Xử vụ chạy thận Hòa Bình: Bùi Mạnh Quốc bất ngờ thay đổi lời khai
Bị cáo Bùi Mạnh Quốc được đưa đến Tòa. |
Điều dưỡng viên tự đưa nước vào hệ thống?
Bùi Mạnh Quốc khẳng định không bơm nước vào bể thành phẩm của hệ thống RO số 2 sau sửa chữa, bảo dưỡng. Việc có nước vào tank là do điều dưỡng viên tự đưa vào hệ thống vận hành.
Trả lời câu hỏi của Viện Kiểm sát (VKS), Quốc cho biết việc thay đổi lời khai là nhờ điều dưỡng Lan và điều dưỡng Hồng đã khai tại tòa vào ngày 18/1 nên bị cáo nhớ ra.
Theo lời khai của Quốc, nếu chỉ chạy riêng bơm hệ thống tuần hoàn, bể nước đã đầy, đầu giờ sáng điều dưỡng viên chỉ cần ấn nút chạy tuần hoàn là có thể chạy được quy trình lọc thận.
Trong khi đó, hệ thống nước RO chạy tự động, khi nào nước trong bể cạn dưới mực phao do Quốc đặt, hệ thống RO mới chạy để cấp bù nước vào (ở đây có thể hiểu tương tự như phao điện được lắp trong các bồn nước ở các gia đình), chỉ khi cấp bù nước, chỉ số mới hiển thị lên đồng hồ.
“Đồng hồ chỉ chạy để đo chỉ số khi bơm cao áp được làm việc sản xuất ra nước RO. Hệ thống RO chạy trong khoảng 30 phút sẽ đầy và tự ngắt, sau đó sẽ tự bật lại”, Bùi Mạnh Quốc khai.
Quốc xác nhận lời khai trên là đúng sự thật và đây là lời khai cuối cùng của bị cáo. Qua lời khai của đại diện Công ty Thiên Sơn cũng đã thể hiện việc có 2 bảng báo giá được Công ty Trâm Anh gửi cho Thiên Sơn về việc sửa chữa hệ thống RO 2 ngày 28/5/2017, một báo giá 40 triệu đồng và một báo giá 49.500.000 đồng.
Quốc khẳng định trong bản báo giá của mình đã có nội dung xét nghiệm AAMI và đó là điều bắt buộc.
“Đã liên quan đến màng lọc RO thì bị cáo phải bắt buộc có xét nghiệm AAMI”, Bùi Mạnh Quốc nói.
Khi được hỏi về việc test hóa chất tồn dư như hôm trước đó các chuyên gia Bệnh viện (BV) Bạch Mai đã đề cập tại tòa, Quốc giải thích một cách chậm rãi, rành mạch: “Để test hóa chất, bác sỹ nói là quá trình tiệt trùng hệ thống, bây giờ mình phải phân biệt rõ hệ thống RO hay hệ thống đường tuần hoàn nước RO. Ở dưới BV Bạch Mai, bị cáo nhớ rằng sau một ca bên điều dưỡng cũng tiệt trùng đường ống tuần hoàn nước RO bằng javen, còn liên quan đến màng lọc là phải kiểm tra sinh hóa, đã động chạm đến thiết bị RO như thay vật tư lọc, thay màng RO thì bắt buộc bị cáo phải có xét nghiệm về sinh hóa, còn theo tiêu chuẩn nào là do nhà cung cấp yêu cầu bị cáo”.
“Từ trước đến nay có bao giờ bị cáo sửa chữa chỉ liên quan riêng đến nội dung tiệt trùng đường ống mà phải dùng riêng javen?”, VKS đặt câu hỏi.
