Yếu tố bất ngờ của xuất khẩu Việt Nam khiến xuất siêu đảo chiều
Trong khi quy mô thâm hụt thương mại của khu vực nội địa giảm mạnh, khối FDI đóng góp lớn vào kết quả thặng dư thương mại của cả nước. Tuy nhiên, hoạt động thương mại tăng trưởng chậm lại trên cả hai phương diện xuất khẩu và nhập khẩu.
Số liệu thương mại tháng 1/2019 còn thể hiện một số điểm nhấn quan trọng, gồm: Doanh thu xuất khẩu từ thị trường Trung Quốc giảm mạnh; Doanh thu xuất khẩu tại thị trường Bắc Mỹ tăng đột biến; Sự trỗi dậy của các thành phố công nghiệp, Hải Phòng, Hải Dương, trên bản đồ thương mại Việt Nam.
Về sự sụt giảm doanh thu xuất khẩu từ thị trường Trung Quốc, khoản mục này đã giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh ngành hàng thiết bị điện tử và máy móc giảm tới 44% so với cùng kỳ.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, do sự phụ thuộc lớn vào hoạt động sản xuất kinh doanh của Samsung, việc tập đoàn này mất dần thị phần tại thị trường Trung Quốc có thể tác động tiêu cực tới tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, doanh thu xuất khẩu các mặt hàng khác nhìn chung đều giảm trong thời điểm đầu năm. Hiện tại, số liệu tiêu dùng yếu từ Trung Quốc đang gia tăng quan ngại về những thay đổi căn cơ trong nhu cầu của quốc gia này. Rõ ràng, điều đó không có lợi cho Việt Nam.
Tuy nhiên, doanh thu xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng mạnh, khu vực doanh nghiệp Việt Nam đang giành được nhiều hợp đồng xuất khẩu hơn.
Xuất khẩu sang Mỹ đã tăng trên 40% trong tháng 1/2019, trong khi doanh thu xuất khẩu mặt hàng dệt may và sản phẩm liên quan tăng gấp đôi, nguồn thu từ xuất khẩu hàng điện tử và máy móc cũng tăng 30%.
Việc Samsung mất dần thị phần tại thị trường Trung Quốc có thể tác động tiêu cực tới tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. |
Mỹ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam khi các doanh nghiệp sản xuất đang thuê thêm nhân công và gia tăng hàng tồn kho. Việt Nam đang hưởng lợi nhất định từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khi số lượng hợp đồng xuất khẩu gia tăng. Tuy nhiên, những nỗ lực nâng tầm để trở thành nhà cung ứng lâu dài cho các doanh nghiệp Mỹ và ngăn chặn tình trạng hàng nhái thương hiệu “Made-in-Vietnam” trở thành ưu tiên hàng đầu.
Điểm nhấn khác liên quan tới hoạt động thương mại của Việt Nam với các thị trường mới, gồm Canada và Mexico khi hiệp định CPTPP có hiệu lực ngay đầu năm 2019. Doanh thu xuất khẩu sang hai thị trường trên đã tăng hơn 30%, trong đó các mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, như thủy sản, dệt may và thiết bị điện tử, ghi nhận mức tăng cao nhất.
Điều đó chứng minh cho việc tham gia các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới đang tạo cơ hội cho các doanh nghiệp khai thác thị trường tiềm năng mới.
Kết quả hoạt động thương mại tháng 1/2019 cũng phản ánh sự thay đổi trong hoạt động xuất-nhập khẩu phân theo tỉnh/thành phố. Việc xuất khẩu hàng điện tử sang Trung Quốc giảm sút có thể lý giải cho tình trạng xuất khẩu suy yếu tại hai thủ phủ công nghiệp, Bắc Ninh và Thái Nguyên.
Trong khi đó, các thành phố lớn khác như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai không ghi nhận nhiều sự thay đổi. Ngược lại, Hải Phòng và Hải Dương đang vươn lên trên bản đồ thương mại của Việt Nam nhờ thu hút các khoản vốn đầu tư FDI lớn trong năm gần đây. Trong thời gian tới, Hải Phòng dự định xây thêm các khu công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất trong thành phố.
Nhìn chung, hoạt động thương mại của Việt Nam đang ghi nhận cả hai thay đổi chính yếu, gồm khả năng sụt giảm nhu cầu từ thị trường Trung Quốc và ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại thế giới.