Xe lưu động bán hàng bình ổn giá dịp Tết
Ngày 31/12, bà Võ Thị Hà Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương (Đà Nẵng) cho biết, UBND TP Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương cho phép Công ty TNHH Đắc Vinh tổ chức 13 điểm cố định và 02 xe lưu động bán thịt heo bình ổn giá để phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 với giá bán thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán từ 10-15%. Thời gian thực hiện từ ngày 25/1/2014 đến 30/01/2014 (nhằm ngày 25, 26, 27, 28, 29 và 30 tháng Chạp Âm lịch).
Tại Đà Nẵng sẽ có 13 điểm cố định và 2 xe lưu động bán thịt heo bình ổn giá cho người dân trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014 (Ảnh: HC)
Hàng hóa chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng đón Tết cổ truyền như bánh, mứt, kẹo, nước giải khát, đường kính, bột ngọt, mì ăn liền, đồ hộp các loại, quần áo may sẵn, giày, dép, mũ, đồ chơi trẻ em... Giá bán lẻ hàng hóa phục vụ đồng bào và công nhân các Khu công nghiệp thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán từ 5% - 7%.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp khác cũng chủ động đăng ký tham gia bán hàng bình ổn giá để phục vụ nhân dân vào dịp Tết. Trong đó, Chi nhánh Vissan tại Đà Nẵng tổ chức bán hàng tại 3 điểm gồm chợ Đống Đa, chợ Bắc Mỹ An và khu vực phía trước Siêu thị Bài Thơ (cũ) từ ngày 16/1 đến hết ngày 29/1/2014. Công ty TNHH Thái An tổ chức bán hàng thuỷ sản bình ổn giá tại 11 điểm từ ngày 25 đến 30/1/2014.
Ngoài ra, hơn 5.400 hộ kinh doanh tại 8 chợ lớn của Đà Nẵng là chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ Mới, chợ đầu mối nông sản Hòa Cường, chợ Siêu thị, chợ Hòa Khánh và chợ đầu mối thuỷ sản Thọ Quang cũng đã chuẩn bị lượng hàng hoá phục vụ Tết với tổng giá trị ước tính khoảng 150 tỷ đồng.
“Tổng giá trị hàng hóa của các thành phần kinh tế dự trữ, chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên Đán 2014 ước trên 600 tỉ đồng. Nhìn chung, lượng hàng hóa dự trữ của các doanh nghiệp và tại các chợ lớn trên địa bàn Đà Nẵng rất phong phú và đa dạng nhất là các mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm, rau củ quả, bánh kẹo…, sẵn sàng cung cấp và đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp lễ, Tết Giáp Ngọ 2014. Khi nhu cầu tiêu dùng tăng, doanh nghiệp sẽ điều động bổ sung và cam kết đảm bảo đủ nguồn hàng để phục vụ nhân dân” – bà Võ Thị Hà Phương cho hay.
Bà Võ Thị Hà Phương cũng cho biết, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết đã yêu cầu Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Đà Nẵng chỉ đạo các Đội QLTT phối hợp các ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hoá, nhất là lương thực và các mặt hàng thiết yếu trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Cụ thể là kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, vệ sinh ATTP tại các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ trên địa bàn TP; ngăn chặn và xử lý nghiêm các sản phẩm hàng lậu, hàng giả, hàng nhái nhãn mác thương hiệu, hàng kém chất lượng, các hành vi đầu cơ, găm hàng nâng giá bất hợp lý gây mất ổn định thị trường.
Chính quyền địa phương cũng được yêu cầu chủ động kiểm tra các chợ trên địa bàn quản lý. Theo đó, địa phương nào để xảy ra sự cố nghiêm trọng trên địa bàn của mình thì phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.
Ngoài ra, ông Phùng Tấn Viết cũng yêu cầu các địa phương kiểm tra chéo với nhau về các điểm bán hàng bình ổn giá xem có bán hàng có đảm bảo chất lượng hay không. Nếu các điểm này bán hàng không đảm bảo chất lượng thì Sở Công thương Đà Nẵng phải chịu trách nhiệm trước UBND TP.