Xây dựng đường giao thông từ phế liệu nhựa đầu tiên tại Việt Nam
Bên lề Hội thảo thúc đẩy triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam do Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) tổ chức sáng 17/04 tại Hà Nội, Công ty Dow Việt Nam và DEEP C - một đơn vị phát triển khu công nghiệp với hơn 3.000 ha đất và nhà xưởng/nhà kho cho thuê tại Hải Phòng và Quảng Ninh - đã ký Thỏa thuận Hợp tác về việc xây dựng đường giao thông từ nhựa tái chế đầu tiên tại Tổ hợp công nghiệp DEEP C ở thành phố Hải Phòng.
Dự án được thực hiện với mục đích tái chế bao bì nhựa dẻo đã qua sử dụng bị vứt bừa bãi hoặc chôn lấp thành nguyên vật liệu xây dựng đường giao thông chắc chắn, bền vững hơn.
Đoạn đường giao thông thử nghiệm đầu tiên dài 1km dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 9 năm nay, sẽ chuyển hóa gần 4 tấn bao bì nhựa dẻo – tương đương với khoảng 1 triệu bao bì nhựa được các khách hàng của Dow tại các khu vực lân cận cung cấp.
Sau khi hoàn thành, con đường mới này sẽ được Đại học Hàng hải Việt Nam đánh giá kết quả thử nghiệm trước khi mở rộng dự án trên phạm vi toàn tổ hợp công nghiệp.
Theo ông Lakkananithiphan, Tổng giám đốc Công ty Dow Việt Nam, Dow đã xây dựng hơn 90km đường giao thông từ rác thải nhựa tại Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Hoa Kỳ. Đây cũng là nền tảng để Dow triển khai áp dụng dự án này tại Việt Nam.
Những con đường được tạo ra từ nhựa tái chế là minh chứng cho thấy rác thải nhựa có khả năng trở thành một nguồn tài nguyên tái tạo có giá trị, góp phần phát triển nền kinh tế tuần hoàn nhựa. Rác thải nhựa được sử dụng trong dự án này chủ yếu là bao bì nhựa dẻo đã qua sử dụng.
Sau khi làm sạch, sấy khô và nghiền nhỏ, nhựa được trộn với nhựa đường ở nhiệt độ khoảng 150 đến 180oC. Ở nhiệt độ này, nhựa bị nóng chảy hoàn toàn, hòa với nhựa đường, giúp nâng cao độ bền cho con đường. Đường giao thông được làm từ nhựa tái chế còn có khả năng giảm khí thải nhà kính bằng cách thay thế một phần chất nhựa bitum cần có trong nhựa đường.