10 phát hiện mới về Trái Đất trong 2015
Những phát hiện của các nhà khoa học về Trái Đất trong năm nay có cả tin tốt lẫn tin xấu. Nhưng trên hết nó cung cấp những hiểu biết một cách khách quan nhất về nơi chúng ta đang tồn tại và sinh sống.
Lõi trong của Trái Đất có một "lõi trong" khác
Các nhà nghiên cứu địa chất thuộc trường ĐH Illinois (Mỹ) và Nam Kinh (Trung Quốc) đã phát hiện ra một thành phần mới trong lõi trong của Trái Đất. Có vẻ như lõi trong này tồn tại một thành phần khác nhỏ hơn với đường kính gần bằng 1/2 Mặt Trăng.
Trước đó, giới khoa học cho rằng lõi Trái Đất chỉ là một khối kim loại rắn nằm bên trong một lớp dạng lỏng của sắt và niken, có nhiệm vụ tạo ra từ trường và điều hướng la bàn trên Trái Đất. Lõi kim loại giúp la bàn luôn quay theo hướng Bắc-Nam. Nhưng theo các phát hiện mới, phần lõi trong lõi loại này lại khiến mọi thứ quay theo hướng Tây-Đông.
Vùng phía Đông dãy Himalaya có độ đa dạng sinh học vô cùng ấn tượng
Một báo cáo từ Quỹ bảo vệ Động vật hoang dã Thế giới (WWF) cho biết, các nhà khoa học đã phát hiện được hơn 200 loài động vật mới ở vùng núi phía Đông dãy Himalaya trong những năm gần đây. Ở đó có nhiều loài sinh vật đặc biệt trong đó có cá biết đi bộ và khỉ mũi hếch.
Có một đại dương khổng lồ dưới sa mạc ở Trung Quốc
Các nhà khoa học Trung Quốc phát hiện một sự thật thú vị về lòng chảo Tarim, lòng chảo khép kín lớn nhất thế giới với bề mặt khô cằn và lượng mưa trung bình hàng năm rất ít (10 cm/năm). Tuy khô cằn như vậy nhưng bên dưới Tarim lại ẩn trong mình một kho nước khổng lồ. Lượng nước có thể gấp 10 lần so với hệ thống Ngũ hồ ở Bắc Mỹ cộng lại.
Các thành phố dễ bị hút sấm sét hơn vùng nông thôn
Theo các nhà nghiên cứu đến từ trường ĐH Bắc Illinois, những cơn giông mang theo sấm sét "sinh ra" nhiều hơn trong các ngày thường so với ngày cuối tuần. Đặc biệt, mật độ các cơn dông và sấm sét xảy ra tại các thành phố cũng nhiều hơn so với vùng nông thôn. Điều này được cho là có liên quan tới độ ô nhiễm không khí, vốn tỷ lệ với lượng phương tiện tham gia giao thông trong khu vực.
Sông băng tan chảy có thể khiến Trái Đất quay nhanh hơn
Một số nhà khoa học phát hiện ra rằng, băng tan chảy do hiện tượng nóng lên toàn cầu có thể khiến Trái Đất quay nhanh hơn, đồng thời khiến trục quả cầu bị dịch chuyển theo. Hiện tượng này có thể dẫn tới những thay đổi mạnh mẽ trong chu kỳ và độ dài ngày đêm trên Trái Đất.
Thời tiết xấu gây ra 90% các vụ thiên tai trên thế giới
Theo văn phòng Liên Hợp Quốc về giảm nhẹ thiên tai, 90% các thảm họa toàn cầu tính từ 1995 - 2015 đều liên quan đến thời tiết. Bao gồm lũ lụt, sóng nhiệt, đợt lạnh cực điểm hoặc hạn hán khốc liệt. Những thảm họa tự nhiên do thời tiết đã cướp đi trung bình 30.000 sinh mạng mỗi năm và đẩy 205 triệu người rơi vào cảnh vô gia cư.
Fracking đá phiến sét có thể gây ra động đất
Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) công bố kết quả nghiên cứu mới cho thấy, động đất có thể liên quan đến một kỹ thuật khai thác dầu gọi là "fracking" - trích xuất dầu và khí từ đá phiến sét.
Theo các chuyên gia, quá trình fracking sử dụng kỹ thuật bẻ gẫy bằng thủy lực - bơm nước áp suất cao trộn với cát và hoá chất để cắt phá đá phiến sét - qua đó giải phóng dầu và khí đốt vốn bị kẹt lại ở trong lớp đất đá này. Quá trình khai thác tạo ra những rung chấn nhất định tới lòng đất và có thể tạo ra những cơn địa chấn cỡ nhỏ. Nghiên cứu trên được tiến hành bởi các nhà khoa học tại ĐH Miami thuộc tiểu bang Ohio.
Những cơn sóng ngầm khổng lồ dưới đáy đại dương
Các nhà khoa học đến từ ĐH Miami, Ohio đã đo được một cơn sóng ngầm có chiều cao tương đương với một tòa tháp gần 200 mét ở sâu dưới lòng biển eo biển Luzon ở giữa Đài Loan và Philippines. Đây là một hiện tượng thiên nhiên rất lạ và hiếm khi xuất hiện trên Trái Đất.
Con người gây ra xói lở đất đá nhanh gấp 100 lần so với tự nhiên
Sự thật đáng buồn này được các nhà nghiên cứu đến từ ĐH Vermont (Mỹ) cho biết. Họ đã nghiên cứu 10 lưu vực sông lớn ở miền Đông Nam nước Mỹ trong nhiều thế kỷ qua. Nhóm nghiên cứu ước tính khoảng thời gian từ những năm 1800 cho tới đầu 1900. Kết quả cho thấy hoạt động của con người như khai thác gỗ hoặc trồng bông đã khiến sói lở khoảng 2,5 cm đất cứ mỗi 25 năm, tức nhanh gấp 100 lần so với kết quả do tự nhiên gây ra.
Đại dương hứng chịu hơn 8 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm
Chính con người đã thải hơn 8 triệu tấn rác thải nhựa ra biển mỗi năm, đủ để có 5 bịch rác cứ mỗi 30 cm bờ biển. Theo một nghiên cứu của nhà khoa học Jenna Jambeck cùng các đồng nghiệp từ ĐH Georgia, nhựa thải cũng gây ra cái chết cho chính con người. Quá trình nhựa thải trên biển đi vào hệ tiêu hóa của các loài sinh vật biển và trở thành thức ăn cho con người gần như đã trở thành một vòng tròn khép kín do chính con người tự giăng bẫy hại mình.
Theo Tiến Thanh/VNReview