Xét xử vụ chạy thận Hòa Bình: Luật sư "chất vấn" ông Hoàng Đình Khiếu
Trả lời câu hỏi của luật sư về việc ngày 25/5/2017 ký liền 3 văn bản liên quan đến việc sửa chữa hệ thống RO 2, ông Trương Quý Dương – cựu Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình – lý giải việc ký 3 văn bản gồm: Văn bản phê duyệt, văn bản lựa chọn nhà thầu, Hợp đồng 315 trong một ngày nhằm tiết kiệm thời gian. Trong khi đó, luật sư cho rằng các văn bản phải có trình tự thời gian và ký lần lượt có thời gian thực hiện.
Theo bà Vũ Thị Thực, nguyên Trưởng phòng Tài chính – Kế toán BVĐK tỉnh Hòa Bình, chính bà Thực là người trình Giám đốc ký Hợp đồng 315. Biên bản thương thảo và hợp đồng được nhân viên dưới quyền bà Thực thực hiện.
“Để soạn thảo biên bản hợp đồng phải tuần thủ quy trình đấu thầu, tôi trực tiếp nhận hồ sơ và tổ chức gói thầu sửa chữa RO số 2 từ bị cáo Trần Văn Sơn (nhân viên Phòng Vật tư) bao gồm giấy đề nghị sửa chữa hệ thống RO số 2, trong đó điều dưỡng viên và Trưởng khoa ký, biên bản làm việc đơn nguyên Thận nhân tạo với Phòng Vật tư và việc sửa chữa có 10 khoản, giá trị hợp đồng là hơn 99 triệu đồng”, bà Thực nói.
Luật sư tiếp tục hỏi bị cáo Hoàng Đình Khiếu – cựu Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình – về việc tại sao khi xảy ra sự cố chỉ chuyển 10/18 bệnh nhân sang Bệnh viện TP Hòa Bình. Bị cáo cho rằng, khi sự cố xảy ra, một số bệnh nhân bị tình trạng khó thở nên được chuyển sang hồi sức tích cực và được thở máy đặt ống.
7 bị cáo trong phiên tòa xét xử vụ chạy thận ở Hòa Bình. (Ảnh: TTXVN) |
“Lúc đó tôi biết việc BVĐK thành phố có 9 máy hoạt động, tôi đã chuyển 5 bệnh nhân ra trước, khi đó nếu chuyển bệnh nhân nặng sẽ dẫn đến tử vong. Việc di chuyển các bệnh nhân sang Bệnh viện thành phố Hòa Bình là được sự hỗ trợ từ bác sĩ tuyến trên”, ông Khiếu nói.
Cũng theo ông Hoàng Đình Khiếu, việc hỏng hóc thiết bị đều được báo cho Phòng Vật tư vì ở đó có kỹ thuật viên. Việc đơn nguyên không có kỹ sư thì Phòng Vật tư phải chịu trách nghiệm. Giống như thuốc hay sửa máy móc, đơn nguyên không tự sản xuất được, mà lĩnh các dịch lọc và vật tư tiêu hao từ Phòng Vật tư và Khoa Dược.
Với vai trò là Trưởng khoa Hồi sức tích cực, ông Khiếu cho rằng điều dưỡng viên Nguyễn Thu Hằng nhận thiết bị sau sửa chữa từ Trần Văn Sơn, nghĩa là phải đảm bảo chất lượng nước mới nhận về.
Khi được hỏi với vai trò Trưởng khoa Hồi sức tích cực, trước sự cố việc sửa chữa hệ thống RO, Khoa Hồi sức tích cực có phải lập kế hoạch chuyển các bệnh nhân sang các bệnh viện khác không? Bị cáo Khiếu khai không biết thời gian sửa chữa bao lâu, Phòng Vật tư không thông báo thời gian sửa chữa nên không có kết hoạch chuyển bệnh nhân sang các đơn vị khác.
Trong khi đó, theo bị cáo Bùi Mạnh Quốc, trước ngày 25/5/2017, Quốc đến bệnh viện gặp Sơn nhận bàn giao, nhưng ngày 28/5 bị cáo không bàn giao máy cho bị cáo Sơn.
Bị cáo Bùi Mạnh Quốc được luật sư yêu cầu vẽ lại sơ đồ hệ thống lọc RO của BVĐK tỉnh Hòa Bình ngay tại phiên tòa. |
Bị cáo Trần Văn Sơn thừa nhận chưa nhận bàn giao trang thiết bị hệ thống nước RO sau sửa chữa từ Quốc, mà chỉ thông báo với nhau qua điện thoại. Trong ngày 28/5 (ngày sửa chữa) cũng không có biên bản bàn giao.
“Biên bản này được ký ngày hôm sau khi xảy ra sự cố. Vì phải hoàn thiện nốt thủ tục theo chỉ đạo của Trưởng phòng, biên bản bàn giao cũng là hoàn thiện thủ tục”, Trần Văn Sơn khai.