Xuất khẩu gỗ sang Anh lo lắng hậu Brexit
Trong khối EU, Anh là nhà nhập khẩu lớn nhất các sản phẩm gỗ của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu hàng năm chiếm khoảng 35% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2015 kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam sang Anh đạt 269,9 triệu USD, bằng 35,4% so với kim ngạch 491,7 triệu USD xuất khẩu sản phẩm gỗ vào EU.
Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Tổng thư ký Hiệp hội gỗ Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam năm 2015 đạt gần 7 tỷ USD, trong đó chúng ta xuất khẩu vào EU đạt kim ngạch khoảng 900 triệu USD (14%), và xuất khẩu vào Anh khoảng 280 triệu USD (4%).
Sự kiện Brexit gây mất giá đồng Bảng Anh, về mặt lý thuyết sẽ tác động tiêu cực đến giá xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam. Tuy nhiên, theo TS. Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách của Tổ chức Forest Trend, đến nay chưa ai có thể đưa ra dự đoán chính xác về mức độ suy thoái kinh tế của nước Anh trong thời gian tới, do vậy chưa thể đánh giá được sự sụt giảm trong việc nhập khẩu các sản phẩm gỗ từ Việt Nam vào Anh.
Hiện tại, Việt Nam và EU đang đàm phán FLEGT VPA (Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Lâm luật, Quản trị và Thương mại lâm sản). Vấn đề đặt ra là Brexit liệu có ảnh hưởng đến quá trình đàm phán hay không? Theo ông Tô Xuân Phúc, nước Anh cần ít nhất 2 năm để thực hiện đàm phán với EU về các bước để rời khỏi EU, các quy định và chính sách của EU sẽ không có bất kỳ thay đổi nào. Trong cuộc họp báo công bố kết quả đàm phán giữa Việt Nam và EU hồi tháng 4 vừa qua, hai bên đã cam kết thống nhất về lộ trình ký kết VPA dự kiến vào cuối năm 2016. Như vậy, việc Anh rời khỏi EU hoàn toàn không có ảnh hưởng đến kết quả đàm phán FLEGT VPA giữa Việt Nam và EU. Ngay cả trong trường hợp “dứt tình” hẳn với EU thì nước Anh vẫn là nước có vai trò tích cực trong đàm phán FLEGT VPA với nhiều quốc gia bởi họ là nước khởi xướng Hiệp định này.
“Hiện tại, có rất nhiều điều chưa rõ ràng và chưa chắc chắn về việc Anh sẽ rời EU như thế nào, do vậy chưa thể có đánh giá tương đối về các tác động của việc này đối với chính sách của Anh nói riêng và mối quan hệ thương mại giữa Anh và các nước EU, cũng như các nước khác nói chung. Các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam cần cập nhật thông tin và có những giải pháp ứng phó với các kịch bản thị trường khác nhau, bởi trong tương lai có thể có những thay đổi về thuế, tỷ giá, thủ tục và phí hải quan, cũng như các thay đổi quy định và tiêu chuẩn hiện đang được EU áp dụng,” ông Tô Xuân Phúc khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ.
Theo ông Vũ Hải Bằng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Woodsland, Brexit khiến người dân bị chi phối về mặt tâm lý nhiều hơn những thay đổi cụ thể, các doanh nghiệp Việt Nam có thể kiểm soát được và những thay đổi nằm trong sức chịu đựng của các doanh nghiệp Việt Nam, trừ khi Brexit gây ra một cuộc khủng hoảng về kinh tế.
Thông thường, người ta vẫn lo ngại về tác động tiêu cực từ Brexit, tuy nhiên ông Vũ Hải Bằng lại có cái nhìn tích cực hơn: “Ngoài các nước châu Á, tại EU cũng có những nước như Ba Lan, Rumani, Latvia…là những nước lớn về xuất khẩu đồ gỗ, khi giao lưu về thương mại giữa Anh và các nước này giảm sút đi, chưa biết chừng xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam sẽ có được lợi thế nào đó”.
Nhận định về tác động của Brexit đối với ngành xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam, bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cho rằng cần chờ đợi việc nước Anh rời khỏi EU theo cách trở thành một thể chế độc lập khỏi EU, hay theo cách vẫn giữ lại liên minh hải quan với EU. Với những cam kết FTA các quốc gia đã ký với EU, liệu Anh có tách ra hẳn với những cam kết FTA đó hay không, hay Anh sẽ tiến hành đàm phán một FTA mới.
“Anh là thị trường xuất khẩu nói chung lớn thứ 3 của Việt Nam trong khối EU. Tuy nhiên, Anh chỉ là thị trường chiếm kim ngạch 2,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nói chung của Việt Nam. Do vậy Brexit có vẻ sẽ không tác động lớn đến Việt Nam. Tuy nhiên, cho dù kịch bản xấu nhất có xảy ra là Anh tách hoàn toàn khỏi EU thì cũng nên nhớ rằng Anh luôn là nước ủng hộ thị trường tự do,” bà Dương Phương Thảo nói.