Xuất bản điện tử không tách rời khỏi Luật Xuất bản
Xuất bản điện tử không tách rời khỏi Luật Xuất bản
Ngày 3/8, tại Đà Nẵng, Bộ TT&TT đã tổ chức hội thảo "Quản lý hoạt động xuất bản điện tử" nhằm lấy ý kiến đóng góp cho Luật Xuất bản sửa đổi sẽ trình ra Quốc hội trong kỳ họp cuối năm 2012.
Hội thảo "Quản lý hoạt động xuất bản điện tử" do Bộ TT-TT tổ chức ngày 3/8 tại Đà Nẵng - Ảnh: HC |
Cần sớm có hành lang pháp lý rõ ràng
Ông Chu Văn Hoà, Cục trưởng Cục Xuất bản (XB), Bộ TT&TT cho hay, theo chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đây là lần thứ hai Bộ TT-TT tổ chức hội thảo về xuất bản điện tử (XBĐT) để giải quyết một số "điểm nóng" mà ở hội thảo lần đầu chưa giải quyết được, đặt biệt là những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội đã đặt ra tại kỳ họp thứ 3 vừa qua.
Ông Hoà cũng cho hay, tham dự hội thảo lần này chủ yếu là đại diện lãnh đạo một số nhà xuất bản (NXB), công ty phát hành sách lớn, công ty CNTT và truyền thông hàng đầu ở Việt Nam nhằm bàn những vấn đề lớn. Sau đó thu thập ý kiến các chuyên gia để xây dựng khung pháp lý để hỗ trợ phát triển, đồng thời quản lý được hoạt động XBĐT.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn, trong Luật XB năm 2004, XBĐT chỉ mới được đề cập bằng một quy định chung: ""Những sách được các NXB cấp phép thì được phép đưa lên mạng", còn quy định cụ thể thì do Chính phủ quy định. Cho nên Quốc hội mong muốn luật sửa đổi cần có những quy định cụ thể hơn đối với lĩnh vực này. "Chắc chắn trong việc sửa đổi Luật Xuất bản thì đây là điều cốt lõi, nếu không giải quyết được thì có lẽ chúng ta cũng không sửa đổi luật làm gì!", Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn nói.
Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát hành sách TP.HCM (Fahasa) Nguyễn Thị Loan nêu những con số đáng giật mình: Năm 2004, doanh số sách điện tử (e-book) trên thế giới đạt 646 triệu USD; 5 năm sau đạt 1,5 tỉ USD; đến năm 2010 đạt 1,8 tỉ USD. Dự tính năm 2013, doanh số e-book đạt 3,2 tỉ USD, chiếm hơn 40% thị phần sách; đến năm 2014 sẽ là 3,8 tỉ USD, chiếm khoảng 53%, tức hơn một nửa thị phần sách thế giới. Trong khi trước đó 10 năm, tức năm 2004, e-book chỉ mới chiếm 6,4% thị phần.
Theo thống kê của kênh bản lẻ trực tuyến Amazon tháng 7/2010, cứ 100 cuốn sách giấy bán ra thì có 143 cuốn e-book bán ra tương ứng. Số lượng e-book bán ra 33 tháng gần đây bằng 15 năm bán sách giấy. Bên cạnh đó, lượng thiết bị đọc e-book bán ra trên toàn cầu trong năm 2010 tăng 79,8% so với năm 2009. 5 tháng đầu năm 2012, e-book đã chiếm trên 50% so với sách giấy, đánh dấu sự đột phá của sách điện tử so với sách giấy truyền thống. Tại Việt Nam, tuy thị trường e-book còn rất nhỏ song đây cũng là một xu hướng tất yếu trong tương lai.
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở TT-TT Đà Nẵng Nguyễn Đăng Trường: "Bên cạnh những tiện ích của sách điện tử dành cho người dùng là những bất cập, khó khăn đang đặt ra cho người quản lý. Đó là vấn đề bản quyền, vấn đề xuất bản, kinh doanh trái phép, là phương thức thanh toán, thói quen của độc giả, đặc biệt là các khó khăn về phần mềm… Vì vậy cần sớm xây dựng một hành lang pháp lý rõ ràng, với những cơ chế chính sách thiết thực nhất để hoạt động XBĐT phát triển lành mạnh".
Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn phát biểu kết luận hội thảo - Ảnh: HC |
Không xây dựng luật riêng về xuất bản điện tử
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề về những đặc điểm và cơ chế hoạt động của phương thức XBĐT; những thách thức của phương thức XBĐT đối với ngành XB Việt Nam; các giải pháp về quản lý hoạt động XBĐT; những yêu cầu về pháp lý và công nghệ trong quá trình thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động XBĐT...
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn đã có những kết luận quan trọng. Trước hết là không tách XBĐT ra khỏi Luật XB. Không có một luật riêng về XBĐT mà XBĐT nằm trong Luật XB.
"XB của chúng ta có hai yếu tố. Một là công cụ tư tưởng văn hoá; hai là thông qua sản xuất kinh doanh để đưa đến người đọc. Hai yếu tố đó nếu tách biệt ra là không được. Cho nên phải đặt XBĐT trong tổng thể chung của Luật XB, tất cả được điều chỉnh bằng những điều khoản khác của Luật XB chứ không thể tách XBĐT thành một luật riêng", Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn nhấn mạnh.
Thứ hai là về phạm vi của XBĐT, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn lưu ý, nếu chỉ nói chung chung thì rất mênh mông. Báo chí điện tử cũng là XBĐT, kể cả các bài phát biểu đưa lên mạng cung cấp thông tin trên mạng... cũng đều là XBĐT. Nhưng XBĐT trong Luật XB sửa đổi phải được giới hạn là XB các XB phẩm (đã được định nghĩa rõ trong luật).
Vấn đề thứ ba là: Ai được làm XBĐT? Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn khẳng định, vẫn là các NXB, và do vậy tất cả quy trình vẫn giữ nguyên. Khi tác phẩm đã được NXB cấp phép thì mới phát hành lên mạng. "Ở đây chưa xuất hiện chủ thể thứ 2 ngoài NXB, vì luật chưa cho phép. Luật đã quy định NXB là của tổ chức Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức khác do Chính phủ quy định. Như vậy chưa có các doanh nghiệp, cá nhân... được phép làm XB. Đặt trong tổng thể như vậy thì chủ thể vẫn là NXB".
Về các vấn đề liên quan đến bản quyền, thanh kiểm tra..., theo Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn, nếu khâu đầu tiên là XB phải thông qua các NXB thì các khâu còn lại như đưa lên mạng thế nào, vấn đề bảo đảm tác quyền ra sao, khi có sai phạm xử lý thế nào... rõ ràng phải có quy trình khác với XB truyền thống. Điều này cần tiếp tục trao đổi, thảo luận một cách rất kỹ lưỡng từng vấn đề một để xây dựng luật đạt chất lượng.
HẢI CHÂU