10 đặc sản hải sản vào kỷ lục Việt Nam gồm những gì?
Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam chính thức công bố 10 đặc sản hải sản Việt Nam trong hành trình tìm kiếm, quảng bá đặc sản và ẩm thực Việt Nam lần thứ 1, bao gồm:
Sá sùng (Quảng Ninh), Bào ngư Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Mực nháy Cửa Lò (Nghệ An), Cá ngừ đại dương (Phú Yên), Sò huyết đầm Ô Loan (Phú Yên), Tôm hùm Bình Ba (Khánh Hòa), Mực một nắng Phan Thiết (Bình Thuận), Ốc vú nàng Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Còi Biên mai Phú Quốc (Kiên Giang), Tôm tít (Cà Mau).
Đây là hoạt động nhằm mục đích quảng bá những đặc sản biển Việt Nam, giúp du khách chọn lựa một món ăn tươi ngon trong chuyến du lịch của mình,
Bào ngư thuộc hàng sơn hào hải vị. |
Bào ngư Bạch Long Vỹ hiện có hai loại là: bào ngư đá và bào ngư lỗ.
Bào ngư đá chuyên sinh sống, bám vào các vỉa đá ngầm, còn bào ngư lỗ chuyên sống trong các lỗ dưới đáy biển.
Bào ngư là loại ốc có vỏ cứng như vỏ sò, nhưng dẹt hơn ở mép vỏ có 7-13 lỗ nhỏ để không khí ra vào.
Thông thường có 9 lỗ nên thường còn được gọi là “cửu khổng”.
Vỏ bào ngư phía ngoài có nhiều vân tím, nâu, xanh xen kẽ nhau, phụ thuộc vào từng loài thích nghi với môi trường sống riêng có; mặt trong có lớp xà cừ óng ánh. Vỏ rất cứng làm chủ yếu từ can xi cacbonnat gồm nhiều lớp xếp chồng lên nhau.
Bào ngư được nuôi thành công tại đảo Bạch Long Vỹ |
Theo y lý, bào ngư thuộc hàng “bát trân”, thuộc hàng “sơn hào hải vị”, giàu dược tính, có khả năng bổ âm, tăng khí, hạ nhiệt, tăng cường sinh lực cho nam giới, giúp sáng mắt, trị ho, khó tiêu. Cả vỏ và ruột bào ngư đều được dùng làm thuốc để chữa bệnh và bồi bổ.
Những món ăn hấp dẫn từ bào ngư như: bào ngư chấm mù tạt –xì dầu; bào ngư nấu cháo toàn tính (thả cả vỏ vào cháo). Ngoài ra, dược tính của bào ngư sẽ công hiệu hơn khi kết hợp với các vị thuốc bắc trong món canh “bào ngư, hải sâm đen, tần thuốc bắc” – một món chuyên dùng cho người già yếu phục hồi sức khỏe./.
TheoVăn Cường/baohaiphong.com.vn