Xoài rớt giá mạnh, người Hà Nội vẫn phải mua giá đắt đỏ
Hiện nay, tại nhiều tỉnh như Đồng Tháp, Cần Thơ, Khánh Hòa, Đắk Lắk… đang bước vào vụ thu hoạch xoài nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến xoài không tiêu thụ được. Giá xoài tại nhà vườn rớt thảm, chỉ còn khoảng 5.000 đồng/kg đối với xoài Cát Chu, 15.000-20.000 đồng/kg đối với xoài Úc, xoài cát Hòa Lộc, còn xoài Đài Loan 8.000 đồng/kg.
Xuất hiện nhiều lời kêu gọi "giải cứu" xoài trên mạng xã hội |
Trong khi mọi năm giá xoài cát Hòa Lộc, xoài Úc được thu mua với giá 40.000-60.000 đồng/kg và được thương lái đến tận nơi thu mua, đặt cọc. Mặc dù giá xuống đáy nhưng bà con vẫn phải bán vì xoài đã đến vụ thu hoạch, không thể để được.
Tại hệ thống các siêu thị ở Hà Nội, giá xoài cũng đang được khuyến mại, giảm giá. Chẳng hạn tại Co.op Food, xoài keo vàng giá 33.000 đồng/kg, xoài keo 18.000 đồng/kg (giá gốc 39.000 đồng/kg), xoài giống Úc giá 49.500 đồng/kg, xoài Cát Chu 25.000 đồng/kg.
Tại Vinmart, giá xoài cát Hòa Lộc là 48.000 đồng/kg, xoài Cát Chu 35.000 đồng/kg, xoài Tứ Quý đang được giảm giá 50% từ 68.000 đồng/kg còn 34.000 đồng/kg…
Siêu thị giảm giá xoài |
Tuy nhiên, tại một số cửa hàng thực phẩm vẫn có giá khá cao. Chẳng hạn tại Sói Biển, xoài Cát Chu Cao Lãnh giá 79.000 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc giá 89.000 đồng/kg, mức giá này đã được giảm so với giá niêm yết trước đó là 129.000 đồng/kg. Theo nhân viên cửa hàng, do ảnh hưởng của dịch nên việc vận chuyển hàng hóa ra Hà Nội mất nhiều thời gian và khó khăn, hiện tại xoài cát Hòa Lộc đang hết hàng và cũng chưa biết mấy ngày nữa mới có.
Tương tự tại một cửa hàng hoa quả trên phố Phan Châu Trinh (Hà Nội), xoài cát Hòa Lộc còn được niêm yết với giá 260.000 đồng/kg. Theo cửa hàng thì đây là hàng loại 1, đạt chuẩn xuất khẩu, yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt, song mặt hàng này cũng tạm thời hết hàng.
Nếu muốn mua được xoài giá rẻ, người tiêu dùng chỉ có thể mua online, đặt hàng qua mạng. Cụ thể, trên các chợ online, chỉ khoảng 11.000 đồng/kg đối với xoài đốc nghệ, xoài keo 13.000 đồng/kg, xoài tứ quý 20.000 đồng/kg, xoài Úc 30.000 đồng/kg, xoài Cát Chu 23.000 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc 35.000 đồng/kg.
Theo chị Hòa (Lạc Long Quân, Hà Nội), tầm này năm ngoái xoài tứ quý không bao giờ có giá 20.000 đồng/kg nhưng năm nay giá rẻ một nửa, mà xoài lại chất lượng. Mặc dù rẻ nhưng do dịch, sức mua kém nên chị cũng không dám nhập nhiều.
Cũng đang bán hoa quả online, chị Châu ở Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, chưa bao giờ xoài Úc để xuất khẩu, quả to, thơm ngon mà lại sập giá như thế này, từ 60.000-80.000 đồng/kg nhưng nay chỉ còn 35.000 đồng/kg.
“Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xoài không xuất khẩu được nên người tiêu dùng mới có cơ hội được ăn xoài ngon với giá rẻ như thế này. Riêng xoài Úc này có nhiều người mua một lúc cả chục kg. Xoài có màu đẹp, ăn ngon ngọt, đặc biệt là hương thơm vô cùng quyến rũ”, chị Châu cho hay.
Theo thống kê của Sở Công Thương Đồng Tháp, toàn tỉnh hiện có 9.736 ha trồng xoài, bao gồm 2.045 ha xoài cát Hòa Lộc, 4.381 ha xoài cát chu và 3.310 ha xoài khác, với tổng sản lượng hơn 77.000 tấn.
Đến nay, nhà vườn đã thu hoạch hơn 37.000 tấn, còn khoảng 40.000 tấn chuẩn bị thu hoạch để hỗ trợ nông dân tiêu thụ xoài. Sở Công Thương và các ngành chức năng làm cầu nối cho hệ thống siêu thị Big C và Sài Gòn Co.op ký kết tiêu thụ với sản lượng khoảng 4 - 5 tấn/ngày. Tuy nhiên, nhu cầu các siêu thị chỉ bán lẻ, lúc này do ảnh hưởng dịch bệnh người dân thắt chặt chi tiêu nên không bán được nhiều như ngày thường.
Theo Bộ NN&PTNT, xoài có mặt ở 59/63 tỉnh thành trong cả nước với 46 giống xoài, trong đó các giống xoài được xuất khẩu là xoài cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu, xoài tượng da xanh, xoài keo… Xoài Việt Nam hiện được xuất khẩu sang 40 nước trên thế giới, trong đó có châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand... Tuy nhiên, sản lượng xoài xuất khẩu mới chỉ chiếm tỷ lệ chưa đến 10%, còn trên 90% là tiêu thụ nội địa.
Bộ Công Thương cho biết, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nên việc nhập khẩu các chủng loại quả thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, chôm chôm và măng cụt của Trung Quốc (8 loại quả xuất khẩu chính ngạch của Việt Nam sang Trung Quốc) bị gián đoạn trong mấy tháng đầu năm, giảm 17,1% về lượng và 19% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019, do người tiêu dùng bị hạn chế đi lại, các cửa hàng, nhà hàng bị đóng cửa, du lịch bị hạn chế, các liên kết vận chuyển bị gián đoạn.
Dự báo, xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ khả quan hơn trong những tháng tới. Tuy nhiên để đảm bảo lượng hàng trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nên chuyển hình thức tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch và xuất khẩu bằng đường sắt để tránh rủi ro thương mại.