1/3 kiến thức Toán bậc THPT là vô bổ!
Vừa qua, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đã tổ chức hội nghị tham vấn chuyên gia về chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Tại đây, nhiều vấn đề “nóng” được phân tích, mổ xẻ xung quanh chương trình, sách giáo khoa hiện nay cũng như định hướng đổi mới sau 2015 thu hút sự chú ý của dư luận.
Chương trình, sách giáo khoa còn nhiều bất cập
Tại hội nghị, ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng quốc hội cho biết chương trình, sách giáo khoa trong thời gian vừa qua cũng đáp ứng được đáp ứng yêu cầu, mục đích giáo dục nhưng còn bộc lộ nhiều hạn chế.
Đó là: tỏ ra lúng túng trong dạy học phân hóa, tích hợp; hướng phân ban không đạt mục tiêu đề ra; chương trình khối lượng kiến thức thể hiện trong sách giáo khoa còn nặng so với khả năng tiếp thu của đông đảo học sinh; kiến thức nặng lý thuyết không sát thực tế; nặng về truyền thụ kiến thức mà chưa quan tâm nhiều đến rèn luyện kỹ năng, nhân cách học sinh.
Về vấn đề này, ông Đinh Quang Báonguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo đổi mới chương trình - sách giáo khoa phát biểu: “Chương trình, sách giáo khoa không quá tải cho người học mà chỉ là có cái quá sâu, không thiết thực và ngược lại có cái thiết thực mà lại quá nhẹ”. Ông cũng nhận định việc nhiều ý kiến cho rằng chương trình hiện nay quá tải có thể do phương pháp của giáo viên và áp lực thi cử.
Đồng quan điểm,GS.NGND Nguyễn Lân Dũng cũng cho rằng chương trình giáo dục phổ thông hiện nay, cụ thể trong môn Sinh học, đã đưa toàn bộ chương trình của bậc đại học vào phổ thông, bắt học sinh nhớ những cái không đáng nhớ.
Trong khi đó, PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) nhận xét chương trình giáo dục hiện nay thiếu toàn diện, nặng tính hàn lâm, nhẹ về thực tiễn, kỹ năng thực hành. Nhiều kiến thức trong chương trình hoàn toàn không cần thiết đối với bậc phổ thông.
PGS Văn Như Cương ví dụ: “Trong môn Toán ở bậc phổ thông, nếu không là giáo viên thì không cần đến kiến thức về Số phức. Tuy nhiên, kiến thức trên vẫn phải dạy, học, thậm chí năm nào cũng có trong đề thi tốt nghiệp THPT”.
“Có thể nói rằng một phần ba kiến thức môn Toán ở bậc THPT là vô bổ đối với học sinh khi học xong bậc học này”, PGS Văn Như Cương nhấn mạnh.
Đổi mới sách giáo khoa như thế nào?
Theo các đại biểu, xây dựng chương trình, sách giáo khoa rất quan trọng, bởi việc làm này bảo đảm sự thành công của chiến lược phát triển giáo dục phổ thông. Nhưng bài toán đặt ra đó là đổi mới theo hướng nào?
Theo ông Đinh Quang Báo, đổi mới chương trình, sách giáo khoa là tăng những nội dung thiết thực, tạo được hứng thú trong học tập cho học sinh. Tuy nhiên ông cũng tỏ ra lo ngại bởi hiện nay chưa có chuyên gia về xây dựng chương trình, sách giáo khoa tích hợp và các nhà đổi mới đều đang lúng túng về vấn đề này.
Về vấn đề này, ông Đào Trọng Thi lại nhấn mạnh: “Để có thể thực hiện tốt việc đổi mới này, chúng ta cần phải chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, độ ngũ giáo viên đáp ứng được yêu cầu. Ngược lại chương trình thiết kế cũng phải phù hợp với khả năng thực tế về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Có thể chương trình tiên tiến nhưng đội ngũ chưa dạy được, cơ sở vật chất chưa đủ để đáp ứng thì cuối cùng cái mà học trò nhận được vẫn chưa phải những kỹ năng, năng lực mong muốn”.
Với quan điểm này, ông Thi cho rằng việc đổi mới lần này cần làm một cách toàn diện, hệ thống gồm tất cả các yếu tối để đảm bảo chất lượng.
PGS.TS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Quốc hội cũng khẳng định: “Cần có một sự đổi mới đồng bộ vì phần lớn các trường phổ thông không đủ điều kiện thực hiện giáo dục toàn diện”.
Theo bà Đan: “Trong đổi mới chương trình, sách giáo khoa đề ra vấn đề tăng cường thực hành nhưng nhà trường phổ thông lại nghèo nàn thì lấy gì để học sinh thực hành”. Vì vậy, cần khảo sát để biết được bao nhiêu trường phổ thông đủ điều kiện thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện. Bên cạnh đó, Chính phủ cần chỉ đạo UBND các cấp tăng cường xây dựng cơ sở vật chất nhằm đồng bộ với công cuộc đổi mới.
Bà Đan nhấn mạnh: “Đáng chú ý, gần 30 năm đổi mới giáo dục nước ta chưa bao giờ đặt vấn đề đổi mới đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm. Vì vậy, để đổi mới lần này cần phải tính đến việc đổi mới từ các trường sư phạm”.
Phát biểu tại hội nghị, GS Nguyễn Đức Chính (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) lại cho rằng để thành công, cần đổi mới hoàn toàn cách kiểm tra, đánh giá. Hiện nay, việc kiểm tra, đánh giá đang trở thành gánh nặng với người học và xã hội. Đánh giá phải vì sự tiến bộ của người học chứ không phải xem người học được gì.
Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: “Sắp tới chúng ta phải thống nhất được cách nhìn, cách hiểu sao cho đồng nhất về chương trình, sách giáo khoa”.
Việc đổi mới chương trình phải được diễn ra từ tất cả các yếu tố như giáo viên, cơ sở vật chất, đội ngũ quản lý… Vì vậy, chỉ triển khai đổi mới ở những cơ sở giáo dục đủ điều kiện.
Chương trình sau cải cách phải thể hiện sự đồng bộ trong nội dung, phương pháp dạy, học và kiểm tra đánh giá. Đồng thời, chương trình cũng phải coi trọng dạy học hơn là truyền đạt nội dung, nhằm mục tiêu dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp.
An Hoàng