Xăng tăng nhiều, giảm ít, vận tải than “chết”
Xăng tăng nhiều, giảm ít, vận tải than “chết”
Nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa tại TP.HCM đang trước vực phá sản - Ảnh Duy Nguyên |
Nguyên nhân khiến doanh nghiệp vận tải kinh doanh không có lãi là do việc tăng giá cước vận tải hàng hóa là rất khó khăn. Ông Nguyễn Ngọc Lư, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP.HCM cho biết, vào thời điểm cuối tháng 3/2005, giá xăng là 4.825 đồng/lít, thì vận chuyển hàng hóa từ TP.HCM đến TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) là 50.000 đồng/tấn. Hiện nay xăng dầu đã tăng giá lên gấp 4 lần mà cước vận tải hàng hóa mới chỉ tăng được 60%. Trong khi đó, vận tải bằng taxi đã tăng gấp 3 lần, tức 300%, từ 5.500 đồng/km lên 18.000 đồng/km.
“Nói như thế để thấy được vận tải hàng hóa phát triển rất chậm. Hãng taxi Vinasun năm 2000 có 300 đầu xe, đến nay đã phát triển lên 5.000 đầu xe. Trong khi ngành vận tải hàng hóa ít có doanh nghiệp nào có đến 100 đầu xe. Mà doanh nghiệp vận tải hàng hóa cũng không dám đầu tư xe mới, bởi hoạt động đang vô cùng khó khăn”, vị này cho biết.
Không những không được tăng giá, các doanh nghiệp vận tải còn đang oằn mình gánh nhiều loại phí. Hiện nay phí vào cảng là 10.000 – 15.000 đồng, phí bốc xếp trong cảng là 13.000 đồng/tấn, bốc xếp tại kho là 5.000 – 8.000 đồng/tấn, cùng các loại phí đường bộ khác… Nhưng 1 tấn hàng hóa từ TP.HCM lên KCN Biên Hòa chỉ có giá từ 80.000 – 90.000 đồng/tấn. Thu nhập mỗi chuyến chỉ có khoảng 900.000 đồng, không đủ tiền trả xăng dầu và đóng phí.
Ông Ngô Trọng Diệu, đại diện Công ty TNHH vận tải Tấn Hưng cho biết, doanh nghiệp Tấn Hưng hợp đồng vận tải hàng hóa lâu năm với hệ thống siêu thị Metro. Từ đầu năm đến nay, đã trải qua 2 lần tăng giá nhiên liệu nhưng Metro vẫn chưa cho tăng giá cước vận tải do hợp đồng trước đó. Trong khi các doanh nghiệp vận tải khác rục rịch tăng giá thì Tấn Hưng vẫn đang hoạt động với giá của thời điểm năm 2011.
“Giá nhiêu liệu tăng, không được tăng giá cước mà dịch vụ giao nhận hàng hóa thì phải làm tốt, làm trọn gói. Doanh nghiệp đã phải bỏ chi phí ra để bù lỗ vào hoạt động”, ông Diệu bức xúc.
Đại diện Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vận tải Sơn Hà cũng than lỗ, doanh nghiệp có 100 rơ moóc và 25 đầu kéo, tính ra một năm phải đóng 1,4 tỷ tiền phí các loại. Cơ quan thuế xác định doanh nghiệp làm ăn có lãi nên phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Doanh thu của năm 2011 là 25 tỷ thì tiền thuế chiếm trên 18% doanh thu. Cộng trừ các khoảng chi phí đầu vào, phần lãi của doanh nghiệp hầu như còn rất ít. Năm 2012, chắc chắn doanh thu không tăng hơn năm 2011. Mà chi phí đầu vào năm nay lại đang tăng khá cao. Cứ đà này, doanh nghiệp chỉ còn nước đóng cửa.
Cùng chung kịch bản khó tăng giá cước, lại bị các loại phí vây bủa, ông Lê Thành Thao, đại diện Công ty Cổ phần Vận tải và Giao nhận Quảng Châu cho biết, giá cước đi từ TP.HCM đến Tiền Giang là 1.285.000 đồng/chuyến hàng, đã phải chịu phí 640.000 đồng. Tương tự, giá cước vận chuyển từ cảng Cát Lái đi Cần Thơ là 7 triệu đồng/chuyến thì phải đóng phí giao thông đường bộ là 1.350.000 đồng, chiếm khoảng 19% tổng giá cước chuyến hàng. Nếu tính đúng, tính đủ cả khấu hao tài sản, chi phí đầu vào và lãi suất ngân hàng thì doanh nghiệp này đang phải chịu lỗ.
Duy nguyên