thực phẩm, lạm phát lõi và ảnh hưởng trễ của chính sách nới lỏng tiền tệ trong năm 2012. Lam phát cao có thể trở lại vào năm 2013, khiến mục tiêu lạm phát dưới 6% của Chính phủ đặt ra vào cuối năm 2012 trở nên mong manh. Tăng giá điện vào cuối tháng 12/2012 và sự điều chỉnh tiền lương tối thiểu vào giữa năm 2013 chắc chắn đóng góp vào mức tăng giá trong năm 2013.
Trao đổi với báo chí về vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Thành cho biết:
Kinh tế năm 2013 còn nhiều khó khăn. Lạm phát nhiều khả năng cao hơn năm trước vì bệ đỡ của lạm phát thấp sẽ không còn nữa. Năm 2012 lạm phát thấp là do chúng ta được hỗ trợ rất nhiều về giá lương thực, nên giá giảm rất mạnh. Có thể giá lương thực năm 2013 cũng sẽ giảm nhưng không giảm mạnh được như năm 2012.
TS. Nguyễn Đức Thành: Lạm phát năm 2013 sẽ tiến tới mức 10% là rất rõ ràng. Ảnh NL |
Hơn nưa, trong năm 2013 một số chính sách mới sẽ ảnh hưởng tới việc lạm phát tăng cao như điểu chỉnh tiền lương, điều chỉnh một loạt phí về y tế, giá điện bước đầu ở các thành phố lớn. Đó là nhân tố khiến lạm phát tăng cao trở lại vào năm 2013. Lạm phát năm 2013 sẽ tiến tới mức 10% là rất rõ ràng.
Không mấy lạc quan về con số lạm phát 6% trong năm 2013 mà Chính phủ đưa ra, TS. Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) cũng nhận định: Mặc dù lạm phát năm nay có giảm mạnh song chủ yếu là do sức mua yếu và tổng cầu của nền kinh tế thấp chưa phải do lạm phát đã được kiềm chế một cách căn bản.
TS. Lê Quốc Phương: Lạm phát chưa được lạm phát được kiềm chế một cách căn bản. Ảnh NL |
Đồng quan điểm này, TS. Bùi Trinh, Tổng cục Thống kê cho rẳng: Thời gian qua, hầu hết các chuyên gia và các nhà tư vấn về các chính sách của Nhà nước tập trung vào vấn đề tiền tệ mà bỏ qua nhiều yếu tố khác. Giảm lạm phát cũng chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Lạm phát năm vừa qua giảm không hoàn toàn là tín hiệu đáng mừng vì lạm phát giảm do tổng cầu giảm. Nguyên nhân sâu xa của lạm phát là do việc sản xuất và đầu tư thiếu hiệu quả và năng suất nhân tố tổng hợp giảm mạnh.
“Nhiều giải pháp giải quyết vấn đề của chúng ta chỉ mang tính chữa cháy tức thời hơn là chữa trị nguyên nhân sâu xa và tận gốc của nó”, TS. Lưu Bích Hồ cho biết.
Tại hổi thảo, nhiều chuyên gia nhận định: Trển vọng kinh tế của năm 2013 không có nhiều đột biến so với năm 2012. Có thể có những dấu hiệu cải thiện vào nửa sau của năm giúp tăng trưởng cả năm 2013 đạt cao hơn nhưng không đáng kể (khoảng 5,2-5,3%).
Nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào vốn đầu tư thì mức đầu tư ngày càng thấp, nền kinh tế khó thoát khỏi sự trì trệ đang đeo bám và buộc phải lệ thuộc nhiều hơn vào đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Những khó khăn của năm 2012 như tăng trưởng GDP thấp (5%), nợ xấu ngân hàng cao kỷ lục (chiếm gần 10% tổng dư nợ tín dụng), dư nợ tín dụng thấp nhất trong nhiều năm (khoảng 7%), chỉ số tồn kho của CN chế biến cao, số DN phá sản lớn…sẽ tác động không tốt đến tình hình kinh tế năm 2013.