Xung đột 3 bên khi quyết giá xăng dầu?
Chiều 20/12, đại diện Bộ tài chính, Công thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã mổ xẻ vấn đề này qua tọa đàm "Minh bạch hóa giá xăng dầu theo cơ chế thị trường" do cổng thông tin Chính phủ tổ chức.
Một vấn đề đặt ra là, hiện nay chúng ta đang áp dụng quy định kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường, nhưng vì sao đã 3 năm thực hiện theo Nghị định 84 mà kinh doanh xăng dầu vẫn chưa theo cơ chế thị trường, giá xăng dầu vẫn chưa lên xuống theo giá thế giới? Vì sao đến nay doanh nghiệp vẫn chưa được quyền định giá bán xăng dầu như tinh thần Nghị định 84? Petrolimex độc quyền (hoặc thuộc nhóm có vị trí thống lĩnh thị trường) trong kinh doanh xăng dầu, do vậy việc giao quyền cho doanh nghiệp tự quyết định giá là đi ngược với nguyên lý quản lý và do đó, khó có cơ hội giảm giá xăng dầu trong nước khi giá giảm, ngược lại, giá trong nước tăng ngay khi giá thế thề giới vừa tăng?
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, chúng ta xây dựng nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, xuất phát từ một nền kinh tế tập trung bao cấp. Vì vậy việc chuyển đổi không thể diễn ra trong ngày một, ngày hai. Nghị định 84 chưa phải là bước cuối cùng để kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường, đây là nghị định tiếp nối các Nghị định 187.
"Đối với trường hợp của Petrolimex có 2 điều kiện cần xem xét. Thứ nhất, khi chúng ta còn trong cơ chế kinh tế bao cấp thì Petrolimex là đơn vị duy nhất cung cấp xăng dầu cho cả nước. Đến nay, chúng ta đã có 13 đơn vị đầu mối cung cấp xăng dầu và cần nhiều hơn nữa. Thứ hai, chúng ta tiến từ việc Nhà nước định giá, đến nay doanh nghiệp được định giá 7% trở xuống, khi chúng ta có 13 đầu mối thì việc tự định giá này được thực hiện nhiều hơn. Petrolimex hiện nay còn 48% thị phần, rõ ràng từ 100% xuống 48% là bước tiến dài" – ông Tú nói.
Minh bạch hóa xăng dầu là mong muốn của người tiêu dùng. Ảnh minh họa |
Còn theo Phó Cục trưởng Cục quản lý giá Bộ Tài chính Nguyễn Anh Tuấn, hiện chúng ta đang thực hiện theo Nghị định 84 và bám sát 4 điều cơ bản trong Nghị định này: Điều 3, 22, 26 và 27, có sự giám sát, kiểm soát giá xăng dầu với các doanh nghiệp. Cơ chế giá này rất công khai, minh bạch.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng: “Cơ chế giá hiện hành khiến lợi ích của doanh nghiệp, nhà nước và người tiêu dùng bị xung đột. Khi giá cả thế giới xuống thấp, lợi ích của người tiêu dùng bị xâm hại, ngược lại khi giá cả thế giới lên cao thì lợi ích của nhà nước lại bị thiệt hại.
Ông Tuấn cho rằng, giá xăng phải bám sát tín hiệu thị trường thế giới. Hiện giá cơ sở tính theo giá xăng dầu thành phẩm, chứ không phải dựa trên giá dầu thô. Do vậy, cơ quan báo chí cần lưu ý để thông tin tuyên truyền cho phù hợp. Bên cạnh đó, chúng ta đang thực hiện giá cơ sở trong 30 ngày nên phải tính đủ thời gian để tính giá bán lẻ. Nhưng tính 30 ngày có lẽ hơi dài nên cần phải xem xét lại vấn đề này. Xem xét Nghị định 84 cũng cần tính lại chu kỳ tính giá, ngắn hơn 30 ngày để không lỗi thời so với tín hiệu thị trường.
"Rất nhiều phương án đặt ra, và chúng tôi cũng đang tính khoảng 10 ngày phù hợp hơn với tín hiệu thị trường thế giới. Trong Nghị định 84 cũng có quy định tối thiểu 10 ngày các doanh nghiệp mới được tăng giá và tối đa 10 ngày phải giảm theo tín hiệu thị trường thế giới. Đây cũng là một cơ sở nhưng chúng tôi thấy chu kỳ 10 ngày thì hơi ngắn, sẽ ảnh hưởng tới vấn đề lưu thông. Do vậy xác định lưu thông phải dài hơn và còn liên quan đến an ninh năng lượng. Vấn đề đặt ra là có nên điều chỉnh chu kỳ 30 ngày không? Chúng tôi đang nghiên cứu để có hướng để báo cáo cơ quan chức năng và có lẽ giảm chu kỳ tính giá độ 15 ngày" – ông Tuấn thể hiện quan điểm.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương lại quan tâm đến việc đảm bảo nguồn cung, dự trữ khi thị trường bất ổn. Theo ông Nguyễn Cẩm Tú: "Chúng ta phải có một lượng dữ trữ nhất định. Nguồn này đến từ đâu? Một là Nhà nước bỏ tiền ra. Hai là doanh nghiệp kinh doanh phải dự trữ. Trong tình hình hiện nay, nguồn lực Nhà nước có hạn nên Nhà nước dự trữ không nhiều. Chúng ta phải giao nhiệm vụ dự trữ cho doanh nghiệp trong 30 ngày. Tuy nhiên, trong tình hình thị trường xăng dầu gần đây, 30 ngày có thể không đảm bảo an ninh năng lượng, Nhà nước đã tính đến khả năng dự trữ 45 ngày. Nhưng điều này vì nhiều lý do chúng ta không thực hiện được".
Để giải quyết vấn đề này, ông Tú cho rằng, thứ nhất là đảm bảo dự trữ cho an ninh năng lượng. Tình hình càng ổn định càng có điều kiện giảm dự trữ và ngược lại. Thứ hai, khi kinh tế đất nước mạnh hơn chúng ta có điều kiện tăng dự trữ Nhà nước và giảm dự trữ cho doanh nghiệp.
"Với người dân, điều quan trọng là có xăng dầu để mua hay vấn đề giá? Tôi nhắc lại vấn đề để chúng ta tự kết luận, thời bao cấp giá rất rẻ nhưng không có hàng bán, dân có lợi không? Đôi khi có hàng hóa thì phải xếp hàng từ nửa đêm để mua hàng hóa mà nhiều người không mua được. Điều hành phải tính tới làm sao để mọi người đều có thể dễ dàng mua được xăng dầu và sau đó, tính tới giá cả hợp lý. Đây là phương trình nhiều ẩn số chứ không phải chỉ để giải quyết một vấn đề".
Theo quan điểm của ông Tuấn, trong định giá xăng dầu hiện nay có thuế tuyệt đối là thuế môi trường, tuy nhiên, khi đánh giá tác động thực hiện sắc thuế đó, các nước đa phần sử dụng thuế tương đối. Và khung thuế xuất nhập khẩu xăng dầu của chúng ta thực hiện theo cam kết khi gia nhập WTO là từ 0-40%, đây cũng là cơ hội sử dụng công cụ để thực hiện bình ổn giá, đảm bảo mức độ giá hợp lý phù hợp nhất.