Xử lý các ngân hàng yếu quá chậm
Xử lý các ngân hàng yếu quá chậm
Sáng 23/5, WB đã công bố công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương, trong đó có đề cập tới Việt Nam mang tên “Nắm bắt các nguồn tăng trưởng mới”.
Hệ lụy suy giảm tín dụng
Báo cáo của WB đánh giá, trong khi nền kinh tế bắt đầu đi vào ổn định, việc thắt chặt đáng kể các chính sách kinh tế vĩ mô, cộng với thực trạng môi trường kinh tế toàn cầu không chắc chắn đã gây ra những ảnh hưởng nhất định trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Thực tế tăng trưởng GDP giảm, nhu cầu trong nước chững lại đã làm nản lòng giới đầu tư, nhất là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, bất động sản, tiêu dùng tư nhân... Cộng với giá lương thực sụt giảm mạnh, lạm phát của Việt Nam đã giảm trong 4 tháng đầu năm 2012, từ mức đỉnh 23% vào tháng 8/2011.
Tín dụng suy giảm mạnh gây nên những hệ lụy cho nền kinh tế |
Đặc biệt, tăng trưởng tín dụng âm đang gây nên những mối quan ngại ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tính đến cuối tháng 4/2012, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống giảm 0,66% so với cuối năm 2011. Chứng tỏ, dòng vốn đang bị "tắc nghẽn" trong hệ thống NH, trong khi các DN lại đang chật vật để tiếp cận với các khoản vay, nhằm khôi phục và duy trì sản xuất.
Bà Victoria Kwakwa – Giám đốc WB tại Việt Nam nhìn nhận, rõ ràng tăng trưởng tín dụng âm là hệ quả của việc quá thắt chặt chính sách tiền tệ. Với những chỉ số tăng trưởng quá thấp, chắc chắn mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà NHNN đặt ra cho cả hệ thống tài chính năm 2012 là 15-17% khó đạt được.
Điểm mặt những nguyên nhân dẫn tới tăng trưởng tín dụng âm, Giám đốc WB tại Việt Nam nêu lên 3 nguyên nhân chính.
Trước tiên, các NH hiện đang "phân biệt đối xử" mạnh tay hơn đối với những DN yếu kém, bởi lo sợ về khả năng gia tăng nợ xấu. Việc các NH sàng lọc kỹ hơn khách hàng trước khi quyết định cho vay, theo bà Kwakwa là hoàn toàn bình thường. Bởi lẽ, theo thống kê tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống liên tục gia tăng, hiện ở mức 3,6%, nhưng nếu xét theo chuẩn quốc tế con số này còn cao hơn rất nhiều.
Thứ 2, do ứ đọng hàng tồn kho lớn, sức mua người dân giảm nên nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất của các DN đã giảm nhiệt đáng kể. Cuối cùng, lãi suất vẫn quá cao so với sức chịu đựng của hầu hết các DN hiện nay.
Đẩy nhanh tái cơ cấu NH
Dù bức tranh về tổng cầu tiêu dùng tại Việt Nam không mấy sáng sủa, lạm phát đang thấp kỷ lục trong vòng 21 tháng qua, nhưng ông Depark Mistra – chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam lại không đồng tình với quan điểm Việt Nam đang rơi vào thời kỳ giảm phát. Theo ông Depark, hiện giờ không thể dám chắc lạm phát năm nay của Việt Nam sẽ là bao nhiêu. Có thể là 10% như kỳ vọng hoặc cao hơn.
Một loạt những yếu tố tăng giá trong vài tháng tới có thể đẩy lạm phát tăng cao trở lại: giá một số mặt hàng thiết yếu (điện, nước, gas...) đang nhăm nhe tăng giá; học phí cũng sẽ tăng từ tháng 9 tới... "8 tháng qua lạm phát ở Việt Nam suy giảm và có thời điểm rơi xuống mức rất thấp, như tháng 4 chỉ tăng 0,16%, nhưng đây không phải dấu hiệu dẫn tới tình trạng giảm phát" – ông Depark thẳng thắn.
Báo cáo của WB cũng nhận định, những vấn đề chưa được giải quyết trong lĩnh vực NH vẫn là mối quan tâm cho Việt Nam trong những năm tới.
Đầu tháng 3/2012, Chính phủ đã ban hành Quyết định 254 về tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng trong giai đoạn 2011-2015, trong đó đặt ra một số lựa chọn trong chuyển dịch cơ cấu, bao gồm cả việc cho phép NHNN trực tiếp mua cổ phần của các NH yếu kém; tăng giới hạn quyền sở hữu đối với các NH nước ngoài trong các tổ chức tín dụng trong nước; khuyến khích các NH mạnh mua lại tài sản có chất lượng tốt và mua lại các khoản vay từ các NH yếu kém và cho phép các NH bán các khoản nợ khó đòi cho Công ty kinh doanh nợ và tài sản.
Tuy nhiên, dường như quá trình này đang diễn ra quá chậm chạp so với mục tiêu ban đầu mà Thống đốc NHNN dự kiến, hết quý I sẽ giải quyết dứt điểm các NH yếu kém.
Ông Depark Mistra khuyến nghị, NHNN cần đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại số NH yếu. Đây được xem là thách thức ngắn hạn về mặt chính sách của Việt Nam là duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô và khôi phục lại niềm tin cho các nhà đầu tư.
Về dự báo tăng trưởng kinh tế, WB vẫn giữ mức dự báo mức tăng GDP Việt Nam trong năm nay là 5,7% và lạm phát dưới 10%.
Trường Giang