“Xóm nước đen” bên bờ kênh Đôi - Tẻ
Những “túp lều” lụp xụp, cũ nát dọc hai bên bờ Kênh Tẻ, kênh Đôi thuộc Quận 4, 7, 8 – TP Hồ Chí Minh |
Những túp lều tạm bợ được dựng lên tập trung bên mép bờ sông theo dọc trục đường Phạm Thế Hiển (Q.8), Trần Xuân Soạn (Q.7), Lưu Hữu Phước (Q.4)…nằm thấp thỏm giữa những tòa nhà cao ốc hiện đại.
Trong những túp lều lụp xụp là mái ấm của những con người lam lũ. Đời cha đến đời con cứ chen chúc nhau sinh hoạt trong một không gian chưa đầy 12 m2. Họ đều là những người lao động chân tay, thu nhập bấp bênh từ nghề phụ hồ, bán vé số, bốc vác…
Chúng tôi ghé thăm “túp lều” của gia đình ông Năm nằm sát mép bờ sông Kênh Đôi (Q.8) - cũng như bất cứ những túp lều khác, với mái tôn xiêu vẹo, tấm vách lều cũ kĩ, nguồn nước đen ngòm, mùi hôi thối không ngừng bốc lên từ bờ kênh phía dưới - trong cái giọng khàn khàn của cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông Năm cho biết :“Tui và các con sống ở đây cũng được hai mấy năm rồi. Nó tuy chật chội và thiếu đủ thứ nhưng cũng may nhờ có nó làm chỗ “chui vô chui ra”. Mình nghèo, đâu giám ước mơ chi nhiều”.
Hầu hết các nhà đều được lắp ghép, chắp vá bằng những vật liệu tổng hợp như gỗ, tôn cũ. Họ dùng các thanh xà gồ cắm chặt dưới mép bờ sông, bắc ngang, bắc dọc để làm sàn nhà. Qua bao năm tháng, những mảnh tôn cũ kỹ giờ đã rỉ sét, xuống cấp nghiêm trọng.
Những túp lều này, không gian chính là nơi đặt chiếc giường để nghỉ ngơi, xung quanh bức tường bằng tôn treo đủ thứ các vật dụng trong nhà. Bếp và khu vệ sinh chỉ ngăn một miếng tôn cũ kỹ. Nhà vệ sinh của những túp lều này cũng rất đặc biệt, bởi họ chỉ cần khoét một cái lỗ nhỏ là có thể phóng uế xuống kênh một cách tự nhiên.
Những “túp lều” hầu hết được dựng lên bên mé kênh, che chắn bằng những vật liệu tổng hợp như tôn cũ, bao bì, ni lông… |
Chị Nguyễn Thị Sáu ( ngụ tại Q.8) cho biết: Trước đây ông bà lên đây làm ăn và về ở mé sông Đôi này. Khi ông bà mất để lại cho hai chị em ngôi nhà này. Nói là ngôi nhà nhưng nó rộng dài 5m x 2,5 m. Không gian hẹp nhưng nó là nơi sinh hoạt, ngủ nghỉ của 4 người gia đình chị Sáu cùng hai cô em ruột. Khi hỏi sinh hoạt đông người trong không gian chật hẹp và tạm bợ, có bất tiện không??? Chị Sáu cười hiền: “Sống riết thành quen nhưng nhiều khi cũng phiền phức lắm”.
Những hộ dân sống trong những túp lều tạm ở đây, hằng ngày không chỉ sống trong môi trường ô nhiễm, mà còn thiếu ánh sáng, thiếu nước sạch sinh hoạt và ngập úng mỗi lần triều cường lên.
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, phần lớn trong số hơn 20.000 căn nhà này tập trung tại quận 4, 7, 8, và Bình Thạnh… với hàng chục ngàn hộ dân nhiều năm qua sinh sống trong cảnh xập xệ, không đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường bị ô nhiễm trầm trọng.
Các thế hệ cứ chen chúc sinh hoạt, nghỉ ngơi trong một không gian chưa đầy 12 m2 |
Ở đây, hằng ngày họ không chỉ đối mặt với môi trường ô nhiễm mà còn thiếu ánh sáng, nước sinh hoạt |
Không gian chật chội, họ phải tận dụng tất cả mọi nơi mà bày trí vật trong nhà |
Theo Phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa, nhà tạm bợ nằm trên và ven kênh rạch là “một tồn tại của lịch sử phát triển đô thị trên địa bàn TP mấy chục năm qua”. Để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, TP tập trung nguồn lực chỉnh trang. |