WHO: Nuôi con bằng sữa mẹ - tất cả các quốc gia đều thất bại
Theo WHO, chỉ có 40% trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi trên thế giới được cho bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và chỉ có 23 quốc gia có tỷ lệ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu của trẻ đạt trên 60%.
WHO cho rằng, con số này quá thấp bởi việc cho con bú sữa mẹ đem lại rất nhiều lợi ích về sức khỏe cho cả mẹ và bé.
Ảnh minh họa. |
Tổng giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom, nhấn mạnh: "Nuôi con bằng sữa mẹ sẽ cho trẻ sự khởi đầu tốt nhất có thể. Sữa mẹ giống như vắc xin đầu tiên của trẻ sơ sinh, bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi các căn bệnh nguy hiểm tiềm ẩn và cung cấp cho trẻ tất cả các dưỡng chất cần thiết để trẻ tồn tại và phát triển".
Nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời có thể giúp ngăn ngừa được hai nguyên nhân gây tử vong chính ở trẻ sơ sinh là tiêu chảy và viêm phổi. Ngoài ra, cho con bú mẹ còn giảm nguy cơ bị ung thư buồng trứng và ung thư vú ở mẹ.
WHO thực hiện đánh giá trên nhằm kêu gọi các quốc gia khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ vì điều này có lợi cả về mặt sức khỏe và kinh tế.
WHO cũng vừa công bố một nghiên cứu cho thấy, nếu tỷ lệ trẻ trên toàn thế giới được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời tăng từ 40% lên 50% trong 10 năm tới, 520.000 trẻ sẽ được cứu sống và thế giới sẽ tiết kiệm được 300 tỷ USD.
Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) Anthony Lake cho hay: "Nuôi con bằng sữa mẹ là một trong những sự đầu tư có hiệu quả nhất mà các quốc gia nên làm vì sức khỏe của thế hệ trẻ và vì tương lai kinh tế, xã hội”.
WHO đang kêu gọi các quốc gia thúc đẩy việc cho nuôi con bằng sữa mẹ bằng cách thực hiện tốt các chính sách thai sản cũng như khuyến khích xây dựng các khu vực cho con bú mẹ cũng như hướng dẫn hay giúp đỡ các bà mẹ cho con bú.