Xuất khẩu vải tươi đi Úc gặp trở ngại gì?
Sau 12 năm đăng ký, giờ đây Việt Nam có thể xuất vải thiều tươi sang Úc. Đặc biệt quyết định này được đưa ra đúng vào thời điểm chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch vải 2015 ở nước ta. Đây là một cơ hội lớn cho người trồng vải.
Tuy nhiên trước một thị trường khó tính như Úc, liệu chất lượng quả vải Việt Nam có đáp ứng được các yêu cầu khắt khe?
Mới chỉ có 5-7 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu vải đi Mỹ và Úc |
Để làm rõ hơn vấn đề này, Báo điện tử Infonet đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật- Bộ NN&PTNT.
Ông có đánh giá gì khi trái vải Việt Nam sau 12 năm đăng ký cuối cùng cũng được Úc mở cửa đón nhận?
Phải nói rằng qua một thời gia khá dài với nhiều công việc phải triển khai, qua nhiều cuộc đàm phán khó khăn và công văn trao đổi, nhiều vấn đề kỹ thuật kiểm dịch thực vật đã phải thực hiện để đáp ứng yêu cầu của Úc thì vụ vải năm nay Úc mới cho phép nhập khẩu quả vải tươi của Việt Nam.
So với thị trường Trung Quốc, chúng ta có thể kỳ vọng gì ở thị trường mới này?
So với thị trường Trung Quốc, thì thị trường Úc có yêu cầu cao hơn về quy định kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm và giá bán cũng cao hơn. Tuy nhiên, với dân số với khoảng 24 triệu người, với thu nhập bình quân đầu người cao thì Úc là một thị trường rất triển vọng. Theo thông tin chúng tôi biết thì giá vải bán tại thị trường Úc vào khoảng 6-12 Đô la Úc /kg tuỳ theo giống, chất lượng, thời điểm và có xu hướng tăng lên liên tục trong 5 năm qua.
Tính đến thời điểm hiện tại đã có những nước nào nhập khẩu vải của nước ta? và có bao nhiêu doanh nghiệp chủ động đăng ký xuất khẩu sang thị trường Úc, thưa ông?
Hiện nay, quả vài tươi của Việt Nam đã được xuất khẩu sang Trung Quốc, các nước EU, các nước Đông Âu, vùng vịnh và một số nước ASEAN (Lào, Campuchia, Singapore) và mới đây là Mỹ và Úc.
Có rất nhiều doanh nghiệp đã xuất khẩu vải sang Trung Quốc và EU, ASEAN. Còn các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu vải đi Mỹ và Úc hiện có số lượng khá khiêm tốn (khoảng 5-7 doanh nghiệp) do đây là vụ vải đầu tiên xuất khẩu đi hai thị trường này.
Để đủ điều kiện xuất khẩu, vải thiều phải trải qua những quy trình kiểm tra nào? Tiêu chuẩn ra sao?
Để đủ điều kiện xuất khẩu đi Úc, quả vải tươi của chúng ta phải đáp ứng quy định chặt chẽ về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Úc.
Đó là vải phải được sản xuất theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, cấp mã số vùng trồng, đóng gói và chiếu xạ tại cơ sở được kiểm tra và công nhận đáp ứng quy định của Úc. Đồng thời các lô vải tươi xuất đi Úc phải được cơ quan kiểm dịch thực vật thuộc Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.
Ông Hoàng Trung, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh internet |
Ông nghĩ sao khi vải Lục Ngạn đã được Hoa Kỳ chấp thuận từ cuối 2014 nhưng sang mùa vụ 2015 mới chỉ có trên 10ha vải thiều tỉnh này “có chủ”. Theo ông thì trái vải gặp phải những vướng mắc, khó khăn gì khi xuất khẩu?
Khi xuất khẩu vào thị trường nào sẽ phải đáp ứng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của thị trường đó. Các thị trường cao cấp có giá bán cao nhưng cũng có yêu cầu cao về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.
Trong khi quả vải tươi của Việt Nam chủ yếu là xuất khẩu sang Trung Quốc giá bán không cao nhưng cũng không yêu cầu về cao về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm cũng không khắt khe.
Do vậy khó khăn vướng mắc đầu tiên khi xuất khẩu vải sang các thị trường cao cấp là tổ chức sản xuất, đóng gói, xử lý về kiểm dịch thực vật để đáp ứng yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu.
Vấn đề tiếp theo là bảo quản sản phẩm sau thu hoạch làm sao để quả vải của chúng ta vẫn giữ được màu sắc đẹp, chất lượng tươi ngon sau khi vận chuyển đi sang các thị trường ở rất xa chúng ta như Mỹ, Úc…
Tiếp đó là người tiêu dùng tại các thị trường mới thường chưa quen ăn vải, chưa biết nhiều về vải của Việt Nam, do vậy cách thực tiếp thị, tổ chức phân phối, quảng bá thế nào cho hiệu quả để vải chúng ta có thể xuất khẩu được nhiều.
Vấn đề cuối cùng là giá thành: do chúng ta vận chuyển đến các thị trường cao cấp bằng đường hàng không nên giá cao. Do vậy, làm sao hạ được giá vận chuyển cũng là một khó khăn cần tính đến và giải quyết khi xuất khẩu quả vải tươi.
Vậy theo ông, để thành công tại thị trường mới, chúng ta cần có những giải pháp cụ thể nào?
Theo tôi, để thành công tại các thị trường mới chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ tổ chức sản xuất, giải pháp về công nghệ bảo quản, xử lý sau thu hoạch, giải pháp quảng bá, tiếp thị để đưa sản phẩm đến người tiêu dung. Trong đó giải pháp về công nghệ bảo quản, xử lý sau thu hoạch và quảng bá, tiếp thị theo tôi cần phải được chú trọng nhiều hơn trong giai đoạn hiện nay.
Chỉ còn không đầy 1 tháng nữa sẽ bước vào vụ thu hoạch vải, để tránh kịch bản dư thừa, ế vải, Cục BVTV đã có những triển khai gì để giúp trái vải xuất ngoại?
Về vấn đề này, Cục đã phối hợp với các cơ quan hữu quan để chuẩn bị các công việc cần thiết nhằm thúc đẩy xuất khẩu quả vải. Về phần mình, Cục BVTV đã có văn bản hướng dẫn gửi các địa phương, doanh nghiệp về vấn đề này và trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu vải để hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp có thể xuất khẩu vải ngay khi vải thu hoạch.
Cục đã chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu tạo điều kiện thuận lợi nhất, bố trí đủ cán bộ làm việc cả ngày lễ, ngoài giờ để làm thủ tục kiểm dịch thực vật cho vải xuất khẩu.
Xin cảm ơn ông!