10.000đ/suất: Đương nhiên công nhân phải ăn thực phẩm ôi thiu
Đó là những trao đổi của ông Nguyễn Thanh Phong – Phó Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) với báo chí trong buổi gặp gỡ cộng tác viên báo chí về tuyên truyền an toàn thực phẩm Quý II diễn ra tại Hà Nội.
Theo đó ông Phong cho biết: Đã có rất nhiều những biện pháp để bảo đảm ATVSTP ở các khu CN, bếp ăn tập thể tại Bệnh viện, trường học, công trường được cải thiện nhưng nguy cơ ngộ độc thực phẩm (TP) tại các khu vực này vẫn rất lớn, bởi số lượng người sử dụng thực phẩm đông.
Thông tin ống hút Trung Quốc nhiễm chất độc hại chưa có phát ngôn chính thức của cơ quan chức năng. |
Tình trạng ngộ độc xảy ra ở những nơi tập trung đông người là khó tránh khỏi, ông Phong nói: Những khu CN tập trung đến hàng trăm nghìn công nhân sử dụng thực phẩm, nếu không có sự đảm bảo về nguồn thực phẩm, vệ sinh bếp ăn, chia suất ăn, thời gian ăn giữa các ca, nơi tổ chức ăn thì nguy cơ ngộ độc TP rất lớn.
Ông Phong dẫn chứng thêm: “Một số khu để khẩu phần ăn của công nhân rất thấp, hiện nay giá cả cao mà có nơi công nhân ăn với giá trên dưới 10.000 đồng/suất, nếu mức thu chi cho 1 bữa ăn chỉ thấp như vậy làm sao đảm bảo nguồn thực phẩm được tươi ngon, nguyên liệu tốt. Chỉ 10.000 đồng/suất ăn chưa trừ lợi nhuận của người sản xuất đồ ăn, giá như vậy đương nhiên sẽ tiếp tay cho họ mua những sản phẩm ôi thiu để chế biến thực phẩm trong bữa ăn cho công nhân, không đảm bảo chất lượng”.
Nhiều phương án đã được đưa ra nhằm khắc phục tình trạng ngộ độc thực phẩm tại các khu tập trung đông người sử dụng thực phẩm nhưng ông Nguyễn Thanh Phong chia sẻ: “Có nhiều biện pháp giám sát, thanh tra kiểm tra, tăng cường truyền thông nhưng nguy cơ ngộ độc tại các khu này vẫn còn rất lớn”.
“Chúng tôi có dự định quy định mức tối thiểu 1 khẩu phần ăn cho công nhân nhưng tính chất mỗi vùng miền là khác nhau, giá cả thực phẩm mỗi ngày cũng khác nhau nên việc định mức tối thiểu cho 1 khẩu phần ăn là không thực hiện được”, ông Phong nói.
Tại cuộc gặp gỡ báo chí, nhiều vấn đề an toàn thực phẩm đang gây bức xúc trong dư luận như tương ớt nhiễm chất Rhodamine B, ống hút Trung Quốc chứa độc tố, dầu ăn trộn lốp xe cũng được đưa ra trao đổi.
Trước thông tin ông hút Trung Quốc chứa độc tố, ông Lâm Quốc Hùng – Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm – Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: “Thông tin ống hút của Trung Quốc có đến 90% không đảm bảo chất lượng, chứa các chất độc gây mất ATTP, do một nhóm nghiên cứu đưa ra chỉ mới được phát tán trên các trang mạng chứ chưa có phát ngôn chính thức của cơ quan chức năng”.
Ông Hùng cho biết thêm: “Năm 2012 chúng ta đã tiến hành giám sát 14 mẫu, 5 tháng năm 2013 giám sát 5 mẫu đều không phát hiện các chất kim loại nặng, một số mẫu ống hút có chứa chất phơi nhiễm nhưng dưới ngưỡng cho phép”.
Ông Hùng cảnh báo: “Những ống hút hiện được phép lưu hành chính đáng thì đều được kiểm tra và không phát hiện vi phạm ATTP, nhưng do quy luật cung cầu, gian lận thương mại nên việc nhập lậu ống hút và có nguy cơ phơi nhiễm chất độc là hoàn toàn có thể xảy ra”.
Xoay quanh vấn đề ống hút nhiễm độc tố, ông Nguyễn Thanh Phong – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) bày tỏ: Các mẫu kiểm nghiệm đều chưa phát hiện chất độc hại và nằm trong ngưỡng cho phép nhưng không vì thế mà chúng ta chủ quan bởi không thể khẳng định số mẫu được kiểm tra đại diện cho tất cả các mẫu hàng đang có mặt trên thị trường (quốc tế cũng không thể làm 100% trên thị trường) chúng ta chỉ có thể lấy mẫu ngẫu nhiên theo số lượng, vùng miền, trên cơ sở mẫu đủ lớn.
Hiện trên thị trường đang bán những loại tương ớt đựng trong can 20 lít không bao bì nhãn mác, có hay không những loại tương ớt này vi phạm ATTP, trả lời cho thắc mắc này, ông Nguyễn Thanh Phong chia sẻ: “Từ nghi ngờ đến sự thực là cả một vấn đề, đôi khi không phải rẻ mà không đảm bảo chất lượng và ngược lại, đắt chưa chắc đã tốt. Nhưng rõ ràng thực phẩm đã qua chế biến mà đựng bán trong những can lọ không có nhãn mác, bao bì là vi phạm”.
“Không chỉ riêng tướng ớt sau chế biến không có nhãn mác là vi phạm mà hầu hết các sản phẩm thực phẩm đã qua chế biến đựng trong bao bì không tem, nhãn mác lưu thông là vi phạm, cơ quan chức năng khi thanh kiểm tra phát hiện có quyền xử lý”, ông Phong nói.