1/4 dân số thế giới có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt
Đó là kết quả nghiên cứu mới do Viện Nghiên cứu Tài nguyên thế giới (WRI) của Mỹ vừa công bố.
Theo WRI, 17 quốc gia trên thế giới đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước rất cao vì đã tiêu thụ tới 80% lượng nước sẵn có hằng năm trong khi năm 2019 chỉ còn chừng 4 tháng. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng hơn khi biến đổi khí hậu làm gia tăng tần suất xảy ra các đợt khô hạn.
Một tàu hỏa chở nước sạch cho người dân Ấn Độ trong mùa khô 2018. |
Theo số liệu mới được WRI cập nhật trên tập bản đồ nguy cơ thiếu nước thế giới (Aqueduct Water Risk Atlas), các quốc gia trong tình trạng "khát nước trầm trọng nhất" nằm chủ yếu ở vùng khô cằn Trung Đông và Bắc Phi, trong đó Qatar là quốc gia chịu áp lực lớn nhất, tiếp theo sau là Israel và Liban.
Đáng chú ý, Ấn Độ xếp thứ 13 trong số các quốc gia đứng trước nguy cơ thiếu nước "rất cao". Nhưng với dân số hơn 1,3 tỉ người, số người dân chịu nguy cơ này tại Ấn Độ cao gấp 3 lần tổng số dân chịu ảnh hưởng ở 16 quốc gia khác trong nhóm phụ thuộc nhiều vào khả năng tránh khủng hoảng nước.
Tại Ấn Độ, đáng chú ý thành phố lớn thứ 6 tại Ấn Độ là Chennai - đô thị mới nhất trên thế giới đã phải vừa ban hành cảnh báo cạn kiệt nước khi mức độ nước tại các hồ chứa giảm mạnh. Tình trạng này cũng từng được cảnh báo tại Cape Town (Nam Phi) với tên gọi "ngày không nước" (Day Zero) hồi năm ngoái hay ở thành phố Sao Paulo, Brazil năm 2015.
Ước tính, gần 1/3 lượng nước ngọt trên thế giới là nước ngầm nhưng con người đang quản lý sử dụng nguồn nước này một cách yếu kém vì thiếu hiểu biết và khó khăn trong việc đánh giá, đo đạc nguồn nước nằm sâu dưới lòng đất.