Bùi Mạnh Quốc trả lời: “Dạ có. Giả sử muốn lấy nước để tiệt trùng endotoxin, trước hết phải tiệt trùng đường ống cấp nước RO lần 1, chính là đường ống tuần hoàn, vì đó là đường ống cung cấp nguồn nước chính vào hệ thống RO mini. Sau đó mới tiệt trùng hệ thống RO mini, rồi mới lấy được mẫu nước để đem đi xét nghiệm endotoxin cho máy RO mini. Còn việc tiệt trùng đường ống RO số 1, bản thân bị cáo cũng hướng dẫn cho tất cả các điều dưỡng viên của BVĐK tỉnh Hòa Bình”.
Bị cáo khẳng định những lần sửa chữa không liên quan đến RO vẫn cần xét nghiệm nội độc tố, muốn kiểm tra endotoxin phải tiệt trùng cả đường ống cấp nước. Bản thân bị cáo đã từng hai lần phải làm lại sau khi kiểm tra endotoxin không đạt yêu cầu, cụ thể là hệ thống RO mini không chạy khi nguồn nước không an toàn.
Bùi Mạnh Quốc vẽ lại sơ đồ hệ thống RO tại BVĐK tỉnh Hòa Bình ngay tại Tòa. |
Hai hệ thống RO số 1 và RO số 2 được chính Bùi Mạnh Quốc nâng cấp, sửa chữa năm 2015 nên Quốc nắm rất rõ cấu tạo. Trên sơ đồ hệ thống này có hai tank chứa nước kết nối từ trước. Trước đây hai tank này thông liền nhau, sau đó bị cáo lắp thêm 01 van ngang giữa hai tank sau khi có sự cố tràn bể do hỏng phao ở một trong hai bình.
“Về sau bị cáo cũng nói với phòng vật tư về việc lắp thêm van này là để ngăn ngừa trường hợp chẳng may một trong hai phao điện bị hỏng, tránh trường hợp tràn bể. Nếu sử dụng một trong hai tank nước đó để rửa quả lọc hoặc chạy thận nhân tạo thì chỉ cần mở cái van đấy và đóng hai van đầu cấp máy bơm. Hai van đầu cấp máy bơm luôn được đóng, chỉ khi nào sử dụng để đổi vị trí bơm tuần hoàn rút ở tank RO số 2 thì mới cần phải mở”.
Bị cáo Quốc khẳng định với cách bố trí như vậy, hoàn toàn có thể sử dụng hệ thống RO số 1 thay thế cho hệ thống RO số 2 trong việc lọc máu. Nếu giả sử hệ thống RO số 2 hỏng và không sản xuất ra nước RO, chỉ cần mở van thông đáy và 01 van khóa cấp của bơm tuần hoàn là sẽ thông sang tank số 2.
Cũng trong ngày 19/1, cựu Giám đốc bệnh viện Trương Quý Dương khẳng định, nguyên tắc của bệnh viện mà bác sỹ, lãnh đạo khoa nào cũng phải biết là luôn cần phải có phương án phụ. “Đây là hiểu biết đương nhiên chứ không ai phải đi dạy việc đó”, ông Trương Quý Dương nói.
Theo lời bị cáo Quốc, việc sử dụng nước cho chạy thận được lấy từ đáy tank 2, chứ không phải lấy từ hệ thống RO, hệ thống RO chỉ có nhiệm vụ cấp bù nước khi cần thiết. Do đó, chỉ cần thông van đáy sẽ có nước để cấp cho máy chạy thận theo sơ đồ và theo hiểu biết của bị cáo.
Quốc khai trong nhiều lần tham gia sửa chữa, bị cáo từng hướng dẫn cho điều dưỡng về quá trình tiệt trùng đường ống tuần hoàn. Còn về việc chuyển bơm, chuyển bình, bị cáo đã hướng dẫn cho phòng Vật tư, trong đó có bị cáo Trần Văn Sơn.
Không nhớ ký niêm phong khi nào
Tại phiên tòa, Trần Văn Sơn khai việc lấy mẫu nước cùng với điều dưỡng viên Nguyễn Thị Hằng vào sáng 29/5/2017. Sau khi lấy nước, Sơn cho vào một chiếc thùng nhưng không nhớ đó là thùng carton hay thùng xốp. Thùng này được dán kín sau khi lấy nước, nhưng Quốc không nhớ có ký niêm phong ngay tại thời điểm đó hay không. Sau đó, chiếc thùng này được lưu tại phòng Hành chính, đến tối cùng ngày cơ quan điều tra đến bệnh viện thu giữ chiếc thùng này trong tình trạng nguyên vẹn.
Bùi Mạnh Quốc bất ngờ "phản cung" tại phiên xử chiều 19/1/2019. |
Trả lời VKS, bị cáo Hoàng Đình Khiếu – nguyên Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực nói: trong 5 quy trình do BV Bạch Mai chuyển giao theo Đề án 1816, có 1 quy trình về xử lý nước. Tuy nhiên, trong hợp đồng là như thế nhưng thực tế chỉ là “cầm tay chỉ việc”, bản thân bị cáo cũng chưa rõ quy trình ấy như thế nào. Quy trình này được chuyển giao trực tiếp cho các bác sỹ và điều dưỡng tại Đơn nguyên Thận nhân tạo và khoa Hồi sức tích cực, chỉ có phạm vi sử dụng trong khoa Hồi sức tích cực, trong đó có Đơn nguyên Thận nhân tạo.
Trả lời HĐXX về lý do không lấy mẫu nước đi xét nghiệm vào sáng 29/5/2017, Quốc khai khi đến bệnh viện thì hệ thống đã được bật để chạy thận cho bệnh nhân, nếu lấy mẫu sẽ tạo áp lực của hệ thống bơm vào máy chạy thận bị tụt áp, dẫn đến sự cố.
Giải thích cho lời khai trước đó, bị cáo khai có hai vị trí lấy mẫu nước. Quốc nói: “Trên hệ thống có một vị trí lấy mẫu nước, và một vị trí thuộc hệ thống RO trên đường ống của hệ thống tuần hoàn. Hai điểm lấy mẫu nước này có sự khác nhau về chất lượng nước, khi lấy mẫu nước chỉ cần lấy ở 1 điểm”
“Bị cáo khai không lấy mẫu nước vì nếu lấy mẫu sẽ bị tụt áp, điều này có hợp lý không? Vậy nếu không lấy ở vị trí sau tank thì tại sao không lấy ở hệ thống RO?”, HĐXX hỏi.
Bùi Mạnh Quốc khai: “Đúng ra bị cáo có thể lấy được từ trước nếu có đầy đủ người của bên phòng Vật tư. Khi đó không có Trẩn Văn Sơn ở đó nên bị cáo ra ngoài gọi điện bảo Sơn lấy công cụ để đựng mẫu nước, khi chuẩn bị lấy thì xảy ra sự cố”.
“Bị cáo khai rằng điều dưỡng Hằng bảo để đến trưa mới lấy mẫu nước, bị cáo giải thích sao về lời khai này?”
“Bị cáo gặp chị Hằng và bảo chị Hằng tại sao không để máy, ý của bị cáo là để máy RO, nhưng đến bây giờ chị Hằng vẫn hiểu là để máy để chạy hệ thống RO mini nhằm kiểm tra endotoxin. Bản thân bị cáo nói như thế ý là để kiểm tra sinh hóa mẫu nước RO, AAMI. Chị Hằng bảo “để đến trưa có được không em?”.
Để lấy nước RO, có hai hệ thống RO số 1 và RO số 2, khi đó Quốc không hỏi điều dưỡng Hằng về việc đang chạy hệ thống nào, và không cảnh báo các điều dưỡng về việc không được sử dụng hệ thống RO 2 khi chưa lấy mẫu nước xét nghiệm.
“Bị cáo luôn khẳng định bị cáo có lỗi đến đâu xin chịu trách nhiệm đến đấy, đấy là lỗi tắc trách của bị cáo vì đã không ngăn cản kịp thời”, Bùi Mạnh Quốc khẳng định nhiều lần tại tòa.