10 năm tới, gần nửa Việt Nam sẽ là đô thị
10 năm tới, gần nửa Việt Nam sẽ là đô thị
Hội nghị "Cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu tại các đô thị Việt Nam" tổ chức ngày 25/7 tại Đà Nẵng - Ảnh: HC |
150 đại biểu từ các TP lớn thuộc vùng duyên hải và đồng bằng sông Cửu Long cùng hơn 50 đại biểu của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Liên minh các TP, Diễn đàn Tổ chức hợp tác quốc tế Đức GIZ, Tổ chức Sáng kiến phát triển các TP Châu Á CDIA, Cơ quan Liên hiệp quốc HABITAT, Viện Nghiên cứu chuyển đổi xã hội mà môi trường ISET, Viện NISTPASS, Ngân hàng Thế giới WB, Tổ chức Rockefller... đã tham dự hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho hay, là một quốc gia đang phát triển và có tốc độ đô thị hoá nhanh của khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã đạt được thành công đáng kể trong việc phát triển đô thị gắn liền với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nâng cao mức sống của người dân. Sau hơn 25 năm đổi mới, đô thị Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Hệ thống đô thị Việt Nam đã tạo ra diện mạo mới theo hướng văn minh, hiện đại, không gian đô thị từng bước đáp ứng yêu cầu về môi trường sống và làm việc cho người dân đô thị.
"Tính đến tháng 6/2012, mạng lưới đô thị quốc gia đã và đang được triển khai, quy hoạch trên 760 đô thị. Tỉ lệ đô thị hoá hiện đại hơn 31% và dự kiến tăng lên 45% trong 10 năm tới. Khu vực đô thị đóng góp hàng năm trên 70% cho nền kinh tế Việt Nam. Đô thị ngày càng khẳng định là động lực cho phát triển kinh tế và khối đô thị trở thành hạt nhân thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở mỗi địa phương, mỗi vùng và trên cả nước" - Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Đô thị Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ do biến đổi khí hậu - Ảnh: HC |
Tuy nhiên, các đại biểu tham dự hội nghị cũng chỉ ra rằng, hệ thống đô thị Việt Nam chủ yếu tập trung dọc theo vùng ven biển và các vùng đồng bằng, hàng năm luôn đứng trước nguy cơ của bão, lũ lụt và nước biển dâng. Trong khi đó, các đô thị miền núi và trung du cũng thường chịu nhiều ảnh hưởng của lũ quét, sạt lở đất, cháy rừng và hạn hán.
Theo TS Michael DiGregorio, chuyên gia tư vấn của Viện chuyển đổi môi trường và xã hội ISET, tác động của biến đổi khí hậu ngày một rõ rệt trên mọi miền đất nước của Việt Nam. Trong đó khu vực đô thị ngày càng dễ bị tổn thương và thiệt hại nặng nề về kinh tế, xã hội, môi trường, cơ sở hạ tầng... Biến đổi khí hậu đang là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất đối với Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và xoá đói giảm nghèo.
Do vậy, hội nghị lần này đã tập trung xây dựng định hướng hành động phát triển đô thị Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, đề xuất các vấn đề của đô thị, các giải pháp kỹ thuật, cơ chế chính sách quản lý phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu... Đồng thời hợp tác tìm các giải pháp trong dự báo, thiết kế, quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị để ứng phó, giảm nhẹ, thích ứng trước các biến động phức tạp, đặc biệt là biến đổi khí hậu, để hệ thống đô thị Việt Nam đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững và thịnh vượng.
HẢI CHÂU