Xuất khẩu thịt lợn tăng rất mạnh
Tại hội nghị Hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 7/6, ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y cho biết, hiện chúng ta đang xuất khẩu chính ngạch thịt lợn sữa và thịt lợn choai đông lạnh sang Hồng Kông, Malaysia.
Ảnh minh họa |
Cả nước có 6 cơ sở giết mổ lợn xuất khẩu sang Hồng Kông và 2 cơ sở giết mổ xuất khẩu sang Malaysia.
Năm 2016, sản lượng thịt lợn xuất khẩu đạt khoảng 11 nghìn tấn (trị giá khoảng 100 triệu USD). Riêng trong 5 tháng đầu năm 2017 đạt khoảng 10,6 nghìn tấn (trị giá khoảng 46 triệu USD).
“Trong nhiều năm qua sản phẩm thịt lợn sữa, thịt lợn choai của Việt Nam luôn bảo đảm về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, không có lô hàng nào xuất khẩu sang các nước bị trả về và đã tạo được uy tín trên thị trường”, ông Đông cho hay.
Trong khi đó thịt gà mới chỉ sản xuất và tiêu thụ ở trong nước, chưa có sản phẩm thịt xuất khẩu.
Hiện nay, mới có hai công ty đăng ký xuất khẩu sản phẩm thịt gà đã qua chế biến nhiệt sang Nhật Bản (Công ty TNHH Koyu & Unitek đăng ký năm 2016 và Công ty TNHH CP Việt Nam đăng ký vào cuối tháng 5/2017)
Về sản phẩm trứng, có 5 cơ sở đã và đang xuất khẩu (trứng vịt muối, trứng vịt bắc thảo, trứng chim cút đóng hộp) sang một số thị trường (như Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản).
Theo Cục trưởng Cục Thú y, sở dĩ xuất khẩu thịt lợn vẫn còn hạn chế do nhiều tồn tại, bất cập trong chăn nuôi, giết mổ lợn và xuất khẩu.
Cụ thể, vẫn còn rất nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ đan xen với cơ sở chăn nuôi tập trung, chưa hình thành được các vành đai an toàn dịch bệnh (theo quy định cần có bán kính 01 km mới bảo đảm yêu cầu).
Chưa hình thành được các chuỗi sản xuất thịt lợn có kiểm soát theo hình thức khép kín đến sản phẩm xuất khẩu, an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm.
Giá thành chăn nuôi lợn còn cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Tháng 2/2015, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt đề án thí điểm xây dựng vùng an toàn dịch bệnh lợn tại Thái Bình, Nam Định. Tuy nhiên, các địa phương không có kinh phí để xây dựng.
Ngoài ra, một số mầm bệnh nguy hiểm lở mồm long móng, dịch tả lợn... còn lưu hành nhiều trong đàn vật nuôi và môi trường, nhất là ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Do vậy, dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào ở các hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ và ảnh hưởng đến việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh và xuất khẩu.
“Năm 2014, đoàn thanh tra của Liên bang Nga sang đánh giá hệ thống kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm với 8 cơ sở giết mổ lợn và trang trại chăn nuôi của ta tại Hà Nội, Hòa Bình, Nam Định, Thái Bình, Đồng Nai…để xuất khẩu thịt lợn sang thị trường này nhưng đoàn thanh tra đánh giá 8 cơ sở đều không đạt. Ví dụ có nhà máy xây dựng quá lâu, trước 1995, xuống cấp, các nhà máy khác cũng tương tự. Cục thú y đã hướng dẫn doanh nghiệp khắc phục nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa làm nên chưa thể xuất khẩu lợn sang thị trường Liên bang Nga”, ông Đông cho hay.
Ông Nguyễn Đức Hoàng - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thắng Lợi khẳng định, chúng ta có thị trường xuất khẩu vì có nhiều đối tác từ Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc…. đặt hàng nhập khẩu thịt lợn sữa.
Tuy nhiên, không thể xuất khẩu vì vấn đề mấu chốt, điều kiện tiên quyết để mở thị trường là an toàn thực phẩm.
“Để xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi còn tùy theo yêu cầu, điều kiện của từng nước. Mọi xúc tiến thương mại đều là vô nghĩa nếu cơ quan thú y hai nước không thông thương. Bài học xương máu là hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu sang Singapore nhưng cơ quan thú y nước này trả lời ngắn gọn là không xem xét hồ sơ của Việt Nam vì Việt Nam có dịch lở mồm long móng", ông Hoàng nói.
Ông kiến nghị phải xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, nhà nước phải làm chứ doanh nghiệp không đủ sức đầu tư. Trước tình hình giá lợn giảm sâu như thời gian qua, doanh nghiệp đang rất khó khăn, lợn sữa trước đây bán 8 USD/kg nhưng nay chỉ 3 USD/kg, thậm chí giá chỉ 2 USD/kg cũng phải xuất khẩu.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, các sản phẩm chăn nuôi của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu, rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, người chăn nuôi, các doanh nghiệp đang đói thông tin về thị trường cho nên có tình trạng chúng ta không nắm được thị trường đang cần gì. Trong chuỗi sản xuất, khâu trung gian ở giữa “ăn khá dày” chưa có biện pháp gì để giải quyết.
Để có thể xuất khẩu được, theo Thứ trưởng trước hết phải đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi, không nên quá tập trung vào sản phẩm có khả năng, dung lượng lớn sẽ dẫn đến cung vượt cầu.
Đối với sản phẩm chăn nuôi hiện nay vẫn có dịch nhỏ lẻ, không nên lao vào xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi tươi sống mà nên xuất sản phẩm đã chế biến.
Các doanh nghiệp phải có đầu tư đồng bộ, có kho lạnh trữ hàng, có dây chuyền sản xuất hiện đại đạt chuẩn quốc tế. Đồng thời phải đảm bảo an toàn dịch bệnh, có các vùng sản xuất an toàn dịch bệnh bởi các nước nhập khẩu có yêu cầu rất khắt khe.
Bộ NN&PTNT giao cục Thú y củng cố, phát huy tổ công tác sát cánh cùng doanh nghiệp, đàm phán với thú y các nước để mở thị trường, đáp ứng yêu cầu an toàn dịch bệnh